Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm nay 20-11 tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 27 và có bài phát biểu quan trọng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Tan Sri Muhyiddin Yassin, hôm nay 20-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 27 (APEC 27), hoạt động quan trọng nhất của Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 27 theo hình thức trực tuyến từ Hà Nội.
Với chủ đề "Tận dụng tiềm năng con người vì một tương lai thịnh vượng chung", Hội nghị APEC 27 tập trung thảo luận về ba nội dung: triển vọng kinh tế toàn cầu, ứng phó Covid-19 và thông qua Tầm nhìn APEC sau năm 2020.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị chia sẻ đánh giá về tình hình thế giới và khu vực, những vấn đề đặt ra đối với hợp tác đa phương và đề xuất định hướng hợp tác APEC trong giai đoạn phát triển mới.
Kể từ khi thành lập năm 1989, qua gần 30 năm hình thành và phát triển, APEC tiếp tục khẳng định là cơ chế liên kết kinh tế khu vực hàng đầu, khởi xướng và đi đầu thúc đẩy xu thế tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư trong khu vực và trên thế giới, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.
Hợp tác APEC tập trung vào 3 trụ cột chính: Tự do hóa thương mại và đầu tư, Thuận lợi hoá kinh doanh và Hợp tác kinh tế - kỹ thuật.
Năm 2020, Việt Nam tham gia Diễn đàn APEC với vị thế được nâng cao, đặc biệt trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, ta tích cực ủng hộ, chủ động phối hợp chặt chẽ với chủ nhà Malaysia và các thành viên bảo đảm giữ đà hợp tác APEC trong bối cảnh hợp tác APEC bị ảnh hưởng và gián đoạn do dịch bệnh bùng phát; thúc đẩy để các Hội nghị APEC ra được Tuyên bố chung, khẳng định tinh thần hợp tác APEC.
Việt Nam đã tích cực tham gia, đóng góp tại gần 100 cuộc họp, hội nghị của APEC được tổ chức trong năm 2020 (cả hình thức trực tiếp và trực tuyến), nhất là tham dự 9 Hội nghị/đối thoại cấp Bộ trưởng gồm: Hội nghị Bộ trưởng Du lịch, Hội nghị Bộ trưởng Thương mại, Cuộc họp cao cấp về Y tế và Kinh tế, Đối thoại chính sách cao cấp về An ninh lương thực, Hội nghị Bộ trưởng về Cải cách cơ cấu, Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính.
Việt Nam đồng thời chủ động, tích cực tham gia và đóng góp xây dựng nhiều văn bản định hướng hợp tác quan trọng của APEC như Tầm nhìn APEC sau 2020 (đây là một trong những đề xuất quan trọng của Việt Nam, Việt Nam cũng đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Nhóm Xây dựng Tầm nhìn APEC, AVG), Tầm nhìn năng lượng APEC sau 2020, Chương trình cải cách cơ cấu APEC giai đoạn 2021-2025 (với vai trò Trưởng nhóm công tác), các Tuyên bố hội nghị, cũng như các báo cáo quan trọng khác như Báo cáo về triển khai các Mục tiêu Bogor của APEC về tự do hóa thương mại và đầu tư, Báo cáo triển khai Chiến lược nâng cao chất lượng tăng trưởng trong APEC, Báo cáo giữa kỳ Kế hoạch tổng thể về Kết nối trong APEC giai đoạn 2015 – 2025; Báo cáo về Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), Báo cáo về Chương trình nghị sự mới trong APEC về Cải cách cơ cấu, Báo cáo về Lộ trình kinh tế số và Internet trong APEC.
Thủ tướng dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 Từ ngày 21 đến 22-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 theo hình thức trực tuyến. Trong năm 2020, Việt Nam đã tham dự hầu hết các hội nghị quan trọng của G20 như Hội nghị cấp Bộ trưởng trong các lĩnh vực ngoại giao, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, giáo dục, y tế, kinh tế số, lao động – việc làm, môi trường, năng lượng, thương mại, du lịch…; các hội nghị quan chức cao cấp và một số cuộc họp nhóm công tác chuyên ngành. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến đặc biệt G20 về ứng phó Covid-19 ngày 26-3-2020, qua đó khẳng định trách nhiệm, đóng góp của Việt Nam và ASEAN vào nỗ lực chung của quốc tế trong chống dịch Covid-19, cũng như truyền thông điệp về quyết tâm và kết quả chống dịch của Việt Nam. Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này, Lãnh đạo các nước sẽ tập trung thảo luận về hợp tác ứng phó dịch Covid-19, thương mại - đầu tư, kinh tế số và phát triển bền vững. Dự kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và phát biểu tại hai phiên thảo luận với các chủ đề: Vượt qua đại dịch, phục hồi tăng trưởng và việc làm và Xây dựng tương lai bền vững, bao trùm và có khả năng chống chịu. Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Canada và Hàn Quốc vào năm 2010 với tư cách Chủ tịch ASEAN. Trên cương vị chủ nhà Năm APEC 2017, Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và các hoạt động liên quan trong năm Đức làm Chủ tịch. Năm 2019, Nhật Bản mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 với tư cách khách mời. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại các phiên họp về đổi mới sáng tạo, khí hậu - môi trường và tích cực tham gia các hoạt động của Hội nghị. Thủ tướng đề nghị G20 thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển- đại dương và tiến tới khuôn khổ toàn cầu về ngăn ngừa rác thải nhựa biển. Năm 2020, Việt Nam được mời tham dự các hội nghị G20 tại Ả-rập Xê-út với tư cách Chủ tịch ASEAN. Chủ đề của G20 năm 2020 là "Hiện thực hóa các cơ hội trong thế kỷ 21 vì mọi người dân" |
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/thoi-su/thu-tuong-co-bai-phat-bieu-quan-trong-tai-cap-cao-apec-20201120071027972.htm