Trong những năm qua, công tác giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQVN và các cấp đã được tập trung, tăng cường và trở thành hoạt động thường xuyên, trọng tâm, có tác động thực tế đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh. Theo PGS.TS Bùi Thị An, để công tác giám sát và phản biện xã hội được hiệu quả hơn cần có các biện pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội về trình độ chuyên môn, năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá
Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hồ Chí Minh cho rằng: Cần lựa chọn nội dung mà nhân dân và xã hội quan tâm để giám sát. Ảnh: T.V
Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội
Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (18.11.1930-18.11.2020), trao đổi với Lao Động, PGS-TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường và phát triển cộng đồng - cho rằng, Trong thời gian qua Mặt trận tổ quốc các cấp đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vận động nhân dân giám sát, tham gia giám sát với cơ chế là “theo dõi, phát hiện, kiến nghị”. Giám sát và phản biện xã hội là trọng trách của Mặt trận đối với đất nước, với dân, với Đảng. Người dân thông qua Mặt trận thực hiện tốt việc giám sát và phản biện xã hội mới có thể giúp Đảng và Nhà nước chống tham nhũng, chống đói nghèo, chống tụt hậu có hiệu quả.
Từ thực tiễn Thành phố Hà Nội, bà An cho rằng MTTQ các cấp thành phố đã phát huy vai trò là một trong những “kênh” quan trọng để nhân dân linh động, sáng tạo thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”; khơi lên sức sáng tạo, nguồn lực to lớn trong nhân dân. Công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Thành phố các cấp đã được tập trung, tăng cường trong những năm gần đây và trở thành hoạt động thường xuyên, trọng tâm, có tác động thực tế đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh của thành phố. Đây cũng là phương thức hiệu quả phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp thành phố trong sạch, vững mạnh.
“Qua giám sát của mặt trận đã phát hiện nhiều nội dung, vụ việc và những hạn chế của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nhiều ý kiến, kiến nghị sau giám sát được chính quyền các cấp tiếp thu, phản hồi, giải quyết có tình có lý và kịp thời, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo; củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân” - bà An nói và cho rằng, để công tác giám sát và phản biện xã hội được hiệu quả hơn cần có các biện pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội về trình độ chuyên môn, năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề, kỹ năng lắng nghe, tổng hợp.
Lựa chọn đúng, chính đáng nội dung nhân dân và xã hội quan tâm để giám sát
Theo đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh) trong thời gian tới, để phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, cần triển khai hiệu quả một số giải pháp. Đó là nâng cao nhận thức của cấp ủy và Uỷ ban MTTQ các cấp về vai trò, vị trí của MTTQ trong giám sát, phản biện xã hội, nhất là giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp thực hiện quy định nêu gương.
Các cấp ủy đảng và MTTQ các cấp phải xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội để MTTQ thực sự là một chủ thể, có tiếng nói độc lập, đại diện cho nhân dân trong giám sát việc xây dựng, thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Cùng với đó, cần tiếp tục phát huy hiệu quả sự phối hợp và thực hiện một cách đồng bộ với các hoạt động giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp cần tổ chức tốt việc tiếp nhận và xử lý thông tin, thông qua báo cáo của MTTQ cấp dưới, của các tổ chức thành viên, thông tin từ các cơ quan giúp việc của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan truyền thông đại chúng và đơn thư, ý kiến phản ánh trực tiếp của các tầng lớp nhân dân làm căn cứ để giám sát. Phát huy vai trò chủ trì của MTTQ các cấp trong xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát hằng năm.
“Phát huy các hình thức vận động, tuyên truyền, tập hợp, đoàn kết nhân dân thông qua các cuộc vận động để sâu sát, kịp thời nắm bắt và phản ánh ý kiến của nhân dân; phát hiện những vướng mắc, bất cập, sai sót trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; lựa chọn thực hiện có hiệu quả 3 hình thức phản biện xã hội để đưa ra các ý kiến phản biện sắc sảo, sát thực, góp phần tăng đồng thuận xã hội, ổn định và phát triển” - bà Châu nêu ý kiến.
Ứng dụng công nghệ trong giám sát, phản biện xã hội Một giải pháp khác được bà Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh đó là: Cần nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ, các tiện ích mạng xã hội trong công tác giám sát, phản biện xã hội; đồng thời, phối hợp với các cơ quan báo, đài thành phố xây dựng chương trình phát sóng, đưa tin nhằm tạo kênh thông tin và tương tác nhiều chiều để các tầng lớp nhân dân thành phố có thêm thông tin, phản ánh, đặc biệt là tiếp nhận các góp ý, đề xuất, hiến kế… từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu đối với công tác điều hành, quản lý của chính quyền các cấp thành phố. T.Vương |
Theo Trần Vương/Lao động
https://laodong.vn/thoi-su/lua-chon-nhung-van-de-nguoi-dan-dac-biet-quan-tam-de-giam-sat-854716.ldo