Bác sĩ nhập thông tin bệnh án vào phần mềm; hệ thống “đọc” trên hàng triệu hồ sơ bệnh án, tài liệu… đưa ra phác đồ điều trị tối ưu.
IBM Watson for Oncology, công nghệ điện toán biết nhận thức hỗ trợ điều trị ung thư dựa trên bằng chứng, được thí điểm đầu tiên tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Trên thế giới, trung bình mỗi năm có khoảng 50.000 tài liệu nghiên cứu về ung thư được xuất bản. Tới năm 2020, dự báo cứ sau 73 ngày thì lượng thông tin y tế sẽ tăng gấp đôi, khiến con người khó có thể cập nhật kịp với khối lượng kiến thức mới về y khoa. Vì thế, công nghệ điện toán biết nhận thức hỗ trợ điều trị ung thư được kỳ vọng như giải pháp nhằm giúp bác sĩ dễ dàng cập nhật và tra cứu tài liệu về ung thư.
Phần mềm này cung cấp rất nhiều chứng cứ y khoa cho bác sĩ lựa chọn. Các chứng cứ này rút ra từ hơn 300 tạp chí y khoa, hơn 200 sách giáo khoa và gần 15 triệu trang bản thảo, nhằm cung cấp cái nhìn sâu hơn về các phác đồ điều trị khác nhau.
Bác sĩ Tuấn Anh, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) cho biết, ví dụ một bệnh nhân nữ 50 tuổi, bị ung thư đại tràng giai đoạn 2, đã phẫu thuật cắt đoạn đại tràng có khối u, chưa di căn hạch nhưng có tắc ruột… Trong trường hợp này bác sĩ sẽ cân nhắc bệnh nhân có cần điều trị hỗ trợ hóa trị sau phẫu thuật hay không; nếu điều trị thì dùng phác đồ nào, loại thuốc nào để tình trạng bệnh không nặng thêm, đảm bảo chức năng gan, thận.
Ứng dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo, bác sĩ sẽ nhập liệu tất cả thông tin liên quan đặc điểm bệnh nhân, tuổi, loại ung thư, đã điều trị ra sao, các xét nghiệm chức năng gan, thận… Hệ thống sẽ đưa ra gợi ý bệnh nhân có nên điều trị hóa trị sau mổ hay không.
Kết quả, hệ thống khuyến cáo bệnh nhân điều trị hóa trị bổ trợ với hai phác đồ, kèm theo các nguồn y văn chứng minh lựa chọn phác đồ nào, tiên lượng nếu sử dụng phác đồ này, tác dụng phụ của thuốc... Nếu sử dụng phác đồ này trong hai năm thì 77% bệnh nhân sống mà không có bệnh, dùng phác đồ ba năm thì tỷ lệ 71%...
“Kết quả hệ thống đưa ra cũng phù hợp về thực hành của bác sĩ và y văn”, bác sĩ Tuấn Anh cho biết.
Công nghệ này sẵn sàng hỗ trợ bác sĩ trong việc phát triển các phác đồ điều trị ung thư vú, phổi, đại trực tràng, cổ tử cung, buồng trứng, dạ dày, tuyến tiền liệt và bàng quang.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 78 trong 172 nước trên bản đồ ung thư thế giới. Tỷ lệ tử vong do ung thư là 110 người trên 100.000 dân. Số bệnh nhân ung thư cũng tăng từ 68.000 năm 2000 lên 190.000 vào năm 2020. Mỗi năm người Việt chi hơn 2 tỷ USD để ra nước ngoài chữa bệnh, chủ yếu là ung thư, sau đó tim mạch, thần kinh.
Các chuyên gia hy vọng với việc ứng dụng công nghệ hiện đại này, người bệnh sẽ tin tưởng hơn về phác đồ điều trị.
Phần mềm này chỉ hỗ trợ bác sĩ trong việc đưa ra phác đồ điều trị, không thay thế bác sĩ và không đưa ra chẩn đoán. Hệ thống đã được áp dụng tại 11 quốc gia và 80 bệnh viện trên thế giới.
Theo Nam Phương/VnExpress