205
/
100214
Ba Phó Thủ tướng và các tư lệnh ngành trả lời chất vấn trước Quốc hội
ba-pho-thu-tuong-va-cac-tu-lenh-nganh-tra-loi-chat-van-truoc-quoc-hoi
news

Ba Phó Thủ tướng và các tư lệnh ngành trả lời chất vấn trước Quốc hội

Thứ 3, 10/11/2020 | 07:57:27
310 lượt xem

Ngày 9/11, Quốc hội dành cả ngày tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành về các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội.

Toàn cảnh phiên chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngày 9/11, Quốc hội dành cả ngày tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành về các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.

Tại phiên chất vấn, trả lời câu hỏi của đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) liên quan đến chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

[Kỳ họp thứ 10: Ngày thứ hai tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn]

Thời gian qua, nhiều nguồn lực đã được đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi, nhưng so với nguyện vọng của đồng bào và so với yêu cầu chưa đáp ứng được. Đây là sự trăn trở rất lớn.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Chính phủ cũng đã xây dựng Nghị quyết số 12 để triển khai, và trên thực tế, Chính phủ đã chỉ đạo hết sức quyết liệt. “Đây là nghị quyết mang dấu ấn lịch sử. Có thể nói, đây là một quyết sách ý Đảng, lòng dân,” Phó Thủ tướng nói.

Ba Pho Thu tuong va cac tu lenh nganh tra loi chat van truoc Quoc hoi hinh anh 2

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.  (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Vấn đề cử tri quan tâm là huy động nguồn lực để thực hiện Đề án, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh Nghị quyết xác định rất rõ là huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó, nguồn lực nhà nước giữ vai trò quan trọng quyết định để huy động các nguồn lực khác.

Đây là một điểm rất mới, rất quan trọng, vì chính sách phải đi liền với ngân sách, nếu không sẽ không đạt được mục tiêu. Mặt khác, các địa phương vùng dân tộc thiểu số, miền núi đều là địa phương khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, do vậy, bổ sung nguồn lực từ Trung ương là một điều kiện tiên quyết để đạt được mục tiêu của Nghị quyết.

Chính phủ sẽ đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho cấp tỉnh trong tổ chức thực hiện đề án Chương trình mục tiêu quốc gia, các bộ, ngành chỉ thực hiện chức năng hướng dẫn, kiểm tra.

Ban Chỉ đạo Chương trình sẽ chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để làm đối chứng, một việc không hoàn thành hoặc có sai sót, chậm tiến độ sẽ xác định trách nhiệm của người chịu trách nhiệm.

Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo, tới đây sẽ hướng dẫn các tỉnh giao trách nhiệm cho một đầu mối theo dõi, tổ chức triển khai thực hiện đề án.

Định kỳ sẽ sơ kết, tổng kết, hàng năm báo cáo với Quốc hội kết quả thực hiện để Quốc hội giám sát và có ý kiến.

Chính phủ sẽ điều chỉnh cho phù hợp và triển khai đầy đủ Nghị quyết này bằng những kế hoạch cụ thể, từng hạng mục công trình, từng yêu cầu, mục tiêu đề ra.

Xung quanh quan tâm của của đại biểu về vấn đề tự chủ đại học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Việt Nam đã thực hiện tự chủ đại học, nhưng mới được một số bước và còn phải tiếp tục thực hiện.

Ba Pho Thu tuong va cac tu lenh nganh tra loi chat van truoc Quoc hoi hinh anh 3

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Theo Phó Thủ tướng, đối với tự chủ đại học, có 5 điểm mang tính nguyên tắc trên toàn thế giới và một điểm có tính nguyên tắc cho Việt Nam cũng như một số nước có hoàn cảnh tương tự. “Chúng ta phải quán triệt, hiểu thông suốt và phải luật hóa, thực hiện trong chỉ đạo, điều hành,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Các nguyên tắc gồm: Trước hết, đại học không chỉ là nơi làm ra tri thức mà là nơi làm việc, sinh hoạt của trí thức có mặt bằng nhận thức xã hội cao hơn mức bình thường.

Cả thế giới coi đại học phải xây dựng mô hình quản trị tiên tiến, từ đó lan tỏa ra toàn xã hội, đảm bảo tính dân chủ, sáng tạo, khoa học.

Bên cạnh đó, tự chủ đại học luôn gắn với trách nhiệm giải trình. Mọi hoạt động của cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện theo quy định của pháp luật, theo những quy chế công khai để toàn xã hội giám sát.

Ngoài ra, tự chủ đại học không có nghĩa là nhà nước không đầu tư tiền. Ở tất cả các nước, các trường đại học tự chủ, nhà nước vẫn phải tiếp tục đầu tư không chỉ đặt hàng đào tạo, cấp học bổng, mà còn xây dựng cơ sở vật chất.

Một nguyên tắc nữa là, tự chủ đại học không có nghĩa là không có quản lý mà phải quản lý theo pháp luật, không chỉ riêng về lĩnh vực giáo dục.

Thực hiện tự chủ nhưng phải có cơ chế để đảm bảo các đối tượng như người nghèo, khuyết tật, một số đối tượng đặc thù không bị giảm bớt cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học, nhất là đại học chất lượng cao.

Đối với những nước có nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam, khái niệm chủ sở hữu của đại học cũng thay đổi, vì đóng góp vào trường đại học không chỉ là tiền, cơ sở vật chất, mà còn là trí tuệ, học phí của người dân.

Vì thế, về lâu dài, khái niệm chủ sở hữu trường đại học không đơn thuần của một cơ quan, tổ chức nào, mà của toàn xã hội.

Vấn đề liên quan đến Đại học Tôn Đức Thắng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ hết sức trách nhiệm, không lơ là, nhưng phải rất cẩn trọng, đúng quy định.

Chính phủ đã lập đoàn công tác có cả Bộ Tư pháp vào xem xét, phân tích và sẽ có báo cáo. "Sau đó, chúng tôi sẽ công khai cho toàn dân biết. Tinh thần là Chính phủ công minh, ủng hộ tự chủ, tạo điều kiện cho trường phát triển," Phó Thủ tướng khẳng định.

Đối với chất vấn của đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) về các giải pháp khắc phục tình trạng quy hoạch treo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết các quy hoạch xây dựng nói chung, trong đó quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng, các quy hoạch khu chức năng đặc thù... đều có giai đoạn quy hoạch khoảng 10 năm hoặc hơn 10 năm, tầm nhìn khoảng từ 15-20 năm hoặc xa hơn.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng quy hoạch treo, dự án treo vẫn xảy ra tại nhiều nơi làm ảnh hưởng đến lợi ích của người dân và của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội.

Ba Pho Thu tuong va cac tu lenh nganh tra loi chat van truoc Quoc hoi hinh anh 4

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nguyên nhân dẫn đến quy hoạch treo là chất lượng một số quy hoạch còn thấp, chưa phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng khu vực và không cân đối được nguồn lực để thực hiện quy hoạch; quy hoạch theo phong trào, quy hoạch rất rộng nhưng không tính toán nguồn lực.

Bên cạnh đó, công tác lập quy hoạch chưa gắn với công tác xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, nhằm xác định rõ lộ trình, nguồn lực đầu tư phù hợp trong từng giai đoạn, để từ đó cho phép người dân được đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong thời gian chưa thực hiện quy hoạch.

Vấn đề nữa là do nhà nước chưa chủ động được nguồn vốn để bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, đồng thời thực hiện tái định cư để đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân.

Về các giải pháp khắc phục tình trạng quy hoạch treo, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trước hết phải đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch gắn với nâng cao chất lượng; sau khi có quy hoạch, các ngành, các địa phương phải xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch; phải gắn việc xây dựng kế hoạch, thực hiện quy hoạch phát triển thị trường bất động sản, thị trường nhà, thị trường bất động sản công nghiệp, thị trường bất động sản du lịch.

Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quy hoạch, phát hiện những bất cập, những vi phạm; tiếp tục hoàn thiện pháp luật đầu tư xây dựng, đặc biệt là Luật Đầu tư công.

Ba Pho Thu tuong va cac tu lenh nganh tra loi chat van truoc Quoc hoi hinh anh 5Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Cùng với ba Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ Công an, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công Thương, Tài chính, Lao động-Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Tổng Thanh tra Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trả lời các câu hỏi chất vấn liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách.

Ngày mai 10/11, trong phiên họp sáng, Quốc hội tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Trong phiên họp chiều, Quốc hội thảo luận tổ về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.

Theo PV (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/ba-pho-thu-tuong-va-cac-tu-lenh-nganh-tra-loi-chat-van-truoc-quoc-hoi/675972.vnp

  • Từ khóa

Thủ tướng đề nghị Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường

Thủ tướng cho rằng, việc Mỹ sớm dỡ bỏ hạn chế về xuất khẩu công nghệ cao, công nhận nền kinh tế thị trường sẽ tháo gỡ nút thắt để thúc đẩy hợp tác Việt...
18:56 - 27/11/2024
78 lượt xem

Tổng Bí thư Tô Lâm tin tưởng Thủ đô Hà Nội "gương mẫu, đi đầu của cả nước"

Tổng Bí thư Tô Lâm tin tưởng, kỳ vọng Thủ đô Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển ổn định, ngày càng xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại
19:10 - 27/11/2024
90 lượt xem

Quốc hội chốt bỏ thủ tục chuyển tuyến với bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo

Tại Luật Bảo hiểm y tế mới được thông qua quy định một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên...
15:17 - 27/11/2024
179 lượt xem

Quốc hội "chốt" chi hơn 122.000 tỉ đồng cho phát triển văn hoá

Kinh phí thực hiện chương trình phát triển văn hoá giai đoạn 2025 - 2030 được Quốc hội quyết nghị tối thiểu là 122.250 tỉ đồng
10:05 - 27/11/2024
289 lượt xem

Quốc hội chốt duy trì mức đóng kinh phí công đoàn 2%

Luật Công đoàn mới quy định duy trì mức đóng kinh phí công đoàn 2% và sửa đổi, bổ sung các quy định làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công...
09:24 - 27/11/2024
311 lượt xem