Chủ tịch quận được quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường và người đứng đầu cơ quan chuyên môn...
Theo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10 thì từ 1/7/2021 sẽ không thí điểm nữa mà thực hiện luôn việc không tổ chức HĐND ở quận và phường. Với mô hình có tính đặc thù nên vai trò, chức năng nhiệm vụ của Chủ tịch quận, phường cũng có những điểm đáng lưu ý.
Điều 4 của Nghị quyết quy định rõ cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của UBND quận và nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND quận. Theo đó, UBND quận gồm Chủ tịch, không quá 3 Phó Chủ tịch, các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Chủ tịch, Phó Chủ tịch là công chức giữ vị trí lãnh đạo, quản lý.
UBND quận làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Việc thí điểm không tổ chức HĐND ở TPHCM giai đoạn vừa qua được đánh giá là hiệu quả
Trong khi đó, Chủ tịch UBND quận là người đứng đầu và lãnh đạo, điều hành hoạt động của UBND quận; chịu trách nhiệm trước HĐND, UBND, Chủ tịch UBND Thành phố và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận
Chủ tịch quận được quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ công tác Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND phường trực thuộc và người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận; tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.
UBND quận thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách trực thuộc UBND Thành phố theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; phân bổ dự toán ngân sách, điều chỉnh dự toán ngân sách, quyết toán ngân sách của phường trực thuộc.
Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách quận, phường trực thuộc theo quy định của Luật Đầu tư công; tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư dự án thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền mà Luật Đầu tư công quy định phải có sự tham gia ý kiến của HĐND cấp huyện; tổ chức thực hiện chương trình, dự án đầu tư công theo phân cấp quản lý; phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, quyết định giao nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho UBND phường trực thuộc.
UBND quận chịu trách nhiệm về hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ quận đến cơ sở, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính; thực hiện công tác cải cách hành chính và cải cách công vụ, công chức ở địa phương.
Đề xuất, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn theo phân cấp quản lý.
Thực hiện nhiệm vụ về tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, xây dựng chính quyền và địa giới hành chính, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế, lao động, chính sách xã hội, dân tộc, tôn giáo, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, các biện pháp bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, quản lý dân cư. Quản lý và tổ chức sử dụng công sở, tài sản, phương tiện làm việc và ngân sách nhà nước được giao theo quy định của pháp luật....
HĐND Thành phố sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND Thành phố đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức; trường hợp có từ hai phần ba tổng số đại biểu HĐND Thành phố trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì HĐND Thành phố đề nghị Chủ tịch UBND Thành phố xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Thời hạn, thời điểm, trình tự lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận được thực hiện theo quy định của Quốc hội.
Cũng theo nghị quyết thì từ năm 2021, các phường ở TPHCM cũng sẽ không có HĐND. Cơ cấu UBND phường gồm Chủ tịch, không quá 2 Phó Chủ tịch và các công chức khác. Công chức làm việc tại UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận, UBND thành phố thuộc Thành phố, được tuyển dụng, sử dụng, quản lý theo quy định đối với công chức.
UBND phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách trực thuộc UBND quận hoặc UBND thành phố thuộc Thành phố theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách nhà nước với UBND quận hoặc UBND thành phố thuộc Thành phố để trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công; tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư dự án thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền mà Luật Đầu tư công quy định phải có sự tham gia ý kiến của HĐND cấp xã; tổ chức thực hiện chương trình, dự án đầu tư công theo phân cấp quản lý.
Ngoài ra, UBND phường còn đề xuất, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn theo phân cấp quản lý. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thành lập Tổ bầu cử đại biểu Quốc hội, Tổ bầu cử đại biểu HĐND..../.
Theo VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/chu-tich-quan-o-tphcm-duoc-quyet-nhung-gi-khi-khong-co-hdnd-820863.vov