Sáng 10-11, HĐND TP HCM đã tiến hành kỳ họp thứ 22 (kỳ họp chuyên đề) và thông qua nhiều tờ trình
Theo đó, HĐND TP HCM khóa IX đã thống nhất phương án huy động vốn để thực hiện Dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hũ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ, giai đoạn 2 theo tờ trình của UBND TP.
Thời gian vay là 30 năm, UBND TP sẽ bố trí ngân sách TP hoặc các nguồn vốn hợp pháp để trả nợ đầy đủ, đúng hạn.
Các đại biểu HĐND TP thông qua Nghị quyết về phương án huy động vốn để thực hiện Dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hũ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ (Ảnh: Phan Anh)
Dự án này được Thủ tướng cho phép đầu tư năm 2005 và được triển khai từ năm 2010, dự kiến hoàn thành sau 4 năm. Tuy nhiên, sau đó được điều chỉnh đến năm 2022 để đưa vào khai thác toàn bộ các gói thầu.
Mục tiêu của dự án nhằm hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa, chống ngập úng và giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường cho các khu vực trũng của TP và vùng lân cận thuộc lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ; đồng thời cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường thông qua việc xây dựng và phát triển hệ thống thu gom, xử lý nước thải.
Công trình gồm 6 gói thầu xây lắp chính với tổng mức đầu tư được duyệt hơn 11.280 tỉ đồng, trong đó vốn ODA là gần 9.830 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng của TP hơn 1.450 tỉ đồng.
Dự án được thực hiện theo hình thức phân kỳ, sau khi dự án được phê duyệt, hiệp định vay vốn ODA cho dự án được tiến hành đàm phán, ký kết từng lần. Đến nay, đã có 3 hiệp định vay vốn ODA Nhật Bản được ký kết với tổng giá trị 35.693 triệu yen (hơn 7.800 tỉ đồng).
Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết dự án được chia làm 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn là một hợp đồng vay từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Vì chia thành 4 khoản như vậy nên phải ký nhiều lần.
"Đến nay, dự án đã trải qua 8 năm, sử dụng hết 3 khoản vay, chỉ còn khoản cuối cùng nữa để hoàn thành. Nếu không vay thì không biết làm sao hoàn thành. Trước khi ký hợp đồng vay đều có đánh giá kết quả đã thực hiện của những hạng mục trước để làm cơ sở vay" – Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nói và cam kết UBND TP sẽ giám sát để dự án được thực hiện hiệu quả.
Các tờ trình khác của UBND TP: Điều chỉnh kế hoạch vay, trả nợ chính quyền địa phương năm 2020; Phê duyệt Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2020; Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020; Điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2020 nguồn vốn ngân sách TP cũng được HĐND TP thông qua tại kỳ họp này.
Thông qua đề nghị công nhận Thạnh An là xã đảo
Cũng tại kỳ họp này, HĐND TP đã thông qua đề nghị công nhận xã Thạnh An, huyện Cần Giờ là xã đảo. HĐND TP giao UBND TP hoàn tất hồ sơ đề nghị công nhận xã Thạnh An, huyện Cần Giờ là xã đảo trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, UBND TP chỉ đạo các cơ quan liên quan chủ động nghiên cứu, rà soát các chính sách ưu đãi dành cho xã đảo để áp dụng kịp thời, có hiệu quả khi xã Thạnh An được công nhận là xã đảo nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Theo UBND TP, xã đảo Thạnh An nằm ở phía Đông Nam TP với diện tích đảo là 13.000 ha, trong đó cù lao Phú Lợi trên cửa biển Cần Giờ có diện tích khoảng 33 ha. Xã đảo hiện có 1.131 hộ dân sinh sống với hơn 4.500 nhân khẩu; có lực lượng vũ trang đóng quân trên đảo.
Xã Thạnh An, huyện Cần Giờ vốn là một xã đảo nhưng trước nay chưa được công nhận chính thức là xã đảo để hưởng các chính sách theo quy định. Theo HĐND TP, xã Thạnh An hiện đủ các điều kiện, tiêu chí... để được công nhận là xã đảo theo quy định.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/chinh-tri/hdnd-tp-hcm-vua-thong-qua-nhieu-to-trinh-quan-trong-20201110114539665.htm