Tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 29-3, nhiều đại biểu trăn trở về một loạt vấn đề như thu hút vốn đầu tư xã hội, giảm gánh nặng ngân sách, đề xuất đầu tư để Việt Nam thành văn phòng làm việc của thế giới...
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự phiên thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn
Hơn 30 đại biểu đăng ký phát biểu trong buổi sáng thảo luận các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ. Các đại biểu điểm lại thành công của nhiệm kỳ vừa qua khi Việt Nam đạt được những dấu ấn từ quy mô nền kinh tế, vị thế quốc gia, giá trị thương hiệu quốc gia cũng như dự trữ ngoại hối, chuyển biến cán cân thương mại...
Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian phân tích những tồn tại trong chỉ đạo, điều hành với kỳ vọng cải thiện trong nhiệm kỳ tới.
Sự cố sách giáo khoa "là bài học cay đắng"
ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Phạm Thi Minh Hiền (Phú Yên) mong Chính phủ nhiệm kỳ tới dành thời gian rà soát chính sách sử dụng nhân tài bởi vấn đề con người có ý nghĩa quyết định đến năng lực của bộ máy.
Đại biểu Hiền mong Chính phủ kiên quyết xóa bỏ lối mòn tư duy, khuyến khích năng lực sáng tạo, đổi mới của từng cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy.
Vấn đề thứ hai đại biểu Phú Yên quan tâm là công tác giáo dục. Theo bà Hiền, sự cố xã hội hóa sách giáo khoa thời gian vừa qua "là bài học cay đắng, xương máu cho các nhà quản lý giáo dục".
Điều đáng nói là khi xã hội đã thấy rõ những hậu quả mà nhiều học sinh và gia đình đang phải đối mặt thì vấn đề cá nhân, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm cho những sai lầm này lại chưa rõ ràng.
Đại biểu đề nghị "đừng xem trách nhiệm là trái bóng", Quốc hội, Chính phủ cần có những cơ chế tăng thêm kỷ cương quốc gia.
Thu hút vốn đầu tư xã hội chưa thành công
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) - Ảnh: Quochoi.vn
Phát biểu trọn 7 phút, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) khẳng định chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào với một nhiệm kỳ Chính phủ nhiều thành tựu ấn tượng khi Chính phủ đã vượt khó để khẳng định uy tín.
Tuy nhiên, bà Mai nêu 4 vấn đề cần khắc phục, trong đó nổi bật là hạn chế của thu hút vốn đầu tư xã hội và gánh nặng ngân sách quốc gia.
Theo bà Mai, trong thực hiện chủ trương thu hút nguồn lực ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển, nhà nước chỉ đầu tư cho các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác không thể đầu tư, Quốc hội đã ban hành luật về đối tác công tư, huy động tối đa nguồn lực từ nền kinh tế tư nhân, Chính phủ đã đúng đắn khi xây dựng chính phủ kiến tạo, huy động tối đa các nguồn lực ngoài nhà nước.
Tuy nhiên, nhìn lại cả chặng đường, bà Mai khẳng định huy động các nguồn lực ngoài nhà nước chưa như mong muốn.
Nhiều dự án đã phải chuyển từ hình thức từ đối tác công tư sang 100% vốn nhà nước như các dự án thuộc tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường ven biển.
Hiện nay, tỉ lệ đầu tư từ vốn từ nhân từ tổng vốn đầu tư ở Việt Nam thấp hơn nhiều nước trên thế giới. Theo bà Mai, ngoài nguyên nhân khách quan, có những nguyên nhân chủ quan và Chính phủ kiến tạo phải huy động được mọi nguồn lực.
Ngoài ra, đối với việc phân cấp trong đầu tư công, luật Đầu tư công sửa đổi 2019 đã giao thẩm quyền cho chính quyền địa phương, song ngay khi áp dụng, nhiều địa phương đưa vào danh mục nhiều dự án chưa đúng chỉ tiêu chi phí, vượt quá sức chịu đựng của ngân sách nhà nước.
Bà Mai đề nghị Chính phủ rà soát, tránh vi phạm vượt quá sức chịu đựng của ngân sách và tránh tư duy nhiệm kỳ.
Chuyển đổi số thành công sẽ biến "không thể thành có thể"
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu ra 3 vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới. Thứ nhất, nợ xấu, nợ công giảm mạnh, đây là dư địa để tăng trưởng trong thời gian tới trong bối cảnh phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Thứ hai, kết quả nhập siêu tích cực nhưng còn một số vấn đề cần lưu ý như nhập siêu với các nước trong khu vực…
Thứ ba, Chính phủ đã quyết liệt cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành nhưng thành công này đặt ra thách thức lớn cho nhiệm kỳ mới vì không còn nhiều dư địa để cải cách, do đó, cần đột phá thể chế, chuyển đổi phương thức quản lý mạnh mẽ trên cơ sở chuyển đổi số…
"Nếu chuyển đổi số thành công thì những kết quả cải cách thể chế sẽ giúp chúng ta biến những điều không thể thành có thể", đại biểu Cường nói và cho rằng đây là cơ sở để chuyển từ chính phủ quản lý sang chính phủ phục vụ.
Trước đó, là người phát biểu đầu tiên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) bày tỏ ấn tượng với những chỉ đạo giải quyết của Thủ tướng khi lắng nghe ý kiến nhân dân, kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, thực hiện mục tiêu kép trong năm 2020...
"Đó là sức mạnh của niềm tin, của lòng tự hào dân tộc", đại biểu Hoa nói.
Tuy nhiên, đại biểu nêu rõ sự chuyển động chưa đều, vẫn có tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, cơ chế xin cho… "Khi một cỗ máy vận hành thì chỉ một chi tiết nhỏ lỡ nhịp thì sẽ ảnh hưởng tới cả cỗ máy", bà Hoa cũng kiến nghị trong nhiệm kỳ tới phải "hiểu điều dân muốn, làm điều dân cần", khắc phục bệnh hình thức trong đánh giá. Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ, Thủ tướng đã quyết liệt đôn đốc các bộ ngành, thực hiện cắt giảm hàng trăm thủ tục hành chính rườm ra, gỡ bỏ các rào cản đang ngáng chân doanh nghiệp. "Tôi mong muốn Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ có những giải pháp hữu hiệu thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp tục phát triển thuận lợi, đặc biệt để vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển", ông Cương nhấn mạnh. |
THEO NGỌC HIỂN - TIẾN LONG /TUỔI TRẺ
https://tuoitre.vn/su-co-xa-hoi-hoa-sach-giao-khoa-la-bai-hoc-cay-dang-20210329093824021.htm