Thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong phiên họp toàn thể tại Hội trường về chất vấn và trả lời chất vấn vào sáng 6/11, Tổng Thư ký Quốc hội đã nêu lên những kết quả nội bật đối với các nội dung trong các báo cáo thẩm tra trên các lĩnh vực.
Ảnh: VGP/Đoàn Bắc
Cụ thể, Báo cáo tóm tắt tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày đã đề cập đến 20 lĩnh vực lớn.
Trong đó, về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, cơ cấu lại các ngành kinh tế có chuyển biến tích cực, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, ứng dụng công nghệ cao tăng. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng về số lượng và chất lượng. Năng suất lao động tăng đều qua các năm.
Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa hoàn thiện và hoạt động của doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm; hiệu quả đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu, còn xảy ra sai phạm. Việc tiếp nhận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi còn hạn chế. Tiến độ giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2019 đạt thấp.
Trong lĩnh vực tài chính, hệ thống pháp luật về quản lý nợ công, tài sản công, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa được hoàn thiện. Việc cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016-2020 đạt một số kết quả. Các chỉ tiêu nợ công đều trong giới hạn cho phép, giảm dần qua các năm. Cơ cấu thu, chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, còn tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn luật. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt kế hoạch đề ra. Chất lượng, năng lực triển khai một số dự án không đáp ứng yêu cầu giải ngân theo các hiệp định đã ký kết.
Về lĩnh vực ngân hàng, lãi suất và tỉ giá được điều hành phù hợp với tình hình thực tế, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định nền kinh tế. Dự trữ ngoại hối tăng. Chất lượng tín dụng được cải thiện, mức tăng trưởng hợp lý; cơ cấu tín dụng có điều chỉnh tích cực. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ… Tuy nhiên, tiến độ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng còn chậm, nhất là đối với các ngân hàng mua bắt buộc, ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.
Trong lĩnh vực công thương, hệ thống hạ tầng thương mại được chú trọng phát triển. Công tác phối hợp giữa hải quan, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường ngày càng hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp được tăng cường... Tuy nhiên, việc ban hành Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 còn chậm. Tình trạng buôn lậu, hàng giả, gian lận xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm còn rất phức tạp. Chưa xử lý được những bất cập trong quy hoạch, đầu tư, vận hành các dự án điện, đặc biệt là các dự án điện mặt trời...
Ở lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, một số chính sách về cơ cấu lại nông nghiệp, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp được ban hành đúng thời hạn. Thị trường trong nước được chú trọng, bên cạnh việc duy trì thị trường truyền thống, còn chủ động tìm kiếm thị trường mới, tiềm năng. Việc hỗ trợ chống dịch bệnh được quan tâm. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới vượt mục tiêu đề ra... Tuy nhiên, việc hoàn thành bộ tiêu chí giám sát, đánh giá thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp chậm hơn so với yêu cầu. Kết quả tăng trưởng ngành vẫn thấp so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Việc bảo đảm tín dụng đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế...
Về lĩnh vực giao thông vận tải, hệ thống pháp luật về giao thông tiếp tục được hoàn thiện. Cơ cấu thị phần vận tải được chuyển dịch tích cực. Các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông được tập trung xử lý... Tuy nhiên, nhiều công trình trọng điểm giao thông chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu. Việc triển khai dự án sân bay Long Thành, cao tốc Bắc-Nam phía đông, việc giải ngân gói 7.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án đường sắt quan trọng triển khai chậm. Công tác triển khai thu phí tự động không dừng chậm 2 năm so với yêu cầu...
Trong lĩnh vực xây dựng, hệ thống pháp luật về xây dựng được rà soát, hoàn thiện. Tỉ lệ phủ kín quy hoạch đô thị tăng; chất lượng đồ án quy hoạch từng bước được cải thiện; việc rà soát, phân loại các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án nhà ở trên phạm vi cả nước đã cơ bản hoàn thành... Tuy nhiên, hệ thống pháp luật liên quan đến loại hình bất động sản mới chưa đầy đủ. Chất lượng một số quy hoạch chưa cao; việc điều chỉnh quy hoạch tại một số dự án, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết còn tùy tiện, điều chỉnh nhiều lần...
Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhiều giải pháp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm môi trường đã được thực hiện. Tần suất quan trắc môi trường không khí bằng phương thức quan trắc định kỳ và tự động, liên tục được tăng cường. Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia được đẩy mạnh triển khai. Cơ sở dữ liệu về môi trường làng nghề trong cả nước được xây dựng và hoàn thiện. Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai được đơn giản hóa... Tuy nhiên, việc thực hiện quy định về môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề còn chưa nghiêm, nhất là việc xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp, làng nghề còn hạn chế. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại lưu vực sông, các sông, hồ, ao, kênh mương trong các đô thị, khu vực khai thác khoáng sản chậm được xử lý…
Về lĩnh vực khoa học và công nghệ, chính sách, pháp luật liên quan đến khoa học và công nghệ được hoàn thiện. Thị trường khoa học, công nghệ và mạng lưới các tổ chức trung gian hoạt động đồng bộ theo cơ chế thị trường. Số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ đầu tư vào nông nghiệp tiếp tục tăng mạnh... Tuy nhiên, một số cơ chế, chính sách ưu đãi về khoa học và công nghệ chưa đồng bộ với các quy định chuyên ngành khác. Chưa tạo động lực khuyến khích, thu hút các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Liên kết giữa nghiên cứu với thị trường, giữa nhà khoa học với doanh nghiệp còn yếu...
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chính sách thúc đẩy nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp, sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học được ban hành. Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, quốc tế hóa giáo dục đại học được đẩy mạnh. Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được triển khai... Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân tài còn dàn trải, nhiều chính sách chưa phù hợp; chưa thu hút được sinh viên dân tộc thiểu số tốt nghiệp loại khá, giỏi về làm việc tại địa phương. Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp còn khó khăn...
Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, việc xây dựng con người Việt Nam đạt kết quả bước đầu. Chính sách, pháp luật về du lịch được hoàn thiện. Du lịch Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao và liên tục. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch không ngừng được tăng cường. Công tác tổ chức, quản lý lễ hội tại các địa phương dần đi vào nề nếp... Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam còn hạn chế. Tính chuyên nghiệp trong quảng bá, xúc tiến du lịch chưa cao, kinh phí còn thấp. Sản phẩm du lịch chậm đổi mới, đơn điệu, thiếu liên kết, trùng lặp giữa các vùng miền, giá trị gia tăng thấp...
Về lĩnh vực y tế, một số chính sách quan trọng củng cố, xây dựng hệ thống y tế cơ sở được ban hành. Mạng lưới y tế cơ sở được mở rộng. Thủ tục khám bệnh, chữa bệnh được đơn giản hóa. Việc quản lý dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh, áp dụng bệnh án điện tử được chú trọng. Liên thông kết quả xét nghiệm được triển khai. Cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính y tế đổi mới mạnh mẽ. Nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đầu tư, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế được nâng cấp. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế tăng nhanh... Tuy nhiên, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh giữa các tuyến, giữa các vùng, miền chưa đồng đều. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, nhất là các bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương, tuyến cuối vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Nguồn nhân lực y tế cơ sở vẫn chưa được giải quyết triệt để cả về số lượng và chất lượng...
Về lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, hệ thống pháp luật về lao động, việc làm được hoàn thiện. Nguồn vốn cho vay theo cơ chế Quỹ quốc gia về việc làm được bổ sung, hiệu quả cho vay được nâng cao; hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được đẩy mạnh. Nhận thức về quan hệ lao động của người lao động, người sử dụng lao động trong doanh nghiệp có thay đổi tích cực... Tuy nhiên, việc dự báo thông tin thị trường lao động, kết nối cung-cầu lao động còn hạn chế. Việc phân bố cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đồng đều, chủ yếu tập trung tại khu vực đô thị, thành phố lớn. Cơ cấu ngành nghề đào tạo, giữa các vùng, miền còn mất cân đối, chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội...
Về lĩnh vực nội vụ, hệ thống pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức được hoàn thiện. Công tác cải cách hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và sắp xếp đơn vị hành chính đạt được những kết quả bước đầu. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức được quan tâm... Tuy nhiên, một số văn bản ban hành chậm so với yêu cầu trong Nghị quyết của Quốc hội, vẫn còn nợ đọng nhiều văn bản quy định chi tiết. Tình trạng tăng tổ chức sau khi sắp xếp vẫn xảy ra; công tác tổ chức cán bộ vẫn còn những sai phạm...
Trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hệ thống quy định pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, đấu tranh với các loại hình tội phạm được hoàn thiện. Công tác phòng, chống oan sai trong hoạt động điều tra hình sự được quan tâm. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy tiếp tục được tăng cường; tội phạm mua bán người giảm theo từng năm... Tuy nhiên, tội phạm về “tín dụng đen”, đòi nợ thuê, mua bán người, ma túy vẫn diễn biến phức tạp. Việc phát hiện và xử lý tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em còn thấp so với thực tế. Tỉ lệ giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố hằng năm chưa đạt yêu cầu...
Về lĩnh vực thanh tra, công tác phòng, chống tham nhũng được tích cực triển khai và đạt được một số kết quả nhất định; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm. Việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng... Tuy nhiên, việc phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng chưa nghiêm và chưa tương xứng với các vụ án, vụ việc tham nhũng được phát hiện...
Trong lĩnh vực tòa án, công tác xét xử, tranh tụng tại phiên tòa được đổi mới. Tiến độ giải quyết đơn yêu cầu bồi thường trong tố tụng hình sự được đẩy mạnh. Việc công khai bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án trên Cổng thông tin điện tử được tích cực triển khai. Các vụ án lớn, đặc biệt là các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng được khẩn trương đưa ra xét xử... Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ bồi thường thuộc trách nhiệm của tòa án đang trong quá trình giải quyết; còn một số trường hợp tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung chưa chính xác; một số vụ án để quá hạn luật định; một số bản án, quyết định của tòa án tuyên không rõ ràng, khó thi hành; tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm vẫn chưa đạt yêu cầu.
Trong lĩnh vực kiểm sát, chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa hình sự được nâng lên; vai trò, trách nhiệm của kiểm sát viên tại phiên tòa được tăng cường. Tiến độ giải quyết đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự được đẩy nhanh… Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp bị can bị oan phải đình chỉ trong giai đoạn điều tra, truy tố do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm. Chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra trong một số vụ án chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Quy trình nghiệp vụ đầy đủ đối với hoạt động truy tố tội phạm liên quan đến xâm hại trẻ em chưa được ban hành...
Theo Chinhphu.vn
http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Goc-nhin-toan-dien-tren-cac-linh-vuc-qua-giam-sat-chat-van/413161.vgp