Luật đất đai 2013 được đánh giá là đang tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc nhưng lại chưa có đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật 2 năm đầu tiên của Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn
Sáng nay (14-6), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Theo đó, Chính phủ xác định nguyên tắc ưu tiên đề xuất vào chương trình năm 2022 và bổ sung chương trình năm 2021 những dự án cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm: Tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thực hiện các cam kết quốc tế; Bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Cụ thể, kỳ họp thứ 2 của Quốc hội (cuối năm 2021) sẽ thảo luận và đến kỳ họp thứ 3 (giữa năm 2022) sẽ xem xét thông qua 6 dự án luật, gồm: Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật điện ảnh (sửa đổi); Luật thanh tra (sửa đổi); Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ; Luật cảnh sát cơ động.
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội dự kiến cho ý kiến 3 dự án luật khác, gồm: Luật thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật dầu khí (sửa đổi). Cả 3 dự án luật này dự kiến sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4. Ngoài ra, kỳ họp thứ 4 sẽ cho ý kiến dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản đồng ý với các nội dung kiến nghị. Đồng thời lưu ý về sự chậm trễ trong việc chuẩn bị các luật, pháp lệnh cần ban hành để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 (ban hành kèm theo nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13), hiện còn 18 dự án luật, pháp lệnh chưa được ban hành (dự án chậm ban hành lâu nhất là 6 năm, ngắn nhất là 1 năm, các dự án khác ban hành chậm 2-5 năm).
Thường trực Ủy ban Pháp luật đồng ý với Chính phủ là không tiếp tục xây dựng 8/18 dự án luật, pháp lệnh nêu trên do nhiều nội dung đã được điều chỉnh trong các văn bản pháp luật khác.
Còn lại 10 dự án luật, pháp lệnh gồm: Luật về hàm, cấp ngoại giao; Luật tình trạng khẩn cấp; Luật bình đẳng giới (sửa đổi); Luật công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp; Luật năng lượng nguyên tử; Luật dân số; Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật về hội; Luật biểu tình; Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp. Cơ quan của Quốc hội đề nghị "Chính phủ cần xác định rõ thời gian đưa các dự án luật, pháp lệnh trên vào chương trình để các cơ quan của Quốc hội có cơ sở để giám sát và xây dựng kế hoạch công tác".
Như vậy, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội đến hết năm 2022 chưa thấy kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật đất đai 2013. Có ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự sốt ruột vì chưa thấy "bóng dáng" của dự luật quan trọng này, trong khi lĩnh vực quản lý đất đai đang đặt ra nhiều vấn đề bất cập, tồn tại cần sửa luật.
Cuộc bầu cử đã vượt mọi trở ngại để thành công tốt đẹp Sáng cùng ngày, Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường đã báo cáo kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ông Cường cho biết cuộc bầu cử lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, thể hiện ở số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu, tỉ lệ cử tri đi bầu cử lần này rất cao, đạt 99,60% tổng số cử tri cả nước. Cuộc bầu cử đã diễn ra dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm an toàn, tiết kiệm và thành công rất tốt đẹp. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: cuộc bầu cử là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong năm 2021 được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu và vượt qua mọi trở ngại, khó khăn tổ chức thành công rất tốt đẹp về mọi mặt. "Qua phản hồi dư luận thấy đồng tình với cách xử lý của Hội đồng Bầu cử quốc gia khi không công nhận tư cách trúng cử của một đại biểu; cương quyết xử lý theo quy định pháp luật, biểu quyết bằng phiếu kín và đã có nghị quyết riêng về việc này" - ông Huệ cho hay. Thay mặt Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, ông Vương Đình Huệ cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sắc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp ủy đảng, chính quyền, đồng bào, chiến sĩ, nhân dân và cử tri cả nước đã phát huy cao độ lòng yêu nước, chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn thách thức làm nên cuộc bầu cử để lại dấu ấn tốt đẹp. |
Theo Lê Kiên/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/chua-thay-de-xuat-quoc-hoi-sua-luat-dat-dai-2021061411134773.htm