Trong hơn một giờ livestream thông qua chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời", lãnh đạo TPHCM thể hiện rõ tinh thần cầu thị của cấp chính quyền, mong sớm đưa địa bàn về trạng thái bình thường mới.
Tối 6/9, lần đầu tiên sau khi nhậm chức, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, đã chính thức lắng nghe, giải đáp những phản ánh, khó khăn của người dân. Trong bối cảnh dịch bệnh tại địa bàn diễn biến phức tạp, buổi "tiếp xúc người dân" được tổ chức theo một hình thức đặc biệt.
Với hơn 60 phút livestream thông qua chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời", lãnh đạo TPHCM đã thể hiện rõ tinh thần cầu thị của cấp chính quyền và mong muốn truyền tải quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa toàn địa bàn về trạng thái bình thường mới.
Ngoài những chiến lược, định hướng lớn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển thành phố sau ngày 15/9, người đứng đầu chính quyền TPHCM đã trả lời những thắc mắc mang tính tiêu biểu của người dân trong thời điểm hiện tại.
800.000 lượt xem, hơn 172.000 người xem cùng lúc, 100.000 bình luận, 20.000 lượt chia sẻ là những con số mà chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" đạt được trong tối 6/9. Ở chiều hướng ngược lại, người dân thành phố và dư luận cả nước cũng thể hiện sự quan tâm lớn đến vị khách mời đặc biệt của chương trình.
Khi nào TPHCM ngừng giãn cách, nới lỏng các hoạt động?
- Khi nào TPHCM sẽ nới lỏng giãn cách? Tại sao thành phố giãn cách thời gian dài mà tình hình dịch bệnh vẫn chưa hạ nhiệt, thưa ông?
- "Khi nào thành phố ngừng giãn cách, thành phố khi nào hết dịch" là câu hỏi không chỉ của người dân, lãnh đạo TPHCM mà còn là thắc mắc của cả nước và bạn bè quốc tế quan tâm đến chúng ta.
Khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp, TPHCM đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt. Trong đó, toàn địa bàn áp dụng các biện pháp cách ly, giãn cách, hạn chế di chuyển, hạn chế các hoạt động, sản xuất. Những điều đó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt, kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, thành phố còn cần giãn cách xã hội và áp dụng các biện pháp khác, khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Việc thành phố khi nào hết giãn cách phụ thuộc vào sự chuyển biến của tính hình dịch bệnh. Chúng ta chưa thể đưa ra một mốc thời gian cụ thể nào.
Đối với câu hỏi, vì sao TPHCM giãn cách mãi mà tình hình chưa cải thiện, điều này đến từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Đối với nguyên nhân khách quan, chủng virus Delta diễn biến rất phức tạp, chúng ta vẫn chưa hiểu hết về nó. Không chỉ ở Việt Nam, biến chủng này cũng lây lan nhanh, mạnh ở các nước khác, khiến công tác ứng phó đôi lúc chưa kịp thời.
Việc thành phố khi nào hết giãn cách phụ thuộc vào sự chuyển biến của tính hình dịch bệnh.
Khi đã hiểu thêm phần nào về biến chủng, thành phố đã tiến hành các biện pháp giãn cách. Tình hình dịch bệnh đã được cải thiện ở một số nơi có công tác giãn cách được tiến hành kịp thời, nghiêm túc.
Về mặt chủ quan, một số địa bàn của TPHCM làm chưa nghiêm khiến dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan. Bên cạnh đó, các hoạt động xét nghiệm, ngăn chặn nguồn lây cũng chưa thật sự tốt ở một số nơi.
Từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan trên, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến thành phố còn cần kéo dài thời gian giãn cách xã hội.
Thời gian gần đây, khi việc giãn cách được triển khai quyết liệt theo tinh thần "ai ở đâu ở yên đó", việc xét nghiệm, bóc tách F0 đã phát huy hiệu quả, TPHCM đã có những chuyển biến tích cực về tình hình dịch bệnh. Tôi tin rằng, khi các biện pháp được thực hiện một cách tập trung, quyết liệt, đồng bộ, thành phố sẽ tạo ra những chuyển biến trong thời gian tới.
- Nếu TPHCM nới lỏng việc giãn cách sau ngày 15/9, biện pháp nào để đảm bảo an toàn cho người dân trong bối cảnh số ca nhiễm SARS-CoV-2 và số ca tử vong trong thời gian vừa qua?
- Theo Nghị quyết 86 của Chính phủ, đến ngày 15/9, TPHCM cần phấn đấu kiểm soát được dịch Covid-19. Giãn cách, xét nghiệm, tách F0 ra khỏi cộng đồng, tập trung cho công tác điều trị, giảm số ca tử vong, đảm bảo an sinh xã hội và đẩy mạnh tiêm vắc xin Covid-19 là các hoạt động thành phố đang khẩn trương làm để đạt được mục tiêu này.
Sau ngày 15/9, nếu kiểm soát được dịch bệnh, TPHCM sẽ có lộ trình nới lỏng việc giãn cách xã hội. Tuy nhiên, thành phố cũng cần đánh giá lại và chuẩn bị các phương án mở lại các hoạt động.
TPHCM đang chuẩn bị kịch bản để mở lại các hoạt động theo hướng an toàn.
Chúng ta cần nới lỏng theo nguyên tắc, an toàn mới nới lỏng và nới lỏng phải an toàn. Nếu việc nới lỏng ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người dân thì những thành quả thời gian qua sẽ không còn ý nghĩa.
Để đạt được điều đó, thành phố đã chuẩn bị từng bước như đã nói ở trên gồm điều trị, bóc tách F0, ngăn chặn nguồn lây và tập trung cho công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19.
Các nhóm chuyên gia về dịch tễ của thành phố đang hoàn thiện bộ tiêu chí an toàn dựa trên số ca nhiễm, số ca tử vong và sức chịu đựng của ngành y tế. Ngoài ra, tỷ lệ người dân đã được tiêm vắc xin Covid-19 và có kháng thể cũng là một trong các điều kiện để xem xét, mở lại các hoạt động một cách an toàn.
Theo kế hoạch dự kiến, khi công tác vận hành an toàn, người lao động đảm bảo được các điều kiện, sau ngày 15/9, thành phố sẽ từng bước mở lại hoạt động thương mại điện tử, shipper, đơn vị vận tải, dịch vụ bưu chính, logistics, sản xuất trang thiết bị ngành y, lương thực, thực phẩm, xăng dầu, ga, các công trường, đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng...
Thành phố giãn cách thế nào sau ngày 6/9?
- Tôi ở Quận 7, địa bàn đã công bố kiểm soát được dịch. Vậy tôi có thể đi chợ, đi siêu thị lại sau ngày 6/9 chưa, thưa Chủ tịch thành phố?
- Chiều 6/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM đã họp để đánh giá lại tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến ngày 15/9, thành phố cơ bản vẫn tiếp tục các biện pháp siết chặt giãn cách giống như từ ngày 23/8 đến hiện tại, nhưng có 2 điểm điều chỉnh.
Điều đầu tiên là các siêu thị, hệ thống cung ứng được triển khai đến từng xã, phường, thị trấn. Ở những "vùng đỏ", shipper sẽ đi chợ thay các hộ dân. Người dân tại "vùng xanh" có thể đi chợ một lần mỗi tuần.
Các shipper sẽ đi chợ thay người dân tại "vùng đỏ" sau ngày 6/9.
Chúng tôi khuyến khích những người đã tiêm vắc xin Covid-19 sẽ đảm nhiệm công việc đi chợ. Khi có kháng thể, khả năng nhiễm bệnh sẽ thấp hơn và nếu không may bị lây nhiễm, tỷ lệ chuyển nặng vẫn sẽ nhỏ hơn.
Xin nhắc lại, TPHCM sẽ tính phương án mở cửa dần các hoạt động, nhưng việc mở lại phải đảm bảo nguyên tắc an toàn.
Từ nay đến ngày 15/9, TPHCM đã tính tới phương án thí điểm mở lại một số dịch vụ bán đồ ăn mang về tại vùng xanh. Khi tình hình chuyển biến tốt, những địa bàn an toàn, ngành nghề an toàn sẽ từng bước được mở lại.
- Tôi mong muốn sớm được tiêm vắc xin mũi 2. Ngoài ra, tôi muốn hỏi khi đã tiêm vắc xin Covid-19 đủ 2 mũi, người dân có thể tham gia các hoạt động như bình thường không?
- Với sự chia sẻ, hỗ trợ từ các nước trên thế giới và Trung ương, TPHCM đã được ưu tiên cấp lượng vắc xin Covid-19 lớn để tiêm cho người dân. Đến nay, thành phố đã tiêm ít nhất một mũi cho 82% người trên 18 tuổi.
Thành phố sẽ cố gắng từ nay đến 15/9, toàn địa bàn sẽ tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho 90% người trên 18 tuổi và đảm bảo lượng vắc xin tiêm mũi 2 cho những người đủ điều kiện.
TPHCM là địa phương có tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 ở mức cao.
Với hơn 6,3 triệu người đã được tiêm mũi một và hơn 500.000 người được tiêm đủ 2 mũi, TPHCM là địa phương có tỷ lệ tiêm vắc xin toàn dân ở mức cao.
Tuy nhiên, việc tiêm đủ 2 mũi vắc xin chỉ là một trong những điều kiện an toàn để khôi phục lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc tiêm chủng chỉ giúp người dân có kháng thể, hạn chế khả năng lây nhiễm chứ không miễn nhiễm hoàn toàn với SARS-CoV-2.
Hiện tại, người tiêm đủ 2 mũi vắc xin chưa đủ để trở lại làm việc như bình thường, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố về tình hình dịch Covid-19 của thành phố trong thời gian tới.
Giãn cách tới đâu, thành phố hỗ trợ tới đó
- Thưa Chủ tịch thành phố, vợ chồng tôi đều là lao động chân tay và mất việc do dịch Covid-19 trong 3 tháng nay. Túi an sinh của thành phố đã giúp chúng tôi sống trong 2 tuần qua, nhưng thời gian tới, chúng tôi không thể sống nổi nếu chỉ nhận hỗ trợ một lần.
- Chúng tôi rất chia sẻ với bà con thành phố suốt quãng thời gian qua. Mỗi người đến với thành phố để lao động hay học tập đều có sự đóng góp nhất định.
Thời điểm bình thường, mọi người là lực lượng lao động làm ra của cải, vật chất đóng góp cho ngân sách. Khi dịch bệnh phức tạp, thành phố giãn cách, bà con mất việc, nhiều người không còn tích lũy.
Quan điểm của lãnh đạo thành phố là tất cả người đang kẹt lại do dịch bệnh, không về quê được, mất việc, không có thu nhập, gặp khó khăn đều là đối tượng cần hỗ trợ.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định, khi còn giãn cách xã hội, thành phố còn tiếp tục hỗ trợ người dân.
Ban đầu, chúng tôi xác định hỗ trợ theo người, sau đó là theo hộ. Sự chênh lệch giữa việc hỗ trợ theo từng người và từng hộ cũng gây thắc mắc cho bà con thời gian qua, đó là lỗi của chính quyền khi chưa nghiên cứu đầy đủ, dẫn đến không đồng nhất giữa 2 đợt hỗ trợ.
Chúng tôi đồng tình rằng, với mức chi 1,5 triệu đồng cho một hộ, hay một người cũng chưa đủ và chỉ hỗ trợ được phần nào để bà con vượt qua khó khăn thời điểm này. Thành phố đã bàn và thống nhất, nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp kéo dài, đời sống người dân còn khó khăn thì chính quyền vẫn tiếp tục hỗ trợ người dân.
Hiện tại, thành phố đang xây dựng phương án hỗ trợ từng người sau ngày 15/9. Cụ thể, tiền hỗ trợ có thể thấp hơn mức 1,5 triệu, nhưng sẽ hỗ trợ cho từng người và hỗ trợ thường xuyên hơn.
Bên cạnh đó, người dân cũng nhận 15 kg gạo mỗi tháng cùng các túi an sinh. Thành phố cũng tính các hình thức hỗ trợ khác như vận động giảm giá nhà trọ, giảm tiền điện, nước, chi phí sinh hoạt cho người thuê trọ.
- Hiện tại, nhiều người chưa nhận được số tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng. Mong Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo để người dân tiếp cận hỗ trợ sớm nhất có thể, tăng cường công tác kiểm tra để tránh việc hỗ trợ đến sai địa chỉ.
- Thành phố có hơn 10 triệu dân sinh sống nên sẽ có những lúc, sự bao quát của chính quyền các cấp còn chưa đầy đủ. Thay mặt chính quyền, lãnh đạo thành phố, tôi xin nhận khuyết điểm này.
Thời gian qua, chúng tôi đã kiểm tra công tác hỗ trợ và sẽ tiếp tục thực hiện kiểm tra trong thời gian tới. Một số nơi phát sinh sai phạm, thành phố đã xử lý nghiêm.
Báo điện tử Dân trí trao tặng 2.000 túi an sinh tới người dân Quận 3, TPHCM.
Tuy nhiên, cũng có những khó khăn từ cán bộ cơ sở, gây ảnh hưởng đến công tác thống kê. Trong trường hợp đó, bà con cần liên hệ ngay tới phường, xã, đơn vị lập danh sách để phản ánh và thông báo.
Đối với chính quyền cơ sở, khi số lượng thực tế vượt quá con số thống kê theo danh sách trước đây, các địa phương báo cáo lên cấp trên để được cấp bổ sung thêm.
Ngoài ra, hiện tại, thành phố triển khai gói hỗ trợ đến mọi người dân đang ở trên địa bàn, không phân biệt có đăng ký thường trú, tạm trú hay không. Nơi nào còn yêu cầu những điều kiện đó, chúng tôi sẽ chấn chỉnh, kiểm tra, nhắc nhở.
- Tôi là lao động tự do ngoại tỉnh và không còn sức trụ lại. Sau ngày 15/9, tôi có được trở về quê không?
- Theo quy định chung của công tác phòng, chống dịch bệnh, người dân không di chuyển giữa các địa phương đang giãn cách. Đặc biệt là từ địa phương có dịch đến những khu vực khác.
Chúng tôi xin khẳng định, thành phố không cấm người dân các tỉnh về quê. Thực tế thời gian qua, thành phố luôn phối hợp với các địa phương, tạo điều kiện để bà con hồi hương.
Chủ tịch TPHCM khẳng định. thành phố luôn phối hợp với các địa phương, tạo điều kiện để bà con hồi hương.
Cụ thể, đối với các địa phương sắp xếp đón nhận người dân, TPHCM đã hỗ trợ phương tiện, lương thực, thực phẩm, xét nghiệm Covid-19 và tiêm chủng vắc xin. Tuy nhiên, nhiều địa phương có khả năng tiếp nhận không nhiều do người về từ TPHCM cần cách ly một khoảng thời gian nhất định.
Người dân có nhu cầu về quê cần liên hệ với hội đồng hương của tỉnh mình để phối hợp với TPHCM đưa đón bà con. Trong thực tế, các địa phương không đủ khả năng để tiếp nhận hàng ngàn, hàng chục ngàn người cách ly cùng lúc trở về.
- Trong nhiều tháng qua, thành phố giãn cách xã hội theo nhiều mức, các công ty vừa và nhỏ tổn thất nặng nề. Sau khi khôi phục sản xuất kinh doanh, "bình oxy nào" sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc nhóm này?
- Đây là một vấn đề lớn, không chỉ với chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những khó khăn còn kéo theo một bộ phận người lao động ảnh hưởng công việc và thu nhập.
Thành phố nhận định, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp 3 cái khó. Chúng tôi đã có phương án hỗ trợ, khắc phục từng khó khăn trên.
Đối với khó khăn về vốn, TPHCM đã kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước một gói chính sách hỗ trợ như khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi vay. TPHCM cũng đề nghị có sự đối thoại thường xuyên giữa ngân hàng với hiệp hội doanh nghiệp, người vay để lắng nghe để xuất, nắm bắt khó khăn và đưa ra quyết định.
Chủ tịch TPHCM cho biết, địa bàn đã có phương án hỗ trợ, khắc phục từng khó khăn của doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngoài ra, thành phố cũng có những chương trình hỗ trợ lãi suất, các khoản tín dụng hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp thông qua các gói kích cầu.
Đối với khó khăn về lao động, thành phố đang phối hợp với các địa phương có chính sách hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng công việc và tiêm vắc xin cho họ sớm có thể quay trở lại hoạt động ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.
Đối với khó khăn về mặt bằng, thành phố sẽ có gói hỗ trợ chi phí bằng cách giảm giá mặt bằng, điện nước, dịch vụ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Hiện tại thành phố đang xây dựng một kế hoạch tổng thể nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa. Thành phố sẽ cố gắng để công bố các chính sách thuộc thẩm quyền của mình trước ngày 15/9. Đối với những đề xuất cần trình Trung ương, chúng ta cần chờ các cơ quan có thẩm quyền cao hơn chấp thuận.
Theo Quang Huy /Dân trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/70-phut-livestream-giai-dap-thac-mac-tu-nguoi-dan-cua-ong-phan-van-mai-20210907031505412.htm