Bệnh nhi 6 tuổi (Hoàng Mai, Hà Nội) được gia đình đưa vào BV Bạch Mai trong tình trạng mẩn ngừa ngoài da toàn thân, trên da nổi nhiều mảng mề đay rất lớn. Người nhà cho rằng bệnh nhi bị dị ứng do trước thời điểm nổi mẩn toàn thân bé đã uống trà sữa.
Ths.BS Nguyễn Thành Nam, Phụ trách Khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, bé N.L.H (6 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) được đưa vào khoa hôm 11/4, trong tình trạng mẩn ngứa ngoài da toàn thân, trên da nổi nhiều ban mề đay, tập trung thành các đám lớn. Bệnh nhi được chẩn đoán bị mề đay cấp và được điều trị theo phác đồ. Đến hôm nay (17/4), tình trạng bệnh nhi hoàn toàn ổn định, sau khi điều trị theo phác đồ mề đay cấp.
Trước đó, tại thời điểm vào viện, người nhà bệnh nhi cũng thông tin về việc cháu bé bị ngộ độc do uống trà sữa.
Tuy nhiên, BS Tô Thị Hảo – bác sĩ trực tiếp điều choc ho bệnh nhi cho biết, rất khó để khẳng định bệnh nhi có hiện tượng nổi mề đay trên do ngộ độc trà sữa. Bởi không có bằng chứng khoa học chứng minh bệnh nhi bị phản ứng (ngộ độc) do uống trà sữa. Ngay cả thông tin trẻ uống trà sữa cũng do người nhà kể lại.
Trong khi đó, mề đay là một bệnh ngoài da phổ biến do rất nhiều nguyên nhân gây ra như yếu tố gia đình, do cơ địa, do tác động của thời tiết, khí hậu, do dị ứng với một số thuốc hay thức ăn… Một em bé đang hoàn toàn bình thường, sau khi tắm, sau khi ăn, hay đang chơi, đang ngủ cũng có thể bị nổi mề đay gây ngứa ngáy, khó chịu.
Vì thế, với những trẻ có cơ địa dị ứng, bị mề đay, cha mẹ nên thận trọng khi cho con thử các thực phẩm mới. Với những trường hợp thông thường mề đay nổi mảng nhỏ, ngứa, sau một vài tiếng có thể lặn. Nhưng với trường hợp mề đay cấp, biểu hiện từng mảng to, phù nề đỏ, ngứa, thậm chí trẻ khó thở, suy hô hấp... cần nhanh chóng đưa trẻ tới viện để được điều trị.
Theo Tú Anh/Dân trí