Những vết viêm loét, vết bỏng hay mụn cóc... bạn thường xử lý tại nhà, nhưng nếu không điều trị đúng chúng sẽ dễ bị viêm, nhiễm trùng.
Chữa bỏng; Nhiều người có thói quen khi bị bỏng thường bôi lớp bơ hoặc dầu lên vết thương. Tuy nhiên, chính điều này làm vết bỏng lâu dịu hơn. Biện pháp tốt nhất là bạn nên làm mát vết thương bằng nước sạch, lạnh.
Chữa mụn trứng cá, giộp môi: Nhiều người chọn bôi kem đánh răng bởi baking soda trong kem đánh răng làm khô mụn. Vấn đề là trong các thành phần khác của kem đánh răng như tinh dầu bạc hà, hydrogen peroxide, có thể gây kích ứng nghiêm trọng làn da của bạn, đặc biệt là môi.
Nước sức miệng chỉ hạn chế sâu răng và sát khuẩn: Nhiều người khi bị ngứa cổ họng, bị viêm thường chọn nước súc miệng để cải thiện tình trạng. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng, khi bạn gặp vấn đề về cổ họng và miệng, bạn cần nghỉ ngơi, sử dụng nước ấm tránh nước súc miệng để giảm kích thích.
Cắt mụn cóc: Một số người sử dụng kéo, dao hoặc các dụng cụ sắc nhọn khác để cắt đứt mụn cóc. Bạn không nên làm điều đó vì sẽ gián tiếp khiến vết thương bị nhiễm trùng. Có những phương pháp tại nhà an toàn hơn khi xử lý mụn cóc chẳng hạn như lá tía tô, tỏi, chuối hay giấm táo.
Xử lý đau răng: Nhiều người thường bôi, chà xát các loại thuốc lên vùng nướu để xử lý đau răng. Tuy nhiên, nướu dễ bị tổn thương bởi các chất này. Hơn nữa, vấn đề là răng không tự khỏi được, bạn cần đến nha sĩ và nhận lời khuyên tốt nhất.
Lấy ráy tai bằng lửa: Điều này khá phổ biến ở một số nước như Trung Quốc, Ai Cập… với tên gọi ear-candling. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí y học Laryngoscope (Mỹ), ear-candling không thể hút hết ráy tai ra bằng áp lực của lửa. Một khảo sát từng thực hiện với dịch vụ này cho thấy, 10% bệnh nhân từng dùng ear-candling đã bị phỏng nhẹ bên ngoài tai, bị sáp đèn cầy chảy vào trong tai và có trường hợp bị sây sát màng nhĩ.
Chữa chấy: Trên các trang mạng xuất hiện phương pháp xử lý chấy trên đầu bằng việc bôi các loại dầu hỏa, xăng, thuốc trừ sâu... lên tóc. Tuy nhiên, tất cả các chất này đều độc tính cao và không bao giờ được sử dụng trên da. Một số khác sử dụng những chất khác như dầu ô liu, nước - an toàn tuyệt đối... nhưng hoàn toàn vô dụng. Biện pháp tốt nhất là nhận toa thuốc từ bác sĩ.
Keo bạc: Là một loại khoáng chất được chiết xuất từ bạc nguyên chất, keo bạc những năm trở lại đây được nhiều người tin dùng bởi đặc tính chữa bệnh của nó. Tuy nhiên, các chuyên gia đã cảnh báo nhiều lần rằng không chỉ không có tác dụng chữa bệnh, keo bạc còn thực sự nguy hiểm cho sức khỏe.
CTV Nguyễn Như/VOV.VN
Theo Brightside