Phó giám đốc BV K khẳng định, điều trị ung thư mang tính cá thể, nếu cứ nhất nghe theo trí tuệ nhân tạo là chết.
Vừa qua, câu chuyện sử dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị ung thư tại Việt Nam nhận được sự quan tâm rất lớn từ bệnh nhân ung thư. Một số nơi thông báo đã ứng dụng và điều trị thành công cho cả bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối.
Tuy nhiên phương pháp đó hiệu quả đến đâu, chi phí thế nào và đã thực sự được gọi là trí tuệ nhân tạo?
10 chuyên gia hội chẩn còn chưa ra bệnh
PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó giám đốc BV K cho biết, vừa qua có bác sĩ đăng thông tin trên mạng xã hội rằng dựa vào trí tuệ nhân tạo đã điều trị thành công cho một bệnh nhân ung thư vú đa ổ, bảo tồn được toàn bộ tuyến vú.
“Ngay khi biết, tôi bảo em phải làm lại ngay, nếu đa ổ thì không được phép bảo tồn, bảo tồn là giết bệnh nhân đấy. Mặc dù có thể dùng phác đồ theo ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhưng ca này không được phép bảo tồn. Ban đầu điều trị có thể giảm bệnh nhưng giảm thế nào đi nữa cũng phải phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú, bảo tồn sẽ tái phát ngay. Nếu bệnh nhân không hiểu, cứ nghe theo là chết”, PGS Quảng chia sẻ.
PGS.TS Lê Văn Quảng
Theo PGS Quảng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị ung thư do IBM phối hợp với Trung tâm ung thư Memorial Sloan Kettering, Hoa Kỳ xây dựng (IBM WFO), dựa trên tổng hợp hàng triệu hồ sơ bệnh án ung thư, hơn 300 tạp chí y khoa, 200 sách giáo khoa và hơn 15 triệu trang tài liệu y văn liên quan tới điều trị ung thư.
Hệ thống này có thể dùng mọi nơi khi có kết nối internet, cho phép tối ưu hóa tìm kiếm trên 200 triệu trang tài liệu trong vòng 3 giây, đồng thời cho phép liên tục cập nhật các thông tin liên quan tới 11 loại ung thư phổ biến. Đến nay, ứng dụng này đã được áp dụng tại 80 bệnh viện ở 13 quốc gia.
Sau khi nhập dữ liệu của bệnh nhân, ứng dụng này có thể đưa ra gợi ý phác đồ điều trị; lịch trình thời gian trong kế hoạch điều trị; đưa ra so sánh giữa các phác đồ điều trị; đưa ra các bằng chứng cho mỗi lựa chọn, cung cấp các bằng chứng thử nghiệm lâm sàng.
Tại Bệnh viện K, hệ thống được đưa vào thử nghiệm từ cuối tháng 1/2018 với khoảng 200 ca bệnh, tuy nhiên chủ yếu là bệnh nhân ung thư vú giai đoạn sớm.
“Hệ thống này rất hữu ích trong đào tạo, nâng cao năng lực bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ trẻ ở tuyến dưới khi không có điều kiện đi học và cập nhật kiến thức. Ứng dụng này giúp tra cứu rất nhanh nhưng bác sĩ cần có tiếng Anh tốt và trình độ chuyên môn tốt để nhập đúng dữ liệu”, PGS Quảng nói.
Theo PGS Quảng, trong chẩn đoán ung thư, nguyên tắc đầu tiên phải chẩn đoán đúng nhưng đúng ung thư chưa đủ, phải đúng giai đoạn, nếu không là “mang búa diệt ruồi”, giai đoạn sớm nhưng lại điều trị phác đồ quá mạnh tay khiến bệnh nhân lăn quay ra tử vong.
Phó giám đốc BV K chia sẻ thêm, trên thực tế có nhiều trường hợp hội đồng 10 chuyên gia cùng ngồi hội chẩn mà còn chưa ra bệnh, vậy lấy gì để nhập vào hệ thống. Nếu nhập sai tên bệnh, hệ thống sẽ đưa ra phác đồ sai.
Điều trị ung thư mang tính cá thể
BS Phùng Thị Huyền, Trưởng khoa Nội K Quán sứ cho biết, điều trị ung thư là đa mô thức, trước khi điều trị cần căn cứ vào giai đoạn bệnh, các yếu tố tâm lý, kinh tế, từ đó mới xây dựng được phác đồ.
“Hệ thống trên chỉ đưa ra khuyến cáo dựa trên điều kiện thực hành ở trung tâm ung thư Memorial Sloan Kettering chứ chưa hẳn phù hợp với thực hành tại Việt Nam”, BS Huyền chia sẻ.
BS Huyền dẫn chứng, nhiều thuốc trên hệ thống gợi ý nhưng Việt Nam chưa có hoặc gợi ý thuốc đắt, bệnh nhân không theo được.
Sau khi nhập dữ liệu, hệ thống IBM WFO sẽ đưa ra nhiều gợi ý để bác sĩ lựa chọn.
Hay trường hợp khác là một bệnh nhân ung thư phổi không phải tế bào nhỏ, giai đoạn T2, khi nhập vào hệ thống trí tuệ nhân tạo, bác sĩ nhận được gợi ý phẫu thuật được. Tuy nhiên thực tế không phải cơ sở nào cũng đủ nhân lực và phương tiện, nếu cứ lôi ra mổ thì rất nguy. Ngay BV K cũng không đủ hết các xét nghiệm theo đúng yêu cầu của hệ thống.
“Do vậy ứng dụng này chỉ là kênh tham khảo còn quyết định có sử dụng phác đồ đó hay không sẽ cần bác sĩ xem xét, đánh giá trên từng bệnh nhân cụ thể”, BS Huyền phân tích.
PGS Quảng cũng nhấn mạnh, với ung thư, điều trị theo cá thể rất quan trọng, càng ở giai đoạn muộn, tính cá thể càng rõ, nhất là ở Việt Nam, hầu hết bệnh nhân đều phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.
Chưa kể bệnh nhân không chỉ mắc riêng ung thư mà thường mắc nhiều bệnh phối hợp, nếu cứ máy móc áp dụng thì bệnh nhân có nguy cơ cao tử vong.
PGS Quảng khẳng định, ứng dụng này chủ yếu áp dụng ở giai đoạn sớm, khi đó ít lựa chọn điều trị, bệnh nhân chủ yếu mới dùng thuốc, tuy nhiên khó áp dụng ở giai đoạn muộn và phẫu thuật vì rất đa dạng.
“Tôi từng làm giảng viên, nhiều bác sĩ nói ca này không mổ được nhưng tôi nói tôi mổ được. Hay khi ngồi hội đồng, có người bảo ung thư giai đoạn 3 không mổ được nhưng các thầy nói đưa tôi mổ cho ”, PGS Quảng dẫn chứng.
Theo Thúy Hạnh/Vietnamnet