Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTW MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh đánh giá, các ý kiến đóng góp khá sâu sắc, toàn diện
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trung ương về việc lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân đóng góp vào các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong thời gian từ 20/10 đến 5/11/2020, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức 4 Hội nghị, đã tổng hợp được 65 ý kiến phát biểu trực tiếp và trên 240 ý kiến đóng góp bằng văn bản.
Ông Hầu A Lềnh
Đánh giá về các Hội nghị này, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTW MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh, cho biết, các ý kiến đóng góp khá sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực từ công tác xây dựng Đảng, phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị và những vấn đề có liên quan đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thời gian lấy ý kiến nhân dân cần kéo dài hơn
Các ý kiến cơ bản tán thành với các văn kiện, đánh giá rất cao công tác chuẩn bị công phu, tỉ mỉ, tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức Đảng. Một số ý kiến bày tỏ đề nghị các văn kiện trình Đại hội Đảng cần có tính đồng bộ, thống nhất giữa các văn kiện đòi hỏi phải có sự rà soát theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.
Các ý kiến đề nghị trong phần nhận định, đánh giá của giai đoạn tới cần phải cập nhật đầy đủ tình hình quốc tế, khu vực và trong nước để có những dự báo chính xác, từ đó đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ đảm bảo việc lãnh đạo đất nước trong giai đoạn tới phù hợp với tình hình cụ thể.
Các ý kiến trong khối Mặt trận quan tâm việc xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn tới. Ngoài ra, các ý kiến cũng đóng góp chi tiết và cụ thể vào các báo cáo, các văn kiện kể cả báo cáo công tác xây dựng Đảng, thi hành Điều lệ Đảng, báo cáo về KT-XH và chiến lược KT-XH. Các ý kiến đánh giá nhìn chung khá toàn diện.
Trong bối cảnh năm nay chúng ta phải cập nhật thêm tình hình mới nên tài liệu để chuẩn bị lấy ý kiến nhân dân được chuẩn bị khá gấp rút. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian dành cho việc lấy ý kiến nhân dân không được dài so với các kỳ Đại hội trước. Rút kinh nghiệm cho các kỳ Đại hội sau, các ý kiến mong muốn thời gian lấy ý kiến nhân dân dài hơn để có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng và sâu sắc hơn.
Hội nghị góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng hôm 5/11
Chống tham nhũng, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
Đây là nội dung được nhiều đại biểu đóng góp ý kiến. Có ý kiến cho rằng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được dự thảo báo cáo nêu khá đầy đủ theo tinh thần kiên quyết, kiên trì. Tuy nhiên, cần đi sâu vào nguồn gốc của hiện tượng tham nhũng, lãng phí, đó chính là chủ nghĩa quan liêu. Chủ nghĩa quan liêu sản sinh ra tệ độc đoán, chuyên quyền, chủ quan duy ý chí, thói đặc quyền đặc lợi. Do vậy để chống tham nhũng tận gốc, cần phải chống chủ nghĩa quan liêu. Trong cuộc chiến chống tham nhũng, cần kiên quyết xử lý những vụ tham nhũng lớn, nhưng không xem nhẹ chống tham nhũng vặt.
Nhiều ý kiến nhận định tham nhũng vặt gây nhức nhối cuộc sống hằng ngày của người dân và lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.
Có ý kiến đề nghị cần tiếp tục xử lý sớm, dứt điểm một số vụ việc tham nhũng, tránh kéo dài làm ảnh hưởng đến động lực công tác của cán bộ, công chức. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước các cấp, từ Trung ương đến địa phương bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ mới.
Một số ý kiến nhấn mạnh nội dung về thường xuyên kiện toàn các cấp ủy, tiếp tục nêu gương của Ban chấp hành Trung ương, của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, nhất là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của các Bí thư chi bộ; Kiên quyết loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất; Cần khẳng định vai trò cầm quyền của Đảng trong dự thảo; Sớm thể chế, cụ thể hóa pháp luật về vai trò lãnh đạo và hoạt động của Đảng; Tăng cường vai trò giám sát của Nhân dân và thực hiện tốt các biện pháp để Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; Bổ sung, hoàn thiện cơ chế pháp luật về quyền kiểm tra, giám sát của Nhân dân đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước; Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cần có văn bản cụ thể để làm rõ cơ chế Đảng lãnh đạo và mối quan hệ Đảng - Nhà nước - Nhân dân đảm bảo cân đối các thành tố trong sự phát triển chung.
Đa số ý kiến đề nghị cần đánh giá thẳng thắn hơn về công tác cán bộ, nhất là công tác quản lý, đánh giá, giám sát cán bộ, đảng viên có chức vụ. Nhấn mạnh hơn nữa đến công tác quản lý cán bộ, đảng viên; chỉ rõ những sơ hở, bất cập, thiếu sót, khuyết điểm trong công tác quản lý cán bộ. Đây là một trong những điểm hạn chế lớn nhất, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tha hóa, biến chất, vi phạm pháp luật của cán bộ lãnh đạo.
Có ý kiến đề nghị không nên dùng cụm từ "không có vùng cấm" trong phòng chống tham nhũng, vì dễ gây hiểu lầm là thừa nhận "đã từng có vùng cấm"; Cần có phần riêng để đánh giá kết quả về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; Nên tách “kiểm soát quyền lực” thành một nội dung riêng để làm rõ hơn; đồng thời mở rộng, nâng cao chất lượng công tác phát hiện, điều tra, xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng.
Cụ thể hóa vai trò Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là tổ chức thành viên của Mặt trận
Một số ý kiến cho rằng, dự thảo văn kiện cần nhấn mạnh vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tập hợp, xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết; thực hiện dân chủ, đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước như Hiến pháp năm 2013 đã quy định. Tăng cường nhận thức đầy đủ và phát huy hiệu quả, thực chất vai trò liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam đối với các hoạt động đối ngoại Nhân dân, nhằm tăng cường kết nối Nhân dân trong nước và quốc tế.
Có ý kiến đề nghị cần cụ thể hóa rõ hơn vai trò Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; gương mẫu thực hiện trách nhiệm tổ chức thành viên. Bổ sung thêm định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách nhằm phát huy vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là đối với công tác giám sát, phản biện xã hội. Đồng thời, cần có định hướng về bộ máy, cán bộ, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức có đảng đoàn.
"Nhân dân mong muốn gì ở sách giáo khoa"?
Nhiều ý kiến đề nghị cần có đánh giá cụ thể hơn về giáo dục - đào tạo, tuy đã có bước phát triển nhưng chậm so với thực tiễn. Đổi mới giáo dục - đào tạo, khoa học chưa trở thành động lực then chốt. Các văn kiện cần làm rõ việc giáo dục đã tiến bộ, đổi mới, sâu sắc hơn trước như thế nào và còn những vấn đề gì chưa làm được. Dự thảo nhận định: “chương trình, sách giáo khoa phổ thông đang được triển khai đúng lộ trình”, điều này “đúng mà không đúng”.
Nhiều ý kiến đề nghị Dự thảo báo cáo bổ sung làm rõ định hướng để phát triển xây dựng một nền "giáo dục mở" và đề cao bản chất "Nhân dân mong muốn gì ở sách giáo khoa"?. Nền giáo dục phải hướng đến những giá trị để làm nên những lớp người trẻ tuổi, thông minh, tài giỏi, đầy khát vọng nhưng có lòng trắc ẩn, trách nhiệm với xã hội, với đất nước và con người Việt Nam. Hệ thống cao đẳng, đại học nhiều nhưng quản lý chưa tập trung khiến cho quá trình liên thông gặp khó khăn. Dự thảo cần bổ sung thêm nội dung đánh giá: “Quản lý nhà nước, nhất là quản lý hệ thống các trường Cao đẳng, Đại học còn phân tán”.
Có ý kiến lo ngại về sự mất cân đối trong giáo dục nghề nghiệp dẫn đến tình trạng gia tăng tỷ lệ thất nghiệp đối với lao động đã qua đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng. Đề nghị báo cáo rõ hơn về hiệu quả của các giải pháp giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp, nhất là chất lượng đào tạo lao động có tay nghề cao, công nhân kỹ thuật lành nghề./.
Theo VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/4-cuoc-gop-y-van-kien-tai-mat-tran-toan-dien-sau-sac-816293.vov