Các nghiên cứu trên khắp thế giới cho thấy, thời gian sử dụng điện thoại và các thiết bị công nghệ ở trẻ em đang tăng nhanh chóng và kéo theo những hệ lụy lâu dài.
Các bậc cha mẹ đã được cảnh báo về việc trẻ em từ 8 tuổi trở xuống ngày càng dành nhiều thời gian online, trong cả lúc học, giao tiếp, ăn uống và chơi thể thao.
Và khi trở thành “nghiện”, trẻ sẽ có nguy cơ mất ngủ, béo phì, dễ bị bắt nạt trên mạng trong khi lại mất đi các kỹ năng xã hội do không giao tiếp trực tiếp.
Các bậc cha mẹ thường lo ngại rằng truyền hình sẽ làm hỏng não trẻ nhưng giới trẻ ngày nay chỉ xem tivi ít hơn 10 phút mỗi ngày so với những năm cuối thế kỷ 20 nhưng lại truy cập mạng nhiều hơn.
Cụ thể, nếu năm 2000-01, trẻ em trong độ tuổi 8-18 thường dành 2 tiếng 59 phút mỗi ngày trước màn hình thì 15 năm sau, thời gian ngồi trước màn hình đã là 5 tiếng, trong đó 2 tiếng 16 phút là dành cho các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng.
Thời gian dành cho máy tính đã tăng 40 phút mỗi ngày, trong đó chủ yếu là facebook, instagram và các trang mạng xã hội khác.
Nghiên cứu cũng chỉ ra trong năm 2000, điện thoại thông minh còn là đồ dùng tương đối xa lạ còn Ipad mới xuất hiện thì hiện 70% trẻ 12-15 tuổi sở hữu smartphone, bổ sung thêm thời gian dán mắt vào màn hình thêm 76 phút và khoảng 40 phút để dùng máy vi tính mỗi ngày
Như vậy, tính ra trẻ dành 1/3 thời gian thức “sống” cùng công nghệ.
Chris McGovern, Chủ tịch Chiến dịch Real Education, cho rằng: “Chúng ta đang đối mặt với một thế hệ zombie, những người nghiện smartphone đến mức ăn ngủ cùng nó”.
Còn TS. Angharad Rudkin, ĐH Southampton, người đã công bố một báo cáo chi tiết về rủi ro công nghệ đối với trẻ em đầu năm nay, nói: “Nghiên cứu này đã gửi một thông điệp quan trọng đến cha mẹ rằng: Thời gian tiếp xúc với màn hình đang tăng nhanh và nếu không có sự can thiệp, nó sẽ tiếp tục tăng”.
Nghiên cứu của ĐH Oxford chỉ ra rằng những bé trai dành trung bình 50 phút mỗi ngày chơi game trên máy tính, nhiều hơn hẳn các bé gái (chỉ dành 9 phút). Tuy nhiên, các bé gái lại dành nhiều thời gian trên điện thoại cho các hoạt động như học tập, làm việc nhà, giao tiếp xã hội và chơi trò chơi.
Và theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Child Indicators Research, trẻ thường sử dụng các thiết bị điện tử ở trường.
Ofcom cho biết cứ 4/5 đứa trẻ ở độ tuổi 5-15 có máy tính bảng vào năm 2015, so với chỉ 5% vào năm 2010.
Sở hữu điện thoại smartphone cũng tăng gấp đôi ở trẻ 8-11 tuổi, với gần 1/4 trẻ ở độ tuổi trên có điện thoại vào năm 2015.
Một nghiên cứu tại Mỹ tháng trước cho thấy tuổi teen dành 5 tiếng mỗi ngày cho smartphone và các thiết bị điện tử sẽ có nguy cơ bị trầm cảm tới 71%.
Theo Nhân Hà/Dân trí