Thủy ngân tồn dư trong các loại hải sản có thể tăng rủi ro mắc ung thư da, kết quả được chỉ ra trong một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ.
TS Eunyoung Cho (Đại học Y Warren Alpert) cùng cộng sự đã tiến hành phân tích tích dữ liệu trên các khảo sát trước đó, với tập dữ liệu bao gồm 29.000 người trưởng thành và đi đến kết luận: Những người có mức thủy ngân trong máu cao nhất có xác suất mắc ung thư da cao hơn 79% so với nhóm có hàm lượng thủy ngân trong máu thấp nhất.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ các cuộc điều tra sức khỏe hàng năm trên toàn quốc, trong giai đoạn 2003-2016. Trong tập dữ liệu được sử dụng, độ tuổi trung bình của những người tham gia khảo sát là 49 tuổi. 468 người, tương đương 1,6%, xác nhận mắc ung thư da.
"Người dân ở Hoa Kỳ thường bị phơi nhiễm Thủy Ngân thông qua việc ăn cá bị nhiễm Methyl thủy ngân" - TS Eunyoung Cho nhận định.
Đại diện nhóm tác giả cũng cho biết thêm , nghiên cứu của họ không khẳng định rằng thủy ngân gây ung thư da. Tuy nhiên, họ mong muốn đây sẽ là tiền đề cho nhiều nghiên cứu sâu hơn về mối liên quan giữa kim loại nặng này và căn bệnh ung thư da.
Methyl thủy ngân là hợp chất rất độc, và là chất gây ô nhiễm thủy sinh vật. Methyl thủy ngân trong môi trường nước thường được thải ra từ các nhà máy. Mức thủy ngân tồn dư trong các loại hải sản là khác nhau. Ví dụ, kim loại nặng này thường có nhiều trong cá kiếm nhưng lại tồn dư rất ít trong thịt cá hồi. Các chuyên gia khuyến cáo rằng, phụ nữ mang thai nên ăn ít hải sản, vì lo ngại nguy cơ phát sinh các vấn đề sức khỏe với em bé, do tiếp xúc với thủy ngân.
Theo Minh Nhật/Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/loai-chat-doc-tiem-an-trong-hai-san-co-lien-quan-den-ung-thu-da-20200310221935964.htm