190
/
88338
50 loại thuốc tiềm năng điều trị Covid-19
50-loai-thuoc-tiem-nang-dieu-tri-covid-19
news

50 loại thuốc tiềm năng điều trị Covid-19

Thứ 5, 19/03/2020 | 13:47:14
496 lượt xem

Các nhà nghiên cứu toàn cầu đang nỗ lực thiết lập một “bản đồ” protein của nCoV, xác định được 50 loại thuốc có thể nhắm vào chúng.

Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Quantitative Biosciences (QBI), tại đại học bang California, đang tìm hiểu một hướng tiếp cận đặc biệt thay vì tấn công trực tiếp vào virus.

Họ tìm kiếm các loại thuốc có thể bao bọc lấy các protein của cơ thể người mà virus lợi dụng để phát triển và nhân lên.

Nhóm hợp tác giữa bệnh viện Mount Sinai ở New York và Viện Pasteur ở Paris, đã tiến hành thử nghiệm thuốc trực tiếp lên nCoV được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và sẽ công bố kết quả vào cuối tuần này.

Hiện tại, chưa có một loại thuốc kháng virus nào cho thấy tính hiệu quả đối với nCoV. Các bệnh nhân chủ yếu được điều trị bằng việc chăm sóc hỗ trợ, thở oxy, hạ sốt, tạo điều kiện để hệ miễn dịch tự chống lại sự nhiễm trùng.

Lisa Miorin, giáo sư trợ lý vi sinh trường Y khoa Icahn ở Mount Sinai, New York mang các khay tiệt trùng vào phòng thí nghiệm. Ảnh: NY Times 

Nếu nghiên cứu thành công, đây sẽ là một kỳ tích của giới khoa học khi một loại thuốc kháng virus được nghiên cứu ra chỉ trong vài tháng, đặc biệt là dành cho một loại virus không ai biết tới sự tồn tại cho tới tháng Một năm nay.

Sau khi phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên hồi tháng Một tại bang California, các nhà nghiên cứu của Viện QBI đã bỏ tất cả  dự án khác và tập trung hướng nghiên cứu vào nCoV, tiến sĩ Nevan Krogan, giám đốc Viện cho hay.

Tiến sĩ Krogan và cộng sự đặt mục tiêu tìm ra các loại protein trong tế bào người mà nCoV lợi dụng để phát triển. Bình thường dự án này có thể mất đến 2 năm, nhưng với sự cộng tác của 22 phòng thí nghiệm, dự án đã hoàn thành chỉ trong vài tuần.

"Nhiều lúc có tới 30 nhà khoa học cùng tham gia thảo luận trực tuyến - rất mệt mỏi nhưng lại vô cùng hứng thú", tiến sĩ Krogan nói.

Virus nhân lên bằng cách tiêm mã gene của chúng vào tế bào người, rồi lợi dụng cơ chế giải mã gene của tế bào để sản xuất protein cho chính nó. Sau đó tạo ra các virus mới, thoát ra và lây nhiễm các tế bào xung quanh.

Năm 2011, tiến sĩ Krogan và các cộng sự đã phát triển một cách thức có thể xác định được tất cả protein của người mà virus dùng để chiếm quyền kiểm soát. Ông gọi nó là một "bản đồ". Nhóm nghiên cứu của ông đã tạo ra "bản đồ" đầu tiên cho virus HIV, rồi sau đó là các chủng virus khác như Ebola hay sốt xuất huyết (Dengue). Mỗi loại lại lợi dụng các nhóm protein khác nhau trong cơ thể. Khi các nhà khoa học đã có được "bản đồ", họ có thể tìm kiếm hướng điều trị hiệu quả.

Bác sĩ Miorin chuẩn bị mẫu thử tại Trường Y khoa Icahn ở Mount Sinai. Ảnh: NY Times 

Hồi tháng 2, nhóm nghiên cứu đã tổng hợp gene của nCoV, sau đó tiêm vào tế bào người và phát hiện ra hơn 400 loại protein của người mà virus có thể lợi dụng.

Bản đồ mới cho thấy protein của virus di chuyển khắp tế bào và tương tác với nhiều loại protein trong đó, đôi khi không hề liên quan tới việc tạo ra các virus mới.

Một ví dụ là protein BRD2, một protein trong cơ thể người có nhiệm vụ bật tắt các đoạn mã gene. Chuyên gia về protein đang sử dụng bản đồ này để lý giải tại sao nCoV lại cần đến chúng.

Tiến sĩ Kevan Shokat và cộng sự tại đại học bang California ở San Francisco đã tìm ra 50 loại thuốc có tiềm năng sau khi nghiên cứu hơn 20.000 loại thuốc khác nhau. Chẳng hạn nhắm tới protein BRD2, có một loại thuốc được gọi là JQ1. Đây vốn là liệu pháp tiềm năng trong chữa trị một số loại ung thư.

Hôm 12/3, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Shokat đã gửi 10 mẫu thuốc đầu tiên tới phòng nghiên cứu của tiến sĩ Adolfo Garcia-Sastre, giám đốc của Viện nghiên cứu Y tế toàn cầu và các bệnh mới nổi tại bệnh viện Mount Sinai. Tại đây, ông đã bắt đầu nuôi cấy nCoV trên tế bào của khỉ.

Thử nghiệm diễn ra nhanh chóng nhưng sẽ phải mất khoảng một tuần để có những dữ liệu đầu tiên, tiến sĩ Garcia-Sastre nói hôm 17/3. Trong trường hợp phát hiện các loại thuốc tiềm năng, các nhà nghiên cứu sẽ phải thử nghiệm trực tiếp trên một cơ thể động vật bị nhiễm nCoV, có thể là trên loài chồn sương, vốn được biết là có khả năng nhiễm SARS - căn bệnh liên quan mật thiết với Covid-19.

Bước tiếp theo sẽ là đánh giá mức độ an toàn của các loại thuốc này. Vì rất có thể, liều lượng thuốc đủ để loại bỏ virus khỏi cơ thể cũng có thể dẫn tới các phản ứng phụ nguy hiểm.

Những nỗ lực này là một bước tiến vượt bậc so với các dự án trước đây tìm kiếm một phương pháp điều trị hiệu quả cho Covid-19, vốn tập trung xung quanh một loại thuốc kháng virus có tên là Remdesivir. Từ tháng 2 đến nay đã có 5 nghiên cứu lâm sàng được thực hiện để kiểm tra tính an toàn và hiệu quả điều trị Covid-19 của Remdevisir trên người.

Nhưng các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm tòi những cách thức tiếp cận mới hơn. Hôm 14/3, các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford đã báo cáo thử nghiệm sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene Crispr để tiêu diệt gene của virus trong tế bào nhiễm bệnh.

Nhóm của tiến sĩ Krogan sẽ xuất bản báo cáo vào cuối tuần này bao gồm danh sách các loại thuốc mà họ cân nhắc là ứng cử viên sáng giá nhất cho việc điều trị Covid-19.

"Bất cứ ai có thể thử nghiệm chúng, làm ơn hãy tiến hành", tiến sĩ Krogan nói.

Theo Linh Phan/VnExpress

 (Nguồn WSJ)

https://vnexpress.net/suc-khoe/50-loai-thuoc-tiem-nang-dieu-tri-covid-19-4071449.html 

  • Từ khóa

Bé gái mắc bạch hầu tử vong sau cả tuần ốm sốt vẫn đi học

Bé gái ở xã Thạch Lâm, H.Bảo Lâm, Cao Bằng bị ho sốt, dùng thuốc tại nhà và đi học bình thường. Sau 1 tuần không khỏi, bệnh nhân tử vong, được xác định...
08:11 - 25/11/2024
51 lượt xem

Cảnh báo tình trạng trẻ em béo phì, thừa cân tăng cao tại Việt Nam

Sáng 24/11, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức Hội thảo góp ý Luật Thuế...
07:47 - 25/11/2024
72 lượt xem

Những thói quen ăn uống đáng sợ nhất, bạn có mắc phải không?

Do nhịp sống hối hả nên con người thường bỏ qua những yêu cầu về chế độ ăn uống hàng ngày. Thói quen không lành mạnh khiến sức khỏe ngày càng sa sút
08:20 - 24/11/2024
612 lượt xem

Chế độ ăn keto có thể giúp giảm cân, nhưng không hẳn tốt cho tim mạch và đường ruột

Thay vào đó, một chế độ ăn ít đường có thể là sự lựa chọn tốt hơn. Theo một nghiên cứu mới được công bố trên Cell Reports Medicine, những người ăn theo...
10:14 - 23/11/2024
1,164 lượt xem

Đề xuất tăng thuế thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Tiêu dùng thuốc lá ở Việt Nam đã và đang gây ra những hệ lụy về bệnh tật và tử vong, đe dọa đến sự phát triển kinh tế, xã hội.
08:34 - 23/11/2024
1,192 lượt xem