Bánh kẹo, nước ngọt... luôn là đồ ăn yêu thích nhất của trẻ với tổng lượng đường trẻ nạp vào có thể lên tới 10kg/năm. Việc phòng tránh béo phì thông qua việc soát được lượng đường nạp vào không đơn giản chút nào, nhất là trong các bữa phụ.
Nhiều sự lựa chọn
Khi đến bữa ăn phụ, thay vì chỉ đặt một món duy nhất trên bàn, hãy chuẩn bị nhiều loại khác nhau để trẻ lựa chọn.
Trong tủ lạnh hãy để sữa chua các vị, sữa tươi,; trong tủ bếp hãy để sẵn lạc, nho khô, hạt điều... trên bàn có táo, lê, quýt, cam....
Tránh đồ uống có đường
Nước có ga chắc chắn không tốt cho sức khỏe của trẻ nhưng nước vitamin và nước trái cây đóng hộp cũng không tốt như bạn tưởng.
Tốt nhất là cho trẻ uống nước trắng vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Nếu trẻ muốn có hương vị hãy thêm lát chanh, miếng dâu tây, vài giọt siro bạc hà hoặc 1 cốc cam tươi vắt.
Đừng cấm nhưng hãy kiểm soát
Như nghiên cứu đã chỉ rõ, càng cấm trẻ ăn gì chúng sẽ càng thèm đồ ăn đó.
Trên thực tế, đồ ăn bị cấm có sức quyến rũ kinh khủng đối với trẻ, ngay cả khi món bị cấm là thực phẩm lành mạnh như trái cây.
Thỉnh thoảng ăn bánh bích quy hay sô cô la không gây nguy hiểm cho thói quen ăn uống lành mạnh của trẻ, miễn là chỉ 1-2 chiếc mỗi lần và thỉnh thoảng trẻ mới ăn.
Quy tắc là không tích đồ ăn có đường trong nhà, tránh đưa cho trẻ nếu trẻ không yêu cầu và hạn chế số lượng nếu trẻ hỏi xin.
Hãy giải thích rõ ràng với trẻ lý do tại sao trẻ nên hạn chế các thực phẩm ngọt và dạy trẻ về cách bảo vệ sức khỏe bản thân sẽ tốt hơn là không giải thích gì. Và luôn nhớ, mỗi khẩu phần ăn nhẹ chỉ tương đương với 100 calo.
Ngoài ra, trẻ cũng học hỏi từ cha mẹ nếu cha mẹ luôn lựa chọn thực phẩm lành mạnh.
Nhân Hà/Dân trí
Theo DM