Theo điều tra của Liên đoàn Bệnh viện Pháp, tình trạng chỉ định phẫu thuật và xét nghiệm diễn ra tràn lan. Bệnh viện tư có mức độ chỉ định mổ nhiều hơn bệnh viện công. Điều đó gây lãng phí 30-40 tỉ euro mỗi năm.
Phẫu thuật đặt đĩa đệm nhân tạo tốn kém và có nguy cơ cao - Ảnh: ortholecomte.be
Một bệnh nhân nữ ở tuổi ngũ tuần bị đau cột sống. Cho dù không cần thiết, bác sĩ vẫn chỉ định đặt đĩa đệm nhân tạo cho chị. Ca phẫu thuật không thành công, bây giờ bệnh nhân phải ngồi xe lăn và thường xuyên dùng thuốc giảm đau.
Bác sĩ phụ trách ca mổ đã bỏ bệnh viện công sang bệnh viện tư. Bác sĩ chỉnh hình Jérôme Allain phải giải quyết hậu quả của đồng nghiệp để lại. Ông nhận xét: "Đúng là tai tiếng. Tính mạng của bệnh nhân bị đe dọa. Chị ấy có thể bị liệt hai chi dưới và xuất huyết. Tôi không chắc bệnh nhân sẽ đi lại được".
Phẫu thuật quá nhiều và quá nhanh
Báo Journal du Dimanche (Pháp) ngày 25-11-2017 đã nêu ví dụ như trên khi công bố kết quả điều tra của Liên đoàn Bệnh viện Pháp (FHF). Theo điều tra, các bác sĩ phẫu thuật ở Pháp đã mổ quá nhiều và quá nhanh trong khi một số bác sĩ khác thoải mái chỉ định bệnh nhân đi chụp cộng hưởng từ (MRI) hay đi xét nghiệm máu.
Theo đơn đặt hàng của FHF, Công ty Héva chuyên tư vấn về xử lý dữ liệu y tế đã nghiên cứu dữ liệu bệnh viện từ Chương trình y học hóa mạng lưới thông tin (PMSI).
Công ty tập trung nghiên cứu năm loại hình phẫu thuật phổ biến nhất gồm sinh mổ, phẫu thuật bắt cầu động mạch vành, phẫu thuật cột sống, đặt stent mạch vành hay động mạch và phẫu thuật thay thủy tinh thể.
Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ chỉ định mổ chênh lệch với mức khác biệt ngoài mong đợi như lời chủ tịch FHF Frédéric Valletoux nhận xét cho dù các tỉnh có số bệnh nhân tương đương nhau.
Đầu tiên là mức độ chênh nhau giữa các vùng lãnh thổ. Trong lĩnh vực phẫu thuật cột sống vốn là loại hình phẫu thuật có nguy cơ cao và tốn kém, miền đông, tây nam và đông nam lại có số ca phẫu thuật thoát vị đĩa đệm nhiều hơn ở thủ đô hay sông Rhône.
Ba tỉnh Gironde, Dordogne và Pyrénées-Atlantiques đứng đầu các địa phương về chỉ định mổ đục thủy tinh thể.
" Bác sĩ phẫu thuật dạy tôi đã nói cần phải suy nghĩ kỹ trước khi yêu cầu điều trị. Nhưng một số đồng nghiệp của tôi cứ thích phẫu thuật!" GS Jérôme Allain
Bác sĩ ở Pháp chỉ định mổ quá thường xuyên - Ảnh: MaxPPP
Đáng ngạc nhiên là tại khu vực có thầy thuốc thực hành nhiều, số ca phẫu thuật lại ít hơn. Nguyên nhân do các bác sĩ đề nghị bệnh nhân đến các trung tâm phục hồi chức năng lưng và xử lý cơn đau hoặc yêu cầu bệnh nhân trị liệu bằng liệu pháp vận động chứ không phải lúc nào cũng chỉ định mổ.
Kế đến là mức độ chênh lệch giữa bệnh viện tư và bệnh viện công. Xác suất bác sĩ chỉ định phẫu thuật bắt cầu động mạch vành ở bệnh viện tư cao hơn bệnh viện công gấp 50 lần.
Đối với sinh mổ vốn dễ dẫn đến biến chứng, xác suất bác sĩ bệnh viện tư chỉ định mổ cao hơn bệnh viện công 20 lần.
Thật ra từ 10 năm qua, Liên đoàn Bệnh viện Pháp đã báo động tình trạng lạm dụng chỉ định phẫu thuật và xét nghiệm, đồng thời đã nhiều lần đề nghị các bác sĩ nên tăng cường ý thức về hoạt động khám, chữa bệnh thích đáng. Bộ Y tế Pháp cũng đã hứa sẽ cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh nhưng tình hình có vẻ không thay đổi nhiều.
Sức ép từ bệnh nhân và lợi nhuận
Công trình nghiên cứu của Công ty Héva không đào sâu tìm hiểu nguyên nhân vì sao mức độ chỉ định phẫu thuật lại cách biệt giữa các địa phương như vậy. Song theo báo Journal du Dimanche, nhiều bác sĩ thú nhận nhiều nguyên nhân như thiếu bác sĩ chuyên khoa tại một số địa bàn, bệnh nhân gây sức ép như muốn giảm đau lưng nhanh để quay trở lại làm việc, phụ nữ không thích sinh thường mà cứ đòi sinh mổ, một số bác sĩ muốn tăng thu nhập, bệnh viện muốn tăng nguồn thu trong khi ngân sách bị cắt giảm...
GS Israel Nisand ở Viện Trường đại học Strasbourg nhận định: "Ngày trước bệnh viện tư mới chỉ định phẫu thuật nhiều chứ bệnh viện công không có. Còn bây giờ, nếu bác sĩ phẫu thuật ở bệnh viện công không khai thác phòng mổ tối đa, các nữ y tá sẽ bỏ đi".
Một số bác sĩ thích chỉ định bệnh nhân chụp cộng hưởng từ (MRI) - Ảnh: Le Parisien
FHF còn đề nghị Công ty nghiên cứu độc lập Odoxa tổ chức thăm dò dư luận. Thăm dò được thực hiện trên Internet với 983 người dân đại diện, 442 bác sĩ và 134 giám đốc bệnh viện công.
Kết quả thăm dò cho thấy 90% bác sĩ được hỏi thú thật đã chỉ định mổ hay xét nghiệm không cần thiết, 88% thừa nhận đã đưa ra yêu cầu xét nghiệm và sau đó mới nhận ra dường như yêu cầu đó không cần thiết.
68% bác sĩ và 54% giám đốc bệnh viện giải thích phải chỉ định phẫu thuật vì sợ bị bệnh nhân kiện. 34% người dân và 35% bác sĩ đánh giá các chỉ định vô ích chiếm hơn 1/3 số chỉ định trong khám, chữa bệnh.
Về phía người dân, 77% cho rằng đấu tranh chống lạm dụng chỉ định trong y tế là một biện pháp hiệu quả để tiết kiệm. 78% khẳng định các nhà chính trị phụ trách y tế không quan tâm đầy đủ để giải quyết vấn đề lạm dụng chỉ định. 81% đề nghị cần có thêm chỉ định thứ hai để kiểm tra lại chỉ định ban đầu yêu cầu mổ đối với các loại hình phẫu thuật tốn kém và nguy hiểm.
Cơ quan bảo hiểm y tế ước tính mỗi năm nếu loại trừ các chỉ định lạm dụng có thể tiết kiệm được từ 30-40 tỉ euro.
Theo Hoàng Duy Long/Tuổi trẻ