Ngày 17/2, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự Phiên thảo luận trực tuyến Cấp cao của Hội đồng Bảo an liên quan tới vấn đề tiếp cận vắcxin COVID-19.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dự cuộc họp cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về bảo đảm sự tiếp cận vắcxin COVID-19 một cách công bằng. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Ngày 17/2, nhận lời mời của Ngoại trưởng Anh Dominic Raab, Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 2/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự Phiên thảo luận trực tuyến Cấp cao của Hội đồng Bảo an với chủ đề “Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế: Thực hiện Nghị quyết 2532 nhằm bảo đảm tiếp cận vắcxin COVID-19 một cách công bằng trong bối cảnh xung đột và mất an ninh.”
Cùng tham dự cuộc họp có: Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres; Thủ tướng Saint Vincent and the Grenadines; Ngoại trưởng các nước: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Ireland, Kenya, Mexico, Na-Uy; đại diện các nước thành viên Hội đồng Bảo an khác và lãnh đạo một số tổ chức quốc tế.
Tại cuộc họp, Tổng Thư ký Liên hợp quốc khẳng định đại dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh quốc tế, làm chậm quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; nhấn mạnh cần kịp thời phổ cập và bảo đảm công bằng trong tiếp cận vắcxin.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ cơ chế tiếp cận vắcxin toàn cầu (COVAX), lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu, Nghị quyết 2532 và các nỗ lực chung của hệ thống đa phương toàn cầu do Liên hợp quốc dẫn dắt để triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn cầu.
Các nước nhấn mạnh việc phổ cập vắcxin COVID-19 an toàn và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế sự lây lan của đại dịch và hạn chế những tổn thất về kinh tế, sức khỏe, giáo dục; kêu gọi cộng đồng quốc tế đảm bảo không ai bị bỏ lại trong chiến dịch tiêm chủng.
Các nước quan ngại trước những thách thức trong việc phân phối vắcxin, nhất là tại các khu vực chịu ảnh hưởng bởi xung đột và bất ổn; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết thực hiện đầy đủ lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Nghị quyết 2532 của Hội đồng Bảo an.
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần hợp tác triển khai hiệu quả một chiến lược ứng phó đại dịch và tiêm chủng hiệu quả.
Phó Thủ tướng cho rằng cần coi vắcxin là tài sản chung của cả cộng đồng quốc tế, bảo đảm tiếp cận vắcxin với giá cả phù hợp cho tất cả các nước và ưu tiên cho nhóm dân số có nguy cơ lây nhiễm cao và tuyến đầu chống dịch; kêu gọi các nước tăng cường đóng góp cho Cơ chế COVAX để có thể phân phối vắcxin rộng rãi tới các nước đang phát triển và người dân trong khu vực xung đột.
Đồng thời, việc bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu là yếu tố then chốt để tạo điều kiện cho việc phổ cập vắcxin.
Phó Thủ tướng kêu gọi Hội đồng Bảo an tăng cường thực hiện Nghị quyết 2532, nhất là kêu gọi ngừng bắn toàn cầu, coi đây là những điều kiện tiên quyết cho Liên hợp quốc và các bên liên quan phân phối vắcxin trên thực địa vì mục đích nhân đạo.
Cộng đồng quốc tế cần giải quyết tận gốc các nguyên nhân dẫn đến xung đột, bất ổn, bất bình đẳng và bất công; tham gia vào các nỗ lực đa phương toàn cầu do Liên hợp quốc dẫn dắt để xây dựng hệ thống y tế mạnh và tự cường, thúc đẩy hợp tác phát triển, thương mại và kinh tế toàn cầu sau đại dịch.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế cần tiếp tục đoàn kết và tăng cường hợp tác đa phương toàn cầu và khu vực để điều phối hiệu quả các nỗ lực chung phòng chống dịch. Phó Thủ tướng khẳng định, là thành viên tích cực của ASEAN và Liên hợp quốc, Việt Nam cam kết tiếp tục đóng góp hết sức mình vào nỗ lực chung cùng các nước vượt qua đại dịch.
Nghị quyết 2532 được Hội đồng Bảo an đồng thuận thông qua ngày 1/7/2020 với nội dung chính là kêu gọi các bên xung đột ngừng tham chiến trong vòng ít nhất 90 ngày vì mục đích nhân đạo để tạo điều kiện cho hỗ trợ và tiếp cận nhân đạo.
COVAX là sáng kiến do (Tổ chức Y tế thế giới) WHO và Liên minh Toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng (GAVI) đề xuất thành lập nhằm cung cấp vắcxin chống dịch COVID-19 miễn phí; đồng thời hỗ trợ vật tư, kỹ thuật để tiêm chủng cho khoảng 15-16% dân số toàn cầu, tối đa 20% dân số cho 92 quốc gia có thu nhập trung bình thấp./.
Theo TTXVN/Vietnam+
https://www.vietnamplus.vn/pho-thu-tuong-bo-truong-ngoai-giao-du-phien-thao-luan-cua-hdba-lhq/695411.vnp