Theo dự thảo Văn kiện Đại hội XIII, đến 2045, Việt Nam thành nước phát triển, có thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu đó, cả nước phải tăng trưởng bình quân 7%/năm. Đó là một thách thức lớn…
Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII Trần Văn nêu ý kiến góp ý Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Dân trí trân trọng giới thiệu ý kiến của TS.Trần Văn:
TS.Trần Văn là đại biểu Quốc hội khoá XII, XIII.
“Theo dự thảo Văn kiện, các mục tiêu phát triển đất nước với các mốc thời gian 2025, 2030 và 2045 đã được xác định rõ ràng. Theo đó, đến năm 2045, tức là sau 25 năm nữa, nước ta sẽ trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Báo cáo Việt Nam 2035 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới thực hiện năm 2016 đã nhận định, Việt Nam chưa thu hẹp được khoảng cách với phần còn lại của thế giới và các nền kinh tế thành công trong khu vực về thu nhập bình quân đầu người. Việt Nam mong muốn giành lại vị thế của mình và không bị tụt hậu hơn nữa trong khu vực. Ngay khi đó, các nhà hoạch định chính sách đã tính toán, nếu chúng ta tăng trưởng bình quân 7%/năm liên tục trong 15 năm thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam vào năm 2035 sẽ là 22.200 USD (theo giá PPP năm 2011), gần bằng với Hàn Quốc năm 2002 hoặc Malaysia năm 2013 và có cơ hội bắt kịp Indonesia và Philippines.
TS Vũ Thành Tự Anh - Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, Việt Nam tuy tăng trưởng cao so với thế giới, song còn khiêm tốn so với các quốc gia thành công trong khu vực và đã có những dấu hiệu rõ rệt về suy giảm chất lượng tăng trưởng qua những rủi ro về kinh tế, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, tụt hậu về công nghệ, phân cực giàu nghèo tăng. Bên cạnh đó, những động cơ tăng trưởng thiên về số lượng và chiều rộng trước đây đã hết và vẫn còn đó các nút thắt chính của nền kinh tế là: thể chế, giáo dục, cơ sở hạ tầng, khoa học và công nghệ…
Khi nghiên cứu Nghiên cứu Dự thảo Văn kiện ĐH XIII của Đảng, tôi đặc biệt chú ý tới những phân tích của văn kiện về những hạn chế, yếu kém trong phát triển đất nước 10 năm trở lại đây, vì hiểu đây là những bài học kinh nghiệm đắt giá mà nếu không nhìn thấy, không khắc phục được thì chắc chắn là không thể tiến về phía trước.
Dự thảo Văn kiện đã chỉ ra rằng tốc độ, chất lượng tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2020 không đạt mục tiêu đề ra như: GDP bình quân đầu người thấp hơn nhiều nước trong khu vực; nền tảng vĩ mô, khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thật vững chắc, năng lực cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế còn hạn chế. Chất lượng tăng trưởng có mặt chậm được cải thiện, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế phát triển; chất lượng thể chế quản lý đầu tư công còn thấp so với mức trung bình của các nước ASEAN-4.
Việc Dự thảo Văn kiện đi sâu vào phân tích những mặt hạn chế, yếu kém để đi tới những giải pháp căn cơ, hữu hiệu để giải quyết vấn đề trong tổng thể chính sách kinh tế trung, dài hạn cho giai đoạn tới là rất quan trọng trong bối cảnh những thay đổi phức tạp của địa chính trị, địa kinh tế, toàn cầu hóa và chính sách bảo hộ, trật tự thương mại thế giới thay đổi sâu sắc, những biến đổi nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.
Trong tất cả những bề bộn đó, việc Dự thảo Văn kiện khi đặt vấn đề tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN là một trong ba khâu đột phá đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của xã hội. Thực tế hoạt động lập pháp của Quốc hội trong thời gian qua cho thấy, việc hoàn thiện pháp luật về kinh tế, tài nguyên, môi trường luôn là nhiệm vụ được Quốc hội đặc biệt quan tâm, chú trọng. Trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh, doanh nghiệp, quy hoạch, hệ thống pháp luật về các chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật, về tài nguyên, môi trường, pháp luật về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ… được xây dựng mới hay sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với điều kiện, tình hình mới trên cả phương diện lý luận và thực tiễn.
Một khung khổ thể chế, pháp luật hoàn chỉnh cũng chính là để làm rõ ranh giới công tội, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh, ngại va chạm như hiện nay. Đó cũng là cách nhà nước phân chia trách nhiệm của các chủ thể và nhận trách nhiệm về mình trong nền kinh tế thị trường, bảo đảm các điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất kinh doanh, củng cố niềm tin của đội ngũ doanh nhân, thu hút các nguồn vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế-xã hội, đồng thời tổ chức phân phối phúc lợi xã hội và khắc phục những mặt trái của kinh tế thị trường. Nhiều ý kiến cho rằng, hoàn thiện thể chế chính là cơ sở cho đối mới lần thứ 2, đem lại sự đột phá trong phát triển đất nước.
Suy cho cùng, sự phát triển của mỗi quốc gia chính là không ngừng gia tăng năng lực sản xuất của cải vật chất và dịch vụ. Do đó, môi trường thể chế thuận lợi sẽ góp phần phân bổ hợp lý các nguồn lực của xã hội, khuyến khích phát triển khu vực tư nhân, cải cách khu vực doanh nghiệp Nhà nước, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài hiệu quả. Đó là nền tảng để Việt Nam vượt qua những thách thức, phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế số, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững, rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và thế giới”.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/gop-y-van-kien-dai-hoi-dang-lam-gi-de-rut-ngan-khoang-cach-phat-trien-20201113103326638.htm#dt_source=Cate_ChinhTri&dt_campaign=Top3&dt_medium=1