Người đàn ông 45 tuổi khỏe mạnh, ban đầu vào viện chỉ đơn giản vì chữa đau lưng. Tuy nhiên, vi khuẩn kháng thuốc tại bệnh viện đã tấn công, khiến người đàn ông này phải trải qua một cuộc phẫu thuật nhưng vẫn bị liệt và sau đó không lâu qua đời.
Người bệnh "lãnh đủ" vì nhiễm khuẩn bệnh viện
Câu chuyện được TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị triển khai Thông tư số 16/2018/TT – BYT quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh diễn ra ngày 31/7 tại Hà Nội.
TS Kidong Park chia sẻ, khi ông còn làm tại bệnh viện, chứng kiến những ca nhiễm khuẩn bệnh viện ông thấy rất đau lòng.
Đó là trường hợp người đàn ông 45 tuổi vào viện vì chữa đau lưng, sau ca phẫu thuật bệnh nhân nhiễm loại vi khuẩn kháng thuốc nghiêm trọng, không có bất cứ loại kháng sinh nào tiêu diệt được vi khuẩn này.
“Sau 3 tháng gặp lại người đàn ông đó, tôi rất đau lòng. Bởi khi mới đến viện, đó là người đàn ông khỏe mạnh bình thường, chỉ có vấn đề đau lưng nhưng vì nhiễm khuẩn bệnh viện, chỉ 3 tháng sau bệnh nhân bị liệt và các bác sĩ cũng không thể làm gì, không lâu sau bệnh nhân đã tử vong”, TS Park chia sẻ.
Câu chuyện thứ hai là cậu bé 12 tuổi đến viện điều trị ung thư máu, sau cũng bị vi khuẩn kháng thuốc tại bệnh viện tấn công.
Công tác giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện sẽ được tăng cường. Ảnh: H.Hải
Theo TS Park, nhiễm khuẩn bệnh viện có thể đến bất cứ khi nào, do tiếp xúc hàng ngày, do nguồn nước không sạch, do rửa tay không đúng khiến bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn. Vì thế, TS Park nhấn mạnh tầm quan trọng của phòng chống nhiễm khuẩn ở các cơ sở y tế.
“Tôi nghĩ chúng ta phải làm nhiều điều hơn nữa để ngăn ngừa những thảm kịch như thế có thể xảy ra vì nhiễm khuẩn bệnh viện”, TS Park chia sẻ.
Là người hoạt động trong chuyên môn y tế, nhưng TS Park cũng trải qua nỗi lo lắng khôn cùng khi con trai phải trải qua ca phẫu thuật hở van tim vào năm ngoái. "Dù bác sĩ khẳng định thành công của ca phẫu thuật là 99,9%, tôi cũng tin ca phẫu là thành công nhưng tôi vô cùng lo lắng vì khả năng nhiễm khuẩn có thể xảy ra. Đôi khi chỉ từ những hành vi rất đơn giản như rửa tay không đúng quy trình, dụng cụ đưa vào cơ thể không được khử khuẩn đúng cách...", ông Park kể.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) đã và đang là gánh nặng cho người bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn cầu.. NKBV làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn và tăng chi phí điều trị.
Có chế tài xử phạt nếu không tuân thủ chống nhiễm khuẩn bệnh viện
Theo thống kê, tỷ lệ NKBV ở các nước phát triển khác nhau dao động trong khoảng 3,5% - 12%. Tổn thất tài chính hằng năm do NKBV cũng rất lớn: ước tính khoảng 7 tỷ Euro ở châu Âu, bao gồm chi phí trực tiếp và 16 triệu ngày nằm viện và khoảng 6,5 tỷ đô la Mỹ ở Mỹ.
Tại Việt Nam, các cơ sở y tế đã bước đầu thực hiện giám sát ca bệnh nhiễm khuẩn, giám sát tuân thủ vệ sinh tay, giám sát tuân thủ các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, giám sát vi sinh vật gây NKBV và kháng kháng sinh, từng bước chuẩn hóa công tác khử khuẩn, tiệt khuẩn, tăng cường vệ sinh bệnh viện, chủ động phòng chống bệnh dịch...
Tuy nhiên, tồn tại vẫn còn rất nhiều, do một số người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh hiện nay vẫn chưa thật sự hiểu hết vai trò, tầm quan trọng của công tác KSNK, do vậy việc đầu tư nguồn lực cho hoạt động KSNK chưa phù hợp và hiệu quả. Chưa có chính sách thu hút, khuyến khích những người có tâm huyết, có chuyên môn, có uy tín làm công tác KSNK.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực kiểm soát nhiễm khuẩn còn thiếu và yếu... trong khi việc kiểm soát nhiễm khuẩn góp phần làm cho công tác phòng chống kháng kháng sinh thêm hiệu quả, tai biến y khoa giảm bớt, tránh lây nhiễm cho nhân viên y tế, lây nhiễm cho người bệnh bởi môi trường BV luôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ “Việc kiểm soát nhiễm khuẩn không tốt làm xảy ra các tai biến nghiêm trọng và trên thực tế đã có nhiều bài học sâu sắc về công tác chống NKBV", Thứ trưởng Tiến nói.
Các quy định chặt chẽ trong giám sát sẽ góp phần tăng cường công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện. Ảnh: Lê Hảo.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đánh giá, Thông tư số 16/2018/TT-BYT Quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thay thế Thông tư số 18/2009/TT-BYT sẽ góp phần tăng cường công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện.
Vì theo quy định, các cơ sở khám chữa bệnh có từ 150 giường bệnh trở lên phải có đầy đủ Hội đồng, khoa/bộ phận và mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn; các cơ sở khám chữa bệnh có dưới 150 giường bệnh tối thiểu phải có bộ phận kiểm soát nhiễm khuẩn thuộc phòng kế hoạch tổng hợp, có mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn và có người phụ trách kiểm soát nhiễm khuẩn làm việc toàn thời gian...
Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn của đơn vị. Người làm giám sát chuyên trách, khử khuẩn, tiệt khuẩn phải có chứng chỉ, giấy chứng nhận hoặc văn bằng về kiểm soát nhiễm khuẩn (thời gian đào tạo tối thiểu 3 tháng theo chuyên đề).
TS Park cũng đánh giá việc Việt Nam thực hiện thông tư mới về kiểm soát NKBV là vô cùng quan trọng, đã có quy định nếu đơn vị y tế không tuân thủ sẽ phải chịu phạt.
Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, khi ngành y tế ngày càng phát triển, tăng cường ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị như phát triển nội soi, phẫu thuật tim mạch, ghép bộ phận cơ thể người, ghép tế bào gốc…thì đòi hỏi vô khuẩn càng cao. Sự phát triển đó đòi hỏi công tác KSNK phải được tăng cường, phát triển tương xứng, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất NKBV, bảo đảm an toàn cho NB, NVYT.
Thông tư KSNK là một bước tiến quan trọng trong việc định hướng KSNK vào những nhiệm vụ trọng tâm đó là thực hiện giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện, giám sát tuân thủ thực hành KSNK nhằm giảm thiểu nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.
Theo Hồng Hải/Dân trí