Mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, tổ dân phố ở những nơi đủ điều kiện đã được các địa phương trong tỉnh Bắc Giang thực hiện từ nhiều năm nay. Việc nhất thể hóa hai chức danh này góp phần đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.
Trọn gánh "hai vai"
Diện mạo thôn Việt Hương, xã Hương Sơn (Lạng Giang) nay đã thay đổi nhiều. Nhà ở dân cư khang trang, đường làng ngõ xóm được cứng hóa sạch đẹp. Thôn có hơn 170 hộ với nhiều đồng bào dân tộc sinh sống. Mấy năm gần đây, ngoài sản xuất nông nghiệp, người dân còn phát triển thêm nghề xây dựng, mở xưởng chế biến gỗ bóc.
Ông Lê Danh Bính (ngoài cùng bên trái), Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Việt Hương, xã Hương Sơn (Lạng Giang) nắm bắt tình hình sản xuất của người dân.
Có được kết quả này là nhờ nỗ lực của cộng đồng dân cư và đóng góp không nhỏ của ông Lê Danh Bính, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Hơn 7 năm làm bí thư chi bộ và 5 năm làm trưởng thôn, ông luôn bám nắm địa bàn, tham mưu, chỉ đạo thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Hai năm qua, người dân trong thôn đã hiến hơn 1.000m2 đất làm đường, mở rộng khuôn viên trung tâm nhà văn hóa. Ngoài thôn Việt Hương, ba thôn khác ở xã Hương Sơn là: Chí Mìu, Đồn Cầu Bằng và Hương Thân cũng đang duy trì mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn.
Năm 2017, thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ dân phố, anh Ngô Quang Chính, thôn Ngọc Trì, xã Quế Nham (Tân Yên) được tín nhiệm cả “2 vai” này. Anh chia sẻ: “Ban đầu chưa quen nên tôi khá bỡ ngỡ. Tuy nhiên, được Đảng ủy xã động viên, giúp đỡ nên tôi luôn cố gắng. Trước đây, mỗi khi có việc ở thôn phải họp từ 2 đến 3 lần thì nay chỉ cần tổ chức 1 lần là triển khai được ngay. Việc triển khai công việc ở thôn tuy vất vả hơn nhưng cũng thuận tiện hơn. Với trách nhiệm người đứng đầu thôn, chi bộ, tôi đã tổ chức, vận động bà con hiến đất và góp tiền, công sức san gạt làm sân vận động".
Đồng chí Nguyễn Hữu Văn, Bí thư Đảng ủy xã Quế Nham cho rằng, việc nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn đã phát huy được tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu thôn; khắc phục tình trạng “lệch pha” giữa bí thư chi bộ và trưởng thôn trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở. Nhờ vậy, việc thực thi công việc từ xã xuống thôn cũng nhanh gọn và hiệu quả hơn.
Thực tiễn triển khai ở địa phương cho thấy, việc nhất thể hóa này góp phần tinh gọn cơ cấu bộ máy từ cơ sở, tạo sự thống nhất, đồng thuận từ việc ban hành chủ trương cho đến tổ chức thực hiện. Đồng thời phát huy tối đa năng lực của người đứng đầu cấp ủy. Những thôn thực hiện theo mô hình kiêm nhiệm nhiều năm qua chi bộ đều hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Chọn người để giao việc
Ngày 10/5/2016, BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 74 về tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trong Đảng bộ tỉnh, giai đoạn 2016- 2020. Một trong những nội dung quan trọng nghị quyết đề cập là thực hiện chủ trương bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, tổ dân phố (gọi tắt là thôn) ở nơi có đủ điều kiện. Thực hiện nghị quyết, các địa phương đã quan tâm chỉ đạo cấp ủy cơ sở rà soát, lựa chọn các bí thư chi bộ uy tín, trách nhiệm giới thiệu ứng cử chức danh trưởng thôn vào dịp bầu cử.
Toàn Đảng bộ tỉnh hiện có 68 thôn nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Việc nhất thể hóa hai chức danh bước đầu đã khẳng định được tính ưu việt và hiệu quả. |
Huyện Yên Thế có 19 đồng chí ở 14 xã, thị trấn giữ chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Tại huyện Lạng Giang, địa phương thực hiện thí điểm nhất thể hóa tại những thôn khó khăn về nhân sự trưởng thôn, đến nay có 37 thôn thực hiện chủ trương này. Một số địa phương khác như: Lục Nam, Tân Yên, Hiệp Hòa cũng đang duy trì thực hiện nhất thể hóa từ 10-15 thôn. Những nơi thực hiện mô hình này có chung đặc điểm như: Khó khăn về nhân sự để bầu trưởng thôn, tỷ lệ trưởng thôn là đảng viên thấp, thôn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống...
Việc nhất thể hóa hai chức danh bước đầu đã khẳng định được tính ưu việt và hiệu quả. Tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện vẫn có khó khăn bởi không dễ tìm người gánh vác được cả “hai vai”. Khi thực hiện mô hình này, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn cần có sức khỏe, năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành; am hiểu công tác Đảng, có kinh nghiệm, uy tín cao trong Đảng, trong dân. Tuy nhiên ở các chi bộ nông thôn phần lớn là đảng viên lớn tuổi, người đảm nhận được chức bí thư chi bộ thì tuổi cao, sức yếu, không gánh được “hai vai”; người làm tốt vai trò trưởng thôn lại chưa phải là đảng viên để có thể giữ cương vị bí thư chi bộ. Nhiều nơi vẫn còn tâm lý một người hai việc không thể bằng mỗi người một việc.
Đồng chí Nguyễn Đăng Liệu, Phó trưởng phòng Tổ chức đảng, đảng viên (Ban Tổ chức Tỉnh ủy) nhìn nhận: Để mô hình này phát huy hiệu quả, điều quan trọng nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương phải làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự, có quy trình chặt chẽ, phù hợp, bảo đảm sự đồng thuận cả trong quần chúng và trong tổ chức đảng. Sau khi nhất thể hóa, sớm xây dựng quy chế làm việc của chi bộ, thôn.
Cùng đó, coi trọng công tác kiểm tra, giám sát để tránh lạm quyền, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận tại cơ sở, nhất là cán bộ trẻ. Đội ngũ bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn nếu được trẻ hóa, vừa có trình độ, năng lực, vừa giàu nhiệt huyết sẽ thực sự là cầu nối giữa người dân với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Theo Vân Anh/ BBG
http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/xay-dung-dang/357295/nhat-the-hoa-bi-thu-chi-bo-kiem-truong-thon-phat-huy-vai-tro-dang-cu-dan-tin-.html