Bộ Y tế đề xuất bổ sung thuốc Reamberin và Cytoflavin vào phác đồ điều trị F0. Đây là thuốc dự kiến viện trợ từ Nga, phục vụ phòng chống dịch Covid-19 tại TP HCM
Chiều 3-9, làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (Công ty Samsung, tại KCN Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên) cho biết công ty vẫn vận hành nhà máy bình thường và không có ca nhiễm Covid-19 nào.
Thực hiện chiến lược vắc-xin
Hiện Công ty Samsung đã đầu tư hơn 17,7 tỉ USD vào Việt Nam, có 6 nhà máy với 110.000 lao động và đang xây dựng 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển.
Trong bối cảnh dịch bệnh, từ tháng 1 tới tháng 7-2021, Công ty Samsung vẫn đạt mức tăng trưởng 10% so cùng kỳ năm 2020. Đơn vị đã ủng hộ hơn 86 tỉ đồng cho công tác phòng chống dịch tại Việt Nam. Nếu sắp tới nhà máy tại TP HCM trở lại hoạt động bình thường thì công ty có thể vượt mục tiêu xuất khẩu của năm. Lãnh đạo công ty đề nghị Thủ tướng và các bộ, ngành quan tâm tiêm vắc-xin Covid-19 cho người lao động của đơn vị.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng cho biết Việt Nam đang thực hiện chiến lược vắc-xin, tiêm miễn phí cho mọi người, trong đó có cán bộ, chuyên gia và công nhân của Samsung. Hiện ưu tiên vắc-xin cho những nơi tình hình dịch bệnh phức tạp như TP HCM và các tỉnh phía Nam, trong đó có KCN của Samsung. Thủ tướng mong Samsung có tiếng nói với Chính phủ Hàn Quốc và các đối tác để hỗ trợ Việt Nam thực hiện chiến lược vắc-xin bằng nhiều hình thức.
Thủ tướng khẳng định cá nhân ông và các thành viên Chính phủ luôn lắng nghe các ý kiến, đề xuất của Samsung để hợp tác giữa hai bên thành công hơn nữa.
Tiếp tục xét nghiệm tầm soát
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế có công điện đề nghị với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 15-9, tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, cần lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở/hộ gia đình cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (2-3 ngày/lần); lấy mẫu đơn kháng nguyên nhanh hoặc mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp.
Tại các khu vực khác, lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở/hộ gia đình cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5-7 ngày/lần); lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp. Tiếp tục xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến cơ sở khám, chữa bệnh và tại cộng đồng.
Xét nghiệm 3 ngày/lần đối với nhân viên, người lao động (là các trường hợp có nguy cơ cao) tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở sản xuất kinh doanh, KCN, người trực tiếp cung cấp dịch vụ thiết yếu. Đặc biệt, tổ chức hướng dẫn người dân tự lấy mẫu có sự giám sát của nhân viên y tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi cán bộ, công nhân Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên Ảnh: Nhật Bắc
Với các địa phương không thực hiện Chỉ thị 16, Bộ Y tế đề nghị chủ động sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh trong cộng đồng và tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm theo chỉ định của cơ quan y tế và trả kết quả xét nghiệm chậm nhất trong vòng 24 giờ kể từ khi lấy mẫu. Áp dụng phương pháp xét nghiệm RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh kết hợp việc gộp mẫu phù hợp…
Bộ Y tế cho biết đang đề xuất xem xét bổ sung 2 thuốc (Reamberin và Cytoflavin) vào phác đồ điều trị F0. Đây là thuốc dự kiến được viện trợ của Công ty Polysan (Nga) để phục vụ phòng chống dịch Covid-19 tại TP HCM. Trong đó, Reamberin có chỉ định giảm ôxy huyết và giải độc trong các trường hợp ngộ độc cấp. Cytoflavin có chỉ định phòng chống đột quỵ thiếu máu cục giai đoạn cấp.
Bộ Y tế tiếp tục triển khai phân bổ 54.000 lọ thuốc Remdesivir điều trị Covid-19 cho các cơ sở điều trị, nâng tổng số thuốc này đã phân bổ lên hơn 227.680 lọ. Đây là lần phân bổ thứ 5 và lần này tập trung chủ yếu cho các cơ sở điều trị Covid-19 trên địa bàn TP HCM.
Bộ Y tế cũng cho biết trong ngày 3-9 nước ta ghi nhận 14.922 ca mắc Covid-19. Năm tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang. Trong ngày, thêm 11.344 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, 338 ca tử vong do Covid-19. Gần 3 triệu người đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin.
Phân loại bệnh nhân là rất quan trọng
Tại cuộc họp báo về phòng chống dịch Covid-19 ở TP HCM ngày 3-9, trả lời báo chí xung quanh việc quận 7 và huyện Củ Chi công bố đã kiểm soát được dịch bệnh, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 TP HCM, cho biết hai địa phương này nằm trong nhóm 7 quận, huyện được TP đặt mục tiêu kiểm soát được dịch trước ngày 31-8.
Tuy nhiên, ông Phạm Đức Hải cho biết 2 nơi này chưa thể thực hiện nhanh chóng việc nới lỏng, vì còn chờ đánh giá chung của các địa phương còn lại, gồm các quận: 5, 11, Phú Nhuận và huyện Cần Giờ, Nhà Bè. Sau đó, trên tổng thể thẩm tra của UBND TP mới đề xuất những giải pháp tiếp theo, cố gắng phấn đấu kiểm soát dịch trước ngày 15-9.
"TP sẽ thành lập tổ thẩm tra 5 đơn vị chưa công bố kiểm soát được dịch còn lại, dựa theo tiêu chí của Bộ Y tế để đánh giá đạt hay chưa đạt. Sau đó lần lượt đến những quận, huyện còn lại" - ông Hải cho hay.
Cùng ngày, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa dẫn đầu tổ công tác của Bộ Y tế làm việc tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP HCM. Tại đây, ông Khoa đánh giá công tác điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế đang phát huy hiệu quả cao. Việc phân loại bệnh nhân là rất quan trọng. Các bệnh nhân bệnh nền nhiều, tuổi quá cao, nguy cơ cao thì giữ lại; bệnh nhân trẻ, chuyển độ nhẹ thì chuyển tuyến dưới. Điều này vừa giúp giảm áp lực cho tuyến trên mà còn cứu được nhiều bệnh nhân nguy kịch khác. Tuyến dưới cần nắm chắc từng chuyển biến của các ca bệnh, bởi nếu chuyển thành nguy kịch rồi thì cứu chữa rất khó.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM cho biết đến thời điểm này TP đã có 233.093 trường hợp mắc bệnh Covid-19. TP đã tổ chức hơn 411 trạm y tế lưu động để chăm sóc, theo dõi sức khỏe F0 tại nhà. Khi xét nghiệm nhanh và phát hiện F0, các trạm sẽ nắm bắt thông tin nhanh và xử lý kịp thời, góp phần giảm tải cho bệnh viện; triển khai phát túi thuốc A, B, C cho F0 chăm sóc, điều trị tại nhà.
Hà Nội phân 3 vùng để phòng chống dịch Ngày 3-9, Hà Nội ghi nhận 58 ca mắc Covid-19. UBND TP Hà Nội cho biết từ 6 giờ ngày 6-9 đến 6 giờ ngày 21-9, TP thực hiện phân theo 3 vùng trên cơ sở tận dụng lợi thế địa lý, các con sông, kênh nước để tăng cường công tác phòng chống dịch; bảo đảm sản xuất, sinh hoạt; song song với hình thành các lớp để ngăn chặn lây lan và tập trung nhân lực, vật lực để phòng chống dịch ở khu vực nguy cơ cao; tập trung có trọng tâm xử lý những đối tượng, khu vực có nguy cơ cao. Vùng 1: Là khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Hiện là "vùng đỏ", nhiều đối tượng nguy cơ cao. Gồm toàn bộ 10 quận, huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai và một phần địa giới hành chính của 5 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín. Vùng 2: Phân cách bởi hệ thống sông Hồng, sông Đuống với vùng 1. Toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh. Vùng 3: Vùng sản xuất nông nghiệp và các khu, cụm công nghiệp, có mật độ và sinh hoạt dân cư đặc trưng nông nghiệp, có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp. Chủ yếu được chia bởi sông Nhuệ, sông Đáy, toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận, huyện: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và một phần của 5 quận, huyện của vùng 1: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín. Về việc cấp giấy đi đường, Công an TP Hà Nội đã báo cáo UBND TP phê duyệt kế hoạch tổng thể, khi được phê duyệt sẽ công khai cụ thể, dự kiến có 6 nhóm đối tượng được cấp. H.Thanh |
Theo Thế Dũng - Ngọc Dung - Nguyễn Thuận - Nguyễn Thạnh/NLĐO
https://nld.com.vn/thoi-su/tiep-tuc-lay-mau-xet-nghiem-tai-nha-20210903221321545.htm