Thảo luận tại hội trường sáng nay 16-11, nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình với việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật: Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đồng thời đề nghị Quốc hội xin ý kiến đại biểu về vấn đề này.
Sáng 16-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Phát biểu tại nghị trường, bên cạnh có ý kiến đồng thuận, thì nhiều đại biểu (ĐB) QH đã bày tỏ sự không đồng thuận với việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật: Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Đồng thời đề nghị QH xin ý kiến ĐBQH về vấn đề này.
ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) phát biểu tại nghị trường
ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết, phạm vi điều chỉnh, quan điểm khi xây dựng luật nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn trên cơ sở phân công nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước.
"Dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) đã được Chính phủ thảo luận cân nhắc kỹ lưỡng sau khi tham khảo ý kiến chuyên gia, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền Hội đồng thẩm định của Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý, tôi ủng hộ sự lựa chọn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vì tôi thấy việc này có lợi cho dân, cho nước" - ĐB Sinh nói.
ĐB Nguyễn Thị Xuân ( Đắk Lắk) cho rằng hai luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ có mục tiêu, đối tượng điều chỉnh khác nhau. Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ có đối tượng điều chỉnh là nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông về an toàn giao thông, bởi hiện nay là hơn 90% các lỗi vi phạm giao thông thuộc về ý thức, nhận thức; điều chỉnh hạn chế hành vi vi phạm của người tham gia giao thông; góp phần phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn. Mục tiêu của luật này là bảo đảm sức khỏe, tính mạng của con người...
"Còn Luật Giao thông đường bộ tôi nghĩ thuộc về cơ sở vật chất, kĩ thuật, xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải đường bộ nhằm mục tiêu phát triển kinh tế xã hội..."- bà Xuân nói và cho rằng việc điều chỉnh chuyên sâu từng lĩnh vực là cần thiết.
Ở góc nhìn khác, ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho biết việc tách ra làm 2 luật, trước hết không phù hợp với chủ trương của Đảng về việc nhằm tập trung phát huy lực lượng quân đội, công an chính quy.
Trước ý kiến cho rằng chất lượng công tác đào tạo, sát hạch lái xe còn tồn tại là nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn giao thông nên cần phải chuyển sang Bộ công an, ĐB Đỗ Văn Sinh bày tỏ quan điểm không ủng hộ. ĐB dẫn chứng thống kê cho thấy số người chết do tai nạn giao thông tính trên 100.000 giấy phép lái xe được cấp đang giảm. Các vụ tai nạn giao thông chủ yếu do ý thức người tham gia giao thông và điều khiển phương tiện giao thông gây ra. Có tới 90% các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra đối với người điều khiển phương tiện giao thông có thâm niên lái xe từ 7-10 năm. "Như vậy ý kiến trên là chưa có cơ sở"- ĐB Đỗ Văn Sinh bày tỏ.
ĐBQH tỉnh Quảng Trị cũng cho biết trong thực tế, hầu hết các văn bằng, giấy tờ hành chính đều có giả, thậm chí có cả tiền giả. Vậy thì giấy phép lái xe, sổ hộ khẩu, sổ hộ chiếu, chứng minh thư nhân dân không phải nhiệm vụ ngoại lệ. Do đó, nếu như cứ xuất hiện văn bằng giả, giấy tờ giả, tiền giả đang được quản lý bởi cơ quan này thì lại chuyển sang cơ quan quản lý khác rất không hợp lý, gây rối xã hội.
"Từ tình hình thực tế và căn cứ nêu trên, tôi đề nghị không chuyển thẩm quyền quản lý giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, đồng thời đề nghị QH không tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật" - ĐB Đỗ Văn Sinh nói.
ĐBQH Nguyễn Bá Sơn
ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho biết ông đồng tình với 10 ý kiến ĐB phát biểu trước đó, là không đồng tình tách Luật Giao thông đường bộ. Theo ĐB Sơn, cần xem lại tính hợp pháp, hợp lý của việc đưa dự thảo luật.
"Tôi đề nghị QH nên lấy ý kiến có nên tách luật hay không, sau đó mới tiến hành các bước tiếp theo"- ĐB Sơn bày tỏ và cho rằng phải làm rõ lí do tách luật trong điều kiện gấp gáp như thế và giải quyết những hệ lụy sau khi tách luật, bởi trong giải trình rất sơ sài, không đáp ứng yêu cầu.
ĐB Nguyễn Bá Sơn cũng bày tỏ đồng tình với phát biểu của ĐB Đỗ Văn Sinh là không đồng tình chuyển việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.
ĐB Thái Trường Giang ( Cà Mau) phát biểu
ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) cho biết theo báo cáo thảo luận tại tổ về Luật Giao thông đường bộ sửa đổi ngày 11-11 cũng có nhiều ý kiến không đồng ý tách thành 2 luật.
"Từ sáng đến giờ cũng có nhiều ý kiến ĐB không đồng ý tách 2 luật. Chính vì vậy đề nghị Chủ tọa kỳ họp xin ý kiến của ĐBQH xem có tách 2 luật hay không. Nếu đồng ý tách thì chiều nay 16-11 chúng ta mới thảo luận tiếp Luật Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ. Nếu không đồng ý thì chiều nay chúng ta không thảo luận tiếp" - ĐB tỉnh Cà Mau đề nghị.
Sau phát biểu của ĐB Giang, nhiều ĐBQH đã vỗ tay bày tỏ sự đồng tình.
Theo Văn Duẩn - Minh Chiến /Người lao động
https://nld.com.vn/thoi-su/nhieu-dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-lay-y-kien-ve-viec-tach-luat-giao-thong-duong-bo-20201116092316912.htm