Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày kế hoạch cơ cấu hệ thống trường dạy nghề hướng tới đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, cạnh tranh được với các nước…
Sáng 9/11, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội, trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Thị Lan về vấn đề quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp quốc gia, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thông tin, sau 3 năm tổ chức việc sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp này, đến nay, cả nước đã hoàn thiện toàn bộ mạng lưới quy hoạch bằng pháp luật. Các địa phương, cơ sở, bộ ngành cũng đã hoàn thành việc rà soát, sắp xếp các đơn vị trong mạng lưới này.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại hội trường.
Bộ trưởng nêu con số, riêng năm 2020, cả nước đã giảm được từ 1.996 cơ sở giáo dục nghề nghiệp xuống còn 1.909; giảm được 77 cơ sở công lập. Bộ trưởng khẳng định, điều đó có nghĩa ngành đã hoàn thành kế hoạch mục tiêu đề ra trước năm 2021 theo quy định.
3 năm qua, ngành lao động cũng đã hoàn thành 103-107 kế hoạch đào tạo. Riêng giáo dục nghề nghiệp, diễn đàn kinh tế thế giới từ chỗ không xếp hạng, đến nay đã đưa Việt Nam vào bảng xếp hạng, ở mức 90/158 quốc gia. Kết quả xếp hạng năm 2020 đã tăng 10 bậc so với năm 2019.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian tới, ngành đã được Thủ tướng giao trình Chính phủ kế hoạch hành động trước tháng 4/2021 về việc sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tập trung theo hướng “2 trong 1” và “3 trong 1” (là giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, giáo dục tổng hợp).
Các trung tâm đào tạo “2 trong 1”, “3 trong 1” này, theo Bộ trưởng, ngoài nhiệm vụ đào tạo còn là cánh tay nối dài của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tư lệnh ngành lao động cũng nêu quan điểm kiên quyết giải thể các cơ sở giáo dục nghề nghiệp yếu kém, 3 năm liền hoạt động không hiệu quả, đồng thời sáp nhập các cơ sở có trùng chức năng, nội dung đào tạo. Mục tiêu, mỗi địa phương chỉ còn lại 1-2 cơ sở. Các cơ sở này sẽ đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực theo 3 hệ trung cấp, cao đẳng và sơ cấp theo hướng mở.
Bộ trưởng Dung nhấn mạnh việc khuyến khích thành lập các cơ sở đào tạo nghề tư thục có vốn đầu tư nước ngoài gắn với yêu cầu đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp (đào tạo “đặt hàng).
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng muốn đầu tư hình thành hệ thống giáo dục chất lượng cao, ngành nghề trọng điểm đã được quy hoạch, dự kiến công bố ngay khung trình độ quốc gia theo khung tham chiếu ASEAN để triển khai, tổ chức công nhận văn bằng chứng chỉ với các nước có trình độ phát triển cao, trong đó tập trung 3 quốc gia Úc, Nhật, Đức.
Áp dụng một số phương thức đào tạo mới gắn với xã hội số như giáo dục trực tuyến, nhất là với lứa học sinh ở độ tuổi phân luồng, vừa học vừa làm việc từ xa.
Bộ trưởng Dung nêu thông tin, ngành Lao động đặt mục tiêu đến 2030, Việt Nam đạt trình độ đào tạo nghề tiên tiến ASEAN, trong đó có 100 trường nghề chất lượng cao, 15 trường đạt chất lượng quốc tế, 50 trường tiếp cận trình độ ASEAN 4. Quy mô tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp sẽ gấp 3 lần hiện nay.
Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng, với cách làm sáng tạo như vậy, việc thực hiện các mục tiêu được giao sẽ khả thi.
Chuyển điều tra chủ đầu tư chây ì cấp “sổ đỏ” căn hộ
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà.
Cũng trong buổi sáng 9/11, trả lời chất vấn về vấn đề quy hoạch treo, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà xác nhận tình trạng này ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi hợp pháp và đời sống của người dân, trong đó ảnh hưởng lớn nhất là tới việc làm, sinh kế và việc xây dựng cải tạo nhà ở. Quy hoạch treo cũng làm giảm hiệu quả của việc phát triển đô thị lãng phí tài nguyên và gây bức xúc dư luận.
Để bảo đảm quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch treo về vấn đề nhà ở, Bộ trưởng Xây dựng cho biết, ngành đã nêu vấn đề sửa luật Xây dựng 2014 với hướng quy định là nếu như quy hoạch cấp huyện đã được công bố, nếu 3 năm sau không thực hiện thì người dân được cấp phép xây dựng có thời hạn về cải tạo, thậm chí cả xây mới nhà ở có thời hạn ghi trong giấy phép xây dựng. Nếu hết thời hạn này mà quy hoạch vẫn không thực hiện được thì người dân tiếp tục được thực hiện giấy phép đã được cấp về cải tạo và xây dựng mới nhà ở.
“Chúng tôi nghĩ đây là quy định bước đầu, cũng đã giải quyết được một phần về cải tạo và xây dựng nhà ở cho người dân trong vùng quy hoạch treo” - Bộ trưởng Xây dựng nói.
Ngoài ra, hiện tại, các địa phương đã tích cực hơn trong việc điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết, và tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Theo sự tính toán sơ bộ, TPHCM đã rà soát trên 250 đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và thu hồi 176 dự án treo. Đà Nẵng rà soát 7 quy hoạch phân khu, 1007 quy hoạch chi tiết, và xác định 201 quy hoạch dự án treo và xử lý các vấn đề liên quan. Hà Nội cũng đã rà soát 78 quy hoạch phân khu, 67 quy hoạch chi tiết…
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng trả lời về việc giải quyết tình trạng chủ đầu tư chậm thực hiện việc cấp quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở cho người dân.
Tình trạng quy hoạch treo, theo đó, đã xử lý được một phần.
Xác nhận hiện tượng đại biểu phản ánh, Bộ trưởng nêu con số, tranh chấp về việc này dù chỉ chiếm 2% trong tổng số những tranh chấp về nhà chung cư nhưng quy ra số tuyệt đối số người dân, hộ dân bị “giam sổ” lại rất lớn. Cho nên đây là một vấn đề cần được tập trung giải quyết.
Về giải pháp, theo Bộ trưởng, đối với các loại dự án đã thực hiện xong thủ tục mà chủ đầu tư cố tình chây ì, các địa phương cần tập trung xử lý nghiêm khắc trong việc xử phạt vi phạm hành chính, nếu vẫn cố tình thì chuyển sang các cơ quan điều tra để xem xét xử lý. Đối với các dự án còn thiếu một số thủ tục pháp lý để cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở thì cần xử lý song song 2 việc, giải quyết các thủ tục pháp lý đồng thời cũng phải thực hiện ngay việc cấp “sổ” cho người dân. Với định hướng này, Hà Nội đã giải quyết được tình trạng tồn đọng ở nhiều dự án.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/bo-truong-lao-dong-tu-tin-thuc-hien-duoc-cac-muc-tieu-quoc-hoi-giao-20201109102003743.htm#dt_source=Cate_ChinhTri&dt_campaign=Top3&dt_medium=1