Bệnh nhi có biểu hiện đau bìu, sưng tấy vùng bìu nhưng nhập viện trễ, khi được bác sĩ phát hiện thì tinh hoàn đã hoại tử buộc phải cắt bỏ. Đây là 2 trường hợp đáng tiếc xảy ra ở trẻ bị xoắn tinh hoàn nhưng không được phát hiện sớm.
Thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 2 (ngày 2/7) cho hay, tại đây vừa liên tục tiếp nhận 2 bệnh nhi bị xoắn tinh hoàn. Trường hợp thứ nhất là bé trai N.V. (9 tuổi, ngụ tại Ninh Thuận) được gia đình đưa tới phòng khám của bệnh viện vì đau vùng bìu trái. Người nhà cho hay, bệnh nhi đã được bệnh viện tuyến dưới thăm khám, điều trị nhưng không khỏi.
Xoắn tinh hoàn là bệnh lý thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ tuổi dậy thì
Qua các kết quả thăm khám, chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ xác định bệnh nhi bị xoắn tinh hoàn nên chỉ định mổ cấp cứu. Ê-kíp phẫu thuật ghi nhận tinh hoàn trái của bệnh nhi bị xoắn 2 vòng đã hoại tử không thể điều trị bảo tồn. Các bác sĩ buộc phải cắt bỏ tinh hoàn trái của bệnh nhi và thực hiện thủ thuật cố định tinh hoàn phải để tránh nguy cơ xoắn có thể xảy ra.
Một trường hợp đáng tiếc khác là bé trai 2 ngày tuổi, ngụ tại TPHCM. Cháu nhập viện với biểu hiện sưng bìu trái, quấy khóc. Qua thăm khám, siêu âm bìu bác sĩ chẩn đoán bé bị xoắn tinh hoàn trái nên chỉ định phẫu thuật khẩn. Tuy nhiên, nỗ lực của bác sĩ không mang lại kết quả khả quan bởi tinh hoàn bị thiếu máu tưới đã hoại tử buộc phải cắt bỏ.
Xoắn tinh hoàn là xoắn cấu trúc của thừng tinh, ngăn cản nguồn cung cấp máu, gây hoại tử hoặc teo tinh hoàn. Nguyên nhân của tình trạng trên là do tinh hoàn không được cố định vững chắc. Bác sĩ khuyến cáo đây là bệnh hay gặp ở trẻ em, đặc biệt là tuổi sơ sinh và tuổi dậy thì.
Bệnh lý trên là cấp cứu ngoại khoa, cần được can thiệp càng sớm càng tốt để tránh nguy cơ phải cắt tinh hoàn, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản ở tuổi trưởng thành. Do đó khi thấy trẻ có biểu hiện bất thường như: đau bìu, sưng tấy bìu, có thể kèm nôn ói, đau bụng, tiểu lắt nhắt phụ huynh cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Theo Li Uyên/Dân trí