Khi bước sang tuổi trung niên, đặc biệt là tuổi tiền mãn kinh, phụ nữ thường xuất hiện bệnh tê bàn tay. Đó là dấu hiệu của hội chứng ống cổ tay, và tỉ lệ nữ giới thường mắc cao hơn nam giới gấp 4 lần.
Bệnh nhân khám và được bác sĩ tư vấn điều trị tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM - Ảnh: HỒNG PHƯƠNG
Nguyên nhân gây ra hội chứng này do bệnh nhân bị tăng thể tích ống cổ tay (khi mang thai hoặc bị béo phì), mắc các bệnh về chuyển hóa, bệnh hệ thống (tiểu đường, viêm khớp dạng thấp...), hay bị chấn thương vùng cổ tay, gãy đầu dưới xương quay di lệch...
BS Võ Hòa Khánh
Bà B.T.P. (46 tuổi, Vĩnh Long) chia sẻ: "Tôi phát hiện mình bị bệnh tê tay đã mấy năm rồi. Tôi vô cùng lo lắng vì thỉnh thoảng bàn tay đột ngột bị tê cứng, cảm giác rất khó chịu. Có khi đang lái xe máy, tay đột nhiên tê lên, tôi phải tấp xe vào bên đường tự xoa bóp cho tay đỡ tê rồi mới dám tiếp tục chạy. Tôi không biết mình mắc bệnh gì và điều trị ra sao?".
Khổ sở vì tê
BS Võ Hòa Khánh (BS chuyên khoa 2 - CTCH, chuyên gia phẫu thuật tạo hình), Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, cho biết tê bàn tay là biểu hiện của hội chứng ống cổ tay. Đây là một rối loạn thần kinh ngoại vi thường gặp nhất, do thần kinh giữa bị chèn ép trong ống cổ tay. Trong ống cổ tay chứa đựng thần kinh giữa và gân gấp các ngón tay, ống cổ tay được tạo bởi mạc giữ gân gấp và các vách xung quanh là bờ của các xương cổ tay là một ống kém đàn hồi, khi áp lực trong ống cổ tay tăng lên thì thần kinh giữa là thành phần bị chèn ép trực tiếp.
Theo BS Khánh, khi mắc bệnh, bệnh nhân thường đau, dị cảm và tê các ngón tay, bàn tay... Khi phải vận động cổ tay, ngón tay nhiều như lái xe máy, làm việc văn phòng..., triệu chứng tê và đau sẽ nặng hơn. Một số trường hợp nặng bệnh nhân sẽ biểu hiện yếu tay, cầm đồ vật dễ rớt là do cơ mô cái bị teo, không đối chiếu được ngón cái với các ngón khác.
Cần điều trị sớm
Bệnh nhân mắc hội chứng ống cổ tay nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra các hệ lụy như: người bệnh mất cảm giác các ngón cái, đau nhức các ngón tay, bàn tay, cổ tay, đau nhiều về đêm gây mất ngủ. Lâu ngày, cả bàn tay sẽ yếu dần, hạn chế khả năng cầm nắm. Đặc biệt, bệnh nhân sẽ không làm được động tác đối chiếu ngón cái và các ngón khác.
Theo các bác sĩ, tùy theo mức độ bệnh sẽ chọn phương pháp điều trị thích hợp. Nhưng tốt nhất hãy tìm đến các phòng khám chuyên khoa, khám và điều trị sớm nhất có thể. Đối với trường hợp nhẹ cần điều hòa hoạt động cổ tay, giữ cổ tay ở vị trí trung tính (không gập quá cũng không duỗi cổ tay quá). Hạn chế động tác duỗi cổ tay, không nằm ngủ kê tay. Bên cạnh đó có thể kết hợp uống thuốc theo liều của bác sĩ điều trị, chích thuốc (chích corticoide vào ống cổ tay, tuy nhiên phương pháp này cần bác sĩ có kinh nghiệm, tránh tiêm vào dây thần kinh, bệnh nhân cần được tư vấn kỹ trước khi tiêm).
Trong trường hợp tê tay lâu ngày, theo tư vấn của các bác sĩ, bệnh nhân có thể phẫu thuật cắt bỏ dây chằng ngang cổ tay sẽ giúp thần kinh giữa hết bị chèn ép. Một số trường hợp nặng, thần kinh giữa bị chèn ép lâu ngày nên bao ngoài thần kinh dày lên đáng kể, vì vậy sau khi cắt dây chằng ngang thì bóc bao ngoài của thần kinh giữa sẽ tăng hiệu quả điều trị.
Ngoài ra, để giải quyết tình huống khi bị tê tay bạn có thể áp dụng các phương pháp xoa bóp sau: dùng tay bên này xoa bóp cho tay bên kia và ngược lại hoặc tự xoa mu bàn tay.
Theo Hồng Phương/Tuổi trẻ