Sáng nay, 8/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu dự hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tham dự có lãnh đạo một số bộ, ngành và gần 5.000 cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành tài chính dự tại 63 điểm cầu truyền hình trực tuyến.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nhiều giải pháp chính sách tài khóa linh hoạt (như miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất) được triển khai để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất-kinh doanh, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19. Tính đến ngày 31/12/2020, đã có khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng tiền thuế, thuê đất, phí và lệ phí được gia hạn, hoặc miễn, giảm.
Thu NSNN cả năm đạt 98% dự toán, tăng 184.000 tỷ đồng so với đánh giá tại Quốc hội tháng 10/2020, tỉ lệ động viên vào NSNN đạt 23,9% GDP.
Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, tổng thu NSNN đạt 6,89 triệu tỷ đồng, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, mức rất tích cực trong điều kiện thu NSNN năm 2020 khó khăn, tăng trưởng kinh tế thấp hơn rất nhiều so dự kiến.
Cơ cấu thu NSNN bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN tăng từ 68% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 85,5% năm 2020, tỷ trọng thu dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ 30% bình quân giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 14,2% năm 2020.
Giải ngân đạt 92-93% dự toán
NSNN đã chi trên 18.000 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân vượt qua tác động của đại dịch COVID-19 theo các Nghị quyết 42/NQ-CP và 37/NQ-CP của Chính phủ. Ngân sách Trung ương đã sử dụng khoảng 12,4 nghìn tỷ đồng dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ và khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh; xuất cấp gần 37.000 tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm.
Điểm sáng trong tổ chức thực hiện chi ngân sách năm 2020 là tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển tiến bộ hơn so với năm trước. Ước tính đến ngày 31/12/2020, chi đầu tư phát triển đạt 82,8% dự toán (cùng kỳ đạt 62,9% kế hoạch); phấn đấu đến hết thời điểm khóa sổ kế toán năm 2020 (ngày 31/1/2021) đạt 92-93% dự toán. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 26.000 tỷ đồng vốn vay ngoài nước cho đầu tư phát triển không thực hiện được, phải hủy dự toán.
Bội chi NSNN năm 2020 ước khoảng 248,5 nghìn tỷ đồng, dưới 4% GDP. Tính chung 5 năm giai đoạn 2016-2020, bội chi NSNN bình quân khoảng 3,6%GDP.
Trong năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc phù hợp với khả năng ngân quỹ nhà nước, chủ yếu là huy động vốn trung và dài hạn (không phát hành kỳ hạn dưới 5 năm) và không vay thêm từ các tổ chức tài chính quốc tế (WB, ADB....), góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2020 đã dài gấp trên 3,5 lần năm 2011, từ mức 3,9 năm lên bình quân khoảng 13,94 năm, nâng kỳ hạn nợ bình quân danh mục trái phiếu Chính phủ thời điểm cuối năm 2020 lên 8,42 năm, dài gấp gần 5 lần so với thời điểm cuối năm 2011 (1,84 năm); lãi suất huy động bình quân cũng giảm mạnh, từ mức 12,01% bình quân năm 2011, xuống còn khoảng 2,86% năm 2020.
Đến cuối năm 2020, dư nợ công khoảng 55,8% GDP, nợ Chính phủ khoảng 49,6% GDP, trong phạm vi giới hạn cho phép.
Hãng S&P đã tiếp tục duy trì xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB, triển vọng ổn định. Moody’s cũng giữ nguyên hệ số tín nhiệm của Việt Nam. Tháng 4/2020, Fitch đã quyết định giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia ở mức BB và điều chỉnh triển vọng từ tích cực sang ổn định.
Theo Đức Tuân/Chinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/Thoi-su/Boi-chi-duoi-4-GDP-no-cong-trong-nguong-cho-phep/419165.vgp