Lạm dụng kháng sinh là nguyên nhân chính khiến Việt Nam bị xếp vào nhóm những nước có tỷ lệ kháng kháng sinh (KKS) cao nhất trên thế giới. Chưa bao giờ, tình trạng KKS tại Việt Nam lại trở nên báo động như hiện tại khi theo Bộ Y tế, trong lúc nhiều quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 có hiệu quả thì Việt Nam đã phải “cầu viện” kháng sinh thế hệ 3 và 4.
Khi kháng kháng sinh, bệnh thông thường cũng hóa nguy hiểm
Hiện tượng kháng thuốc kháng sinh được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa là khi một loại thuốc kháng sinh trước đây có tác dụng điều trị một bệnh nhiễm khuẩn nào đó nay không còn tác dụng, vi khuẩn không còn bị tiêu diệt hoặc ức chế. Nói cách khác, vi khuẩn có khả năng kháng lại hiệu quả của thuốc và tiếp tục nhân lên trong cơ thể người bệnh ngay cả khi người đó được điều trị bằng kháng sinh. Hiện tượng này thường là hệ quả của việc lạm dụng hoặc sử dụng kháng sinh không đúng cách. Dựa trên một công bố của Bộ Y tế vào tháng 09/2017, 88% kháng sinh tại thành thị được bán ra mà không cần kê đơn, trong khi đó ở nông thôn tỉ lệ lên đến 91%. Tình trạng dùng thuốc kháng sinh “vô tội vạ” không chỉ lan rộng trong người dân mà thậm chí, một số bác sĩ cũng đang kê đơn kháng sinh bất hợp lý, kéo dài và không cần thiết.
Thực trạng KKS ngày càng nghiêm trọng và trở thành một vấn nạn toàn cầu. Tất nhiên, đây không phải lần đầu KKS được đề cập nhưng những số liệu kể trên đã chạm "đỉnh báo động" mà nếu không chịu nhìn nhận và thay đổi, nhân loại nói chung và người Việt nói riêng sẽ đối mặt với nhiều hiểm họa khó lường.
Việt Nam đã xuất hiện siêu vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh
Theo WHO, nếu không kiểm soát, số lượng bệnh nhân tử vong do KKS sẽ tăng từ 700.000 người mỗi năm lên đến hàng chục triệu người vào năm 2050. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở bởi thực tế, nước ta đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh. Đến lúc đó, các bệnh thông thường như ho, cảm cúm hay chỉ một vết cắt cũng có thể dẫn đến nguy cơ tử vong, một viễn cảnh chắc chắn không ai dám tưởng tượng đến.
Khi một bệnh nhân gặp KKS gây khó khăn cho việc chữa trị, đó không còn là áp lực tài chính và sự tuyệt vọng của chính họ mà nguy hiểm hơn, đây là nỗi ác mộng của xã hội, đẩy lùi những nỗ lực của y khoa trong hàng thế kỷ qua.
Ngoài ra, một điều đáng đề cập hơn cả là tình trạng KKS ở trẻ nhỏ do phụ huynh tự ý chẩn đoán và điều trị cho con. Lạm dụng thuốc kháng sinh khiến trẻ có vi khuẩn kháng thuốc, dẫn đến quá trình điều trị bị kéo dài, ảnh hưởng sức khoẻ… Và có thể bạn không biết, nhưng nếu không nghiêm túc thay đổi cách sử dụng thuốc kháng sinh, trong tương lai rất gần, con cháu của chúng ta sẽ là những đối tượng trực tiếp chịu những mối nguy tiềm ẩn đe đọa tính mạng, xuất phát từ thói quen lạm dụng kháng sinh vô tội vạ của chính gia đình, cha mẹ.
Thay đổi nhận thức, thay đổi tương lai
Hiểu đúng để sử dụng kháng sinh có trách nhiệm chính là biện pháp tốt nhất nhằm đẩy lùi tình trạng kháng kháng sinh đang lan rộng. Để hạn chế tình trạng KKS trong cộng đồng, WHO khuyến khích những hành động đơn giản mà mỗi cá nhân đều có thể thực hiện được, chẳng hạn như tránh nhiễm khuẩn bằng cách rửa tay thường xuyên, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, từ bỏ thói quen “để dành” thuốc kháng sinh sử dụng dần dần, hỏi về tác dụng của thuốc kháng sinh nếu được kê đơn và chỉ dùng kháng sinh trong trường hợp cần thiết…
Tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ khi phải điều trị bằng kháng sinh
Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã thực hiện nhiều chương trình truyền thông để giúp người dân có hiểu biết chính xác hơn khi điều trị bằng kháng sinh và nâng cao nhận thức phòng bệnh hơn chữa bệnh, từ đó triệt để hạn chế tình trạng KKS trong cộng đồng. Trong khuôn khổ chương trình hợp tác truyền thông “Vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn”, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế và Quỹ Unilever Việt Nam, nhãn hàng Lifebuoy sẽ đồng hành cùng đem đến các chương trình tích hợp nhiều kiến thức bổ ích để phòng ngừa nhiễm khuẩn, nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân trong cộng đồng, từ đó góp phần tìm lời giải cho “bài toán” KKS đầy thách thức tại Việt Nam.
Theo Dân trí