Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Bầu cử quốc gia tại luật Bầu cử quốc hội và HĐND không có quy định nào về việc cho thôi, hay chấp nhận cho rút không làm đại biểu Quốc hội đối với người trúng cử.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam vừa có đơn gửi Hội đồng Bầu cử quốc gia xin rút, không làm đại biểu Quốc hội khóa XV, dù tới 10.6 tới đây, Hội đồng Bầu cử quốc gia mới chính thức công bố danh sách 500 đại biểu Quốc hội XV vừa trúng cử.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, Hội đồng Bầu cử quốc gia không có thẩm quyền quyết định cho ông Trần Văn Nam thôi đại biểu Quốc hội XV trong trường hợp ông Nam đã trúng cử.
Luật Bầu cử Quốc hội và HĐND 2015 tại điều 15 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia trong việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội quy định 10 “nhiệm vụ, quyền hạn” của Hội đồng Bầu cử quốc gia. Tuy nhiên, không có quy định nào về việc cho thôi, hay chấp nhận cho rút không làm đại biểu Quốc hội với người đã trúng cử.
Liên quan tới người ứng cử Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia có quyền xóa tên người ứng cử trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội trong những trường hợp luật quy định.
Sau khi có kết quả bầu cử, Hội đồng Bầu cử quốc gia có nhiệm vụ xác nhận và công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội trong cả nước đồng thời xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội. Sau đó, Hội đồng Bầu cử quốc gia phải trình Quốc hội khóa mới báo cáo tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu.
Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng có nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội; chuyển giao hồ sơ, khiếu nại, tố cáo liên quan đến những người trúng cử đại biểu Quốc hội cho Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Luật cũng quy định, Hội đồng bầu cử quốc gia kết thúc nhiệm vụ sau khi đã trình Quốc hội khóa mới báo cáo tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu, bàn giao biên bản tổng kết và hồ sơ, tài liệu về bầu cử đại biểu Quốc hội cho Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa mới.
Như vậy, sau khi có kết quả bầu cử từ các địa phương, Hội đồng Bầu cử quốc gia chỉ thẩm quyền xác nhận tư cách của người trúng cử để báo cáo Quốc hội khóa mới chứ không có thẩm quyền cho thôi hay cho rút.
Việc cho thôi hay cho rút không làm đại biểu Quốc hội, theo quy định hiện hành tại luật Tổ chức Quốc hội, phải do Quốc hội quyết định. Nếu không phải thời gian diễn ra kỳ họp thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Hiện kết quả bầu cử Quốc hội vẫn chưa được công bố chính thức, Quốc hội khóa mới cũng chưa họp kỳ họp đầu tiên nên Hội đồng Bầu cử quốc gia chỉ có quyền thẩm tra, xác nhận tư cách đại biểu của ông Trần Văn Nam chứ không thể quyết định việc có cho ông Nam thôi không làm đại biểu Quốc hội hay không.
Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày hôm qua, ông Bùi Văn Cường, Tổng thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia, xác nhận việc ông Nam gửi đơn xin thôi không làm đại biểu Quốc hội khóa XV.
Chiều cùng ngày, trả lời PV Thanh Niên, ông Trần Văn Nam xác nhận về việc xin thôi làm đại biểu Quốc hội khóa XV và cho biết "vì lý do sức khỏe".
Ông Trần Văn Nam (58 tuổi), quê tại xã Bình Mỹ, H.Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; trình độ cử nhân luật, cao cấp thanh vận.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương xuất thân là Bí thư Tỉnh đoàn Bình Dương, rồi làm Bí thư Huyện ủy Tân Uyên. Sau đó, ông Nam làm Phó chủ tịch, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương (2010 - 2014). Từ 2014, ông Nam giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.
Ông Nam là Ủy viên T.Ư Đảng khóa XII và vừa tái cử Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII hồi tháng 1.2021.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia trong việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội 1. Ấn định và công bố số đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử. 2. Nhận và xem xét hồ sơ của người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội; nhận hồ sơ và danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi đến. 3. Gửi danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của những người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đến Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để thực hiện việc hiệp thương. Giới thiệu và gửi hồ sơ của người ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương, giới thiệu để về ứng cử tại các tình, thành phố trực thuộc trung ương. 4. Lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo từng đơn vị bầu cử; xóa tên người ứng cử trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội. 5. Nhận và kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử của các Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành, phố trực thuộc trung ương, Ban bầu cử; lập biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội trong cả nước. 6. Quyết định việc bầu cử thêm, bầu cử lại đại biểu Quốc hội hoặc hủy bỏ kết quả bầu cử và quyết định ngày bầu cử lại ở khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội có vi phạm pháp luật nghiêm trọng. 7. Xác nhận và công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội trong cả nước; xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội. 8. Trình Quốc hội khóa mới báo cáo tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu. 9. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội; chuyển giao hồ sơ, khiếu nại, tố cáo liên quan đến những người trúng cử đại biểu Quốc hội cho Ủy ban thường vụ Quốc hội. 10. Quản lý và phân bổ kinh phí tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội. (Điều 15, luật Bầu cử Quốc hội và HĐND 2015) |
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/thoi-su/hoi-dong-bau-cu-quoc-gia-co-quyen-cho-bi-thu-binh-duong-thoi-dai-bieu-khong-1395659.html