Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội đã được hiến định, nên vai trò lãnh đạo của Đảng trong bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là không có gì phải luận bàn. Và thực tế không riêng gì nhiệm kỳ 2021 - 2026, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thể hiện tốt vai trò lãnh đạo kịp thời, đúng đắn, sáng suốt về chủ trương, đường lối, chứ không đứng trên, làm thay Quốc hội…
Đảng giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể. Ảnh: Hải Nguyễn
Luôn hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử
Xin được khẳng định lại rằng, qua hơn 91 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình, với những mốc son chói lọi mà tiếng vang, âm hưởng, sự lan tỏa của từng sự kiện, thành tựu không chỉ bó hẹp ở phạm vi trong nước. Có thể dễ dàng kể đến là Đảng đã lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính thức chấm dứt hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, mở ra thời đại phát triển rực rỡ của đất nước về sau.
Đó là Đảng lãnh đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30.4.1975, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là Đảng khởi xướng và lãnh đạo thành công công cuộc đổi mới đất nước, khởi đầu từ Đại hội lần thứ VI năm 1986…
Đặc biệt, nhìn lại 35 năm đổi mới, những thành tựu kỳ vĩ mà Đảng lãnh đạo đất nước đạt được trên các lĩnh vực không chỉ giúp nước ta có những bước tăng trưởng ngoạn mục, thần kỳ; đời sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, an toàn; mà bạn bè quốc tế còn vị nể khi chúng ta thể hiện rất tốt vai trò, trách nhiệm của mình ở nhiều cương vị, trọng trách khác nhau, từ khu vực đến toàn cầu. Đây là điều rất dễ kiểm chứng bởi bất kỳ khi nào, ở đâu cũng đều có thể tìm trên mạng thông tin toàn cầu Google để xác tín những thông tin hiển nhiên, chính xác như vậy.
Xin được nhắc lại rằng, việc Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội không chỉ là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán để khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng, mà còn là một nguyên tắc bất di bất dịch của cách mạng Việt Nam, phù hợp với thể chế chính trị - xã hội mà Việt Nam đã lựa chọn, được nhân dân nhất mực ủng hộ, tin yêu. Suốt hơn 91 năm từ khi ra đời, vai trò lãnh đạo của Đảng được thể hiện toàn diện, trên mọi lĩnh vực, không riêng gì trong bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Điều ấy cũng đúng như bao lĩnh vực khác suốt dặm dài lịch sử từ khi có Đảng.
Xin được nhắc lại rằng, sau Hiến pháp các thời kỳ, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) cũng đã chỉ rõ: “Đảng lãnh đạo xã hội bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương công tác; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức kiểm tra và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Đảng giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể. Đảng không làm thay công việc của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng liên hệ mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Rõ ràng, Cương lĩnh đã chỉ rõ vai trò và phương thức lãnh đạo của Đảng một cách cụ thể, bằng chủ trương, đường lối và khẳng định rằng, “Đảng không làm thay”, không đứng trên mà là một bộ phận của hệ thống chính trị. Trong phạm vi bài viết này, xin được nêu ra vài ví dụ điển hình để thấy rõ điều này.
Đổi mới phương thức lãnh đạo
Thứ nhất, Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa VIII (tháng 6.1988), lần đầu tiên có 2 ứng cử viên cho chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) được giới thiệu để Quốc hội bầu, khi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng đột ngột qua đời vào ngày 10.3.1988. Sở dĩ có “mốc son trong lịch sử Quốc hội” này là do đồng chí Đỗ Mười được Đảng giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nhưng ra Quốc hội, có nhiều đoàn đại biểu quốc hội đề nghị giới thiệu thêm đồng chí Võ Văn Kiệt. Sau khi được báo cáo, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đồng ý triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị để bàn bạc về vấn đề này.
Kết quả, Bộ Chính trị nhất trí đề nghị của Hội đồng Nhà nước giới thiệu 2 ứng viên để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Và rồi, đồng chí Đỗ Mười trúng cử với tỉ lệ 63% số phiếu ủng hộ. Cuộc tranh cử đầu tiên và duy nhất cho tới nay trong lịch sử Quốc hội vào ngày 22.6.1988 ấy đã tạo không khí hồ hởi, phấn khởi trong cả nước, được quốc tế rất ca ngợi.
Ấy là ví dụ điển hình, là sự kiện chưa từng có trong sinh hoạt nghị trường, hết sức dân chủ, đổi mới. Nhưng, những ví dụ về việc Quốc hội bày tỏ rõ lập trường, quan điểm, chính kiến của mình trước những chủ trương, đường lối của Đảng diễn ra không phải là hiếm, nhất là trong quá trình thông qua các văn bản pháp luật.
Tại nhiều kỳ họp quốc hội, không ít chủ trương, dự án, dự án luật… đã không được qua. Ví dụ, sau những phiên thảo luận căng thẳng, chiều 19.6.2010, Quốc hội đã bác dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam khi chỉ có 37% số đại biểu tán thành, so với 41% số đại biểu không tán thành. Có thể khẳng định rằng, việc bác một dự án do Chính phủ trình hiếm khi xảy ra trong lịch sử Quốc hội. Nhưng khi còn những băn khoăn, âu lo trước những vấn đề hệ trọng, mang tính lịch sử của đất nước, trong bối cảnh cụ thể ở thời điểm nào đó, việc Quốc hội thể hiện vai trò, trách nhiệm, quyền lực của mình là hợp lý. Đó không hề là sự làm trái sự lãnh đạo của Đảng.
Thêm một ví dụ khác, ngày 17.11.2020, đa số đại biểu quốc đã thể hiện chính kiến không tán thành việc “tách” dự án luật Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm an toàn trật tự giao thông đường bộ. Cụ thể, có 104 đại biểu tán thành, tương đương 21,62% tổng số đại biểu quốc hội; có 302 ý kiến không tán thành việc tách luật, tương đương 62,7% tổng số đại biểu Quốc hội…
Những ví dụ kể trên chỉ là số ít, có thể không thật sự tiêu biểu, nhưng điều đó càng khẳng định vững chắc thêm rằng, Đảng lãnh đạo về chủ trương, đường lối, Quốc hội ban hành văn bản pháp luật đúng với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan lập pháp, thể hiện rõ sự độc lập của mình, qua đó thêm sự khẳng định rõ ràng rằng, Đảng lãnh đạo toàn diện, chứ không đứng trên, làm thay Quốc hội. Thế nên, những luận điệu mà các thế lực thù địch, phản động luôn nhai đi, nhai lại rằng Đảng thao túng Quốc hội, đứng trên, làm thay, vô hiệu hóa Quốc hội chỉ là những sự hận thù, chống phá điên cuồng, vô lối, không sát đúng với tình hình chính trị, đất nước Việt Nam.
Qua đó, lại thêm một lần hiểu rõ dã tâm thâm độc, xảo quyệt của các thế lực thù địch, phản động từ bao năm nay luôn điên cuồng tìm mọi thủ đoạn, âm mưu để xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp, đồng nghĩa với việc xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Dĩ nhiên, Đảng phải luôn đổi mới phương thức lãnh đạo để phù hợp với tình hình, bối cảnh mới, để tiếp tục giành được những thắng lợi to lớn trên mọi mặt trận, đưa nước ta vững bước trên con đường đã chọn, với những mục tiêu đã đặt ra cùng sự kỳ vọng, tin yêu của nhân dân.
Và như một quy luật tất yếu, Quốc hội cũng thường xuyên phải đổi mới tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động, để Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo Lao động
https://laodong.vn/thoi-su/dang-lanh-dao-nhung-khong-dung-tren-lam-thay-quoc-hoi-905479.ldo