70% bà mẹ Việt đang phải chịu nhiều áp lực từ các quan niệm phổ biến trong chăm sóc con cái. Theo TS. Huỳnh Văn Sơn, mỗi thế hệ có một sự hiểu biết khác nhau nên sự va đập là không thể tránh khỏi.
Trong buổi trò chuyện “Nuôi con kiểu… ai?” tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, chuyên gia tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Phó chủ tịch Hội Điều Dưỡng Việt Nam - Bà Tô Thị Điền, nhà báo Thu Hà và MC Đan Lê đã cùng bàn về các quan niệm truyền đời đang làm khó bà mẹ Việt:
1. Mồ hôi ngấm vào lưng bé gây viêm phổi
Theo bà Tô thị Điền, quan niệm này chỉ đúng với ngày xưa còn hiện nay, nhiều bà mẹ đã biết cách chăm sóc đúng. Đó là dùng vải thấm hút tốt lau ngay cho trẻ khi ra mồ hôi; không cho trẻ đang nhiều mồ hôi vào thẳng phòng điều hòa, ngồi trước quạt.
Bà cũng lưu ý nhiệt độ phòng ngủ của trẻ nên là khoảng 25 độ C trong căn phòng 18m2, trang phục ngủ có độ thấm hút tốt nhất để hạn chế ra mồ hôi, gây ướt.
2. Không nên tắm khi trẻ ốm
Theo bà Điền, việc hoàn toàn không tắm rửa cho trẻ khi ốm là không nên. Bởi cơ thể sạch sẽ là điều rất quan trọng khi trẻ bị ốm và việc không tắm rửa đến 2 tuần là điều hoàn toàn không tốt cho trẻ.
Do đó, cha mẹ cần phân biệt là trẻ ốm do cúm, sốt virut, tay chân miệng… để có quyết định vệ sinh thân thể phù hợp.
3. Chỉ có mẹ lười mới đóng tã 24/24
Theo nhà báo Thu Hà, chị lựa chọn: “Thà là bị hăm 1 chút, cái hăm trên da, để trẻ có thể vui chơi thoải mái, có 1 giấc ngủ thoải mái và hệ xương phát triển đầy đủ”.
Bởi nhiều người cho rằng các mẹ Việt giờ lười, thích đóng tã, bỉm trong khi chỉ cần si con mỗi 2 tiếng. Tuy nhiên, theo nhà báo Thu Hà, nếu buổi đêm mà cứ dậy như vậy thì cả mẹ và trẻ sẽ không trọn vẹn giấc ngủ, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Đồng tình với quan điểm này, MC Đan Lê cho rằng cả nhà sẽ phải dậy vì lục sục thay cái nọ, đổi cái kia do trẻ bĩnh ra giường.
4. Đóng tã quá lâu sẽ gây hăm tã
Bà Điền cho biết, các chất trong nước tiểu, phân có thể gây kích ứng da nhưng nếu vệ sinh sạch và lau thật khô, thay tã đúng thời điểm, dùng tã đúng loại thì chắc chắn sẽ không bị hăm tã.
Về quan niệm dùng phấn rôm hay kem dưỡng da, bà Điền nhấn mạnh: “Dùng loại gì thì phải tìm hiểu rất kỹ. Việc lạm dụng cũng sẽ không tốt”.
Ví dụ bôi phấn rôm xong phải lau sạch đi vì nó chỉ có tác dụng là làm khô da. Kem dưỡng có tác dụng khô nhanh hơn nhưng phải tìm hiểu kỹ độ kiềm, độ cồn… bao nhiêu.
5. Nắn chân để trẻ không vòng kiềng
Bà Điền cho biết từng nghĩ là dùng tã rộng sẽ bị vòng kiềng và nắn bóp sẽ giúp tránh vòng kiềng. Tuy nhiên, kinh nghiệm cá nhân của bà chăm con cho thấy đứa con đầu chăm nắn bóp với đứa sau không nắn bóp không khác gì nhau.
Khoa học cũng không khuyến cáo nắn bóp chân cho trẻ bởi có thể gây ra những sang chấn khác.
Theo Trần Phương/Dân trí