Ngủ đủ thời gian từ 7-9 giờ mỗi ngày giúp cơ thể nhanh chóng tái tạo năng lượng hoạt động và phục hồi sức khỏe từ những tổn thương gây ra do tiếp xúc với các chất độc môi trường.
Ngủ đủ thời gian từ 7-9 giờ mỗi ngày giúp cơ thể nhanh chóng tái tạo năng lượng hoạt động và phục hồi sức khỏe từ những tổn thương gây ra do tiếp xúc với các chất độc môi trường, tia UV và các tác nhân gây hại khác trong ngày.
(Ảnh minh họa)
Thiếu ngủ biểu hiện ở những quầng thâm quanh mắt, da khô xỉn và màu da không đồng đều... là các dấu chứng của lão hóa da tiến triển. Khi ngủ đủ, ngủ đúng không chỉ giúp chúng ta có một làn da đẹp mà còn sảng khoái về tinh thần và trẻ trung về thể chất.
Tầm quan trọng của giấc ngủ
Theo thống kê, mỗi người chúng ta dành ra khoảng 1/3 cuộc đời để ngủ. Ngủ là trạng thái không có ý thức tự nhiên, trong đó, hoạt động não không thấy rõ, ngoài việc tiếp tục duy trì các chức năng cơ thể căn bản như hô hấp, tuần hoàn...
Giấc ngủ là một trạng thái đồng bộ cao, tăng cường sự tăng trưởng và trẻ hóa của hệ thống miễn dịch, thần kinh, xương và hệ thống cơ bắp. Ngủ giúp cơ thể bổ sung năng lượng sau 1 ngày dài tiêu thụ.
Bên cạnh đó, ngủ cũng là thời gian cơ thể tự tái tạo và phục hồi. Hormone tăng trưởng cũng được tiết ra trong quá trình ngủ, đồng thời nó cũng có tác dụng kích thích tái tạo lại mô ở người trưởng thành. Xu thế càng ngày càng phát triển thêm vào đó áp lực công việc càng khiến cơ thể chúng ta hao tốn năng lượng hằng ngày rất lớn.
Ngủ quá ít không chỉ làm cơ thể mệt mỏi mà còn làm tăng hormone cortisol - loại hormone làm tăng tình trạng viêm do mụn và có thể khiến làn da hình thành nếp nhăn sớm, gây ra quầng thâm, bọng mắt, gây ra lão hóa da còn việc ngủ quá nhiều cũng trở nên nguy hiểm mắc phải các bệnh về tim mạch béo phì... Nhưng ngủ như thế nào để có lợi và làm giảm quá trình lão hóa cũng như tăng tuổi thọ.
Không ngủ quá nhiều
Khi ngủ quá nhiều sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch: Khi thức cơ thể chúng ta vận động, các cơ tim phải co bóp mạnh hơn, quá trình tuần hoàn máu của tim tăng nhanh. Lúc ngủ, nhịp tim và sự co bóp của cơ giảm xuống, làm giảm quá trình trao đổi máu đến tim, vì thế đó là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch.
7 giờ sáng là thời điểm thích hợp để bạn bắt đầu bữa sáng.
Ngủ nhiều làm tổn thương và gây ra các bệnh về hệ hô hấp: Khi bạn ngủ quá giấc vào buổi sáng, trong khi đó buổi sáng trong phòng khá ô nhiễm, chứa nhiều vi khuẩn và khí Co2 nên rất dễ làm tổn thương và gây ra các bệnh về hô hấp như viêm họng, ho, cảm cúm… Ngoài ra, ngủ nhiều khiến cơ thể bạn trì trệ, ít hoạt động và ít có sự trao đổi chất, nên phổi cũng “lười” làm việc hơn sẽ dẫn đến bất lợi cho đường hô hấp.
Ngủ nhiều khiến bạn mất tập trung, làm việc kém hiệu quả, làm suy giảm trí nhớ: Vì ngủ quá nhiều cơ thể tiêu hao khá nhiều oxy, tổ chức não tạm thời thiếu dinh dưỡng, cơ thể sẽ mất cân bằng hormone sẽ gây ra cảm giác mệt mỏi, mơ màng, nặng đầu và thiếu sức sống, khó tập trung. Cơ thể uể oải do ngủ muộn vào buổi sáng khiến cho cơ bắp không được thư giãn, lưu thông máu, chân tay bạn cũng vì thế bị tê mỏi, cơ thể ê ẩm, khó chịu.
Ngủ nhiều tạo ra cảm giác chán ăn: Uể oải mệt mỏi, đau đầu chính là nguyên nhân chính dẫn đến cảm giác chán ăn.
Thừa căn béo phì khi ngủ quá nhiều: Khi bạn nạp năng lượng vào cơ thể bằng thức ăn và các chất dinh dưỡng nhưng bạn lại không sử dụng nó để hoạt động thì kết quả là năng lượng và các chất dinh dưỡng ấy sẽ tích tụ thành lượng mỡ thừa trong cơ thể ngày một nhiều gây nên tình trạng thừa cân, béo phì.
Tăng nguy cơ tiểu đường: Ngủ quá nhiều hoặc không đủ mỗi đêm có thể làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường do sự rối loạn chuyển hóa insulin trong cơ thể.
Bất lợi khi ngủ quá ít
Ngủ ít sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến làn da của bạn. Thiếu ngủ khiến cơ thể không sản sinh ra hormone sinh trưởng mà lần lượt tạo ra cortisol, một loại hormon căng thẳng được tìm thấy, có thể phá vỡ nhiều collagen trong cơ thể.
Giảm trí nhớ: Thiếu ngủ là nguyên nhân dẫn tới suy giảm hoạt động của não bộ,khiến một loại protein làm mất trí nhớ tích tụ dần trong não. Nồng độ cao của protein beta-amyloid này sẽ làm rối loạn giấc ngủ, tạo nên một quy trình độc hại dẫn đến kết quả là bệnh Alzheimer, suy giảm trí nhớ.
Các bệnh về tim mạch: Khi thiếu ngủ hệ thần kinh giao cảm hoạt động nhiều hơn, mạch máu co lại, huyết áp tăng, tạo áp lực thêm cho trái tim. Hơn nữa, khi ngủ ít, cơ thể cần nhiều insulin hơn để duy trì mức độ đường huyết bình thường, do đó có tác động xấu tới mạch máu và tim.
Thừa cân béo phì: Khi bị thiếu ngủ, mất ngủ sẽ khiến cho cơ thể luôn ở trong tình trạng mệt mỏi, căng thẳng dẫn đến các cơ quan trong cơ thể kém hoạt động và lượng kalo không thể tiêu hao, mỡ thừa tích tụ, nhiều người khi thức đêm, khó ngủ ít vận động lại có thói quen ăn vặt nhiều dẫn đến bị thừa cân, béo phì.
Các bệnh tiểu đường: Thiếu ngủ sẽ làm mất cân bằng insulin do cơ thể cần nhiều để duy trì lượng đường huyết. Insulin là dây dẫn của glucose đến các cấu trúc tế bào có ảnh hưởng trực tiếp tới bệnh tiểu đường. Ngoài ra, khi bị thiếu ngủ sẽ dẫn đến viêm cứng lòng mạch máu vì gia tăng hormon gây stress dẫn đến các nguy cơ dẫn tới bệnh tiểu đường.
Tư thế ngủ thế nào là tốt?
Mỗi một người có một tư thế ngủ khác nhau. Nhưng nằm nghiêng về bên trái là tư thế được khuyên rằng có lợi nhất cho sức khỏe.
Đối với hệ thống tiêu hóa: Vì dạ dày và tuyến tụy của chúng ta nằm phía bên trái của vùng bụng, khi chúng ta nằm nghiêng bên trái làm cho dạ dày và tuyến tụy được giữ ở vị trí tự nhiên. Chỉ cần 10 phút nằm nghiêng trái sau khi ăn là đã giúp thực phẩm di chuyển qua dạ dày dễ dàng, giúp tiêu hóa thực phẩm hiệu quả.
Đối về hệ hô hấp và cột sống: Ngủ trong tư thế nghiêng trái nội tạng chúng ta sẽ giữ ở vị trí tự nhiên giúp cho bụng, cổ và lưng của bạn thẳng hàng, sẽ cung cấp không khí cho phổi của bạn một cách tốt nhất. Trong khi đó nằm nghiêng sẽ làm giảm trọng lực lên phần lưng và hông, hạn chế những tác hại cho cột sống.
Tốt cho hệ bạch huyết: Hệ bạch huyết có chức năng là chống lại mầm bệnh, các dị vật và các tế bào biến dạng (ung thư). Ngoài nhiệm vụ bảo vệ cơ thể, nó cũng là một phần của hệ tuần hoàn có nhiệm vụ cân bằng thể dịch. Nằm nghiêng bên trái giúp hệ thống bạch huyết loại bỏ độc tố. Điều này sẽ ngăn chặn các bệnh nghiêm trọng do độc tố tích lũy trong cơ thể của bạn đã bị thải ra.
Ngủ và thức vào thời gian nào?
21:00 - 23:00: Đây là thời gian hệ miễn dịch (bạch cầu lympho) thải độc, do vậy cần thả lỏng cơ thể và tinh thần, tránh làm việc căng thẳng… để giúp hệ bạch huyết làm tốt nhiệm vụ của mình. Bạn có thể kết hợp vài động tác massage đầu và cổ, sau đó là đi ngủ trong khoảng thời gian này để cơ thể nhanh phục hồi sức khỏe sau một ngày làm việc căng thẳng.
7:00 - 9:00: Đây là thời điểm ruột non hấp thụ chất dinh dưỡng nhiều nhất, nên chính là thời điểm lý tưởng cho bữa ăn sáng, cung cấp năng lượng cho cơ thể. Bạn nên thức dậy vào lúc 6 giờ sáng để vệ sinh cá nhân, vận động cơ thể để kịp ăn sáng vào lúc 7 giờ và chuẩn bị năng lượng cho một ngày làm việc.
Ngủ bao nhiêu là đủ?
Mỗi người có thể trạng và lối sống khác nhau, nên không phải ai cũng cần được ngủ cùng lượng thời gian nhất định. Thực tế theo một cuộc điều tra, người ta phát hiện trẻ em từ 1-3 tuổi cần 14-16 giờ ngủ một ngày, từ 14-20 tuổi cần ngủ 8-9 tiếng/ngày và 20 tuổi trở lên chỉ cần 7-8 tiếng. Thực tế vẫn có rất nhiều người chỉ ngủ 5-6 tiếng mỗi ngày là đủ năng lượng cho hôm sau, trong khi có những người quen ngủ 8 tiếng/ngày chỉ cần ngủ ít hơn một chút là sẽ trở nên kiệt quệ gần như ngay lập tức.
Nhưng điều đó không có nghĩa bạn có quyền cắt giảm thời gian ngủ. Sự thật là dù những người ngủ ít không cảm thấy mệt mỏi, nhưng về lâu dài, họ sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, huyết áp, mạch máu và thậm chí, giảm tuổi thọ.
Người trưởng thành có thời gian ngủ thấp hơn 4 tiếng có tỷ lệ tử vong hơn 80% so với những ai ngủ trên 10 tiếng mỗi ngày. Tốt nhất đừng nên ngủ quá ít hoặc quá nhiều. Bạn không nhất thiết phải ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày, mà có thể là 7 tiếng hoặc 9 tiếng. Quan trọng sau khi thức dậy, bạn cảm thấy sảng khoái, thoải mái và không còn cảm giác thiếu ngủ, tức là bạn đã ngủ đủ giấc.
Thông thường, phải mất 15-20 phút để đi vào giấc ngủ. Nếu bạn ngủ ngay, tức đang thiếu ngủ một cách báo động. Còn nếu tới 1 giờ sau vẫn chưa ngủ được, có thể bạn đã ngủ quá nhiều trước đó hoặc bạn đang bị bệnh mất ngủ.
Nếu vô tình bị tỉnh giấc vào ban đêm, giấc ngủ không liên tục, dù cố gắng ngủ lại nhưng không được, có nghĩa giấc ngủ đã đủ. Thay vì cố gắng ngủ tiếp, hãy đứng dậy đi lại hoặc tập thể dục nhẹ nhàng. Điều này sẽ giúp sức khỏe được cải thiện đáng kể.
Theo Sức khoẻ đời sống