Mang giày cao gót không chỉ gây rộp da, chai chân, viêm tấy kẽ ngón chân cái mà còn ảnh hưởng đến hiệu suất công việc cũng như các vận động duy trì sức khỏe trong tương lai.
Theo chuyên gia về phẫu thuật bàn chân và mắt cá chân, Tiến sĩ (TS) Neal Blitz, thời trang luôn đi kèm với trả giá.
“Giày cao gót tôn vóc dáng của bạn nhưng lại không tốt cho bàn chân”, TS Blitz nói.
Bác sĩ (BS) này cho biết các khách hàng thường đến gặp ông trong tình trạng bàn chân đau đớn. Có những trường hợp, ông buộc phải chỉ định phẫu thuật. Và nguyên nhân chính là do mang giày cao gót quá thường xuyên.
“Nó khiến toàn bộ bàn chân của bạn luôn ở 1 vị trí bất thường", TS, Blitz giải thích.
Giày cao gót cũng chính là thủ phạm của tình trạng viêm tấy kẽ ngón chân cái. Chứng bệnh này là do ngón cái bị ép vào ngón bên cạnh, gây sưng viêm, tấy đỏ.
Một vấn đề khác thường gặp khi mang giày cao gót là khoằm ngón và thường gặp ở ngón thứ 2 do nó bị chạm vào mũi giày cao gót liên tục trong 1 thời gian dài.
“Mang giày cao gót cũng khiến phụ nữ khó làm việc hơn bởi bàn chân luôn chịu áp lực trong một thời gian quá dài”, TS Blitz nói.
Giày cao gót cũng dễ gây chấn thương mắt cá chân, đặc biệt khi phải đi nhiều ở những khu vực không bằng phẳng, khiến nạn nhân không thể tập thể dục trong nhiều tuần.
Thêm vào đó khi đi giày cao gót, cơ thể sẽ phải đổ về phía trước, khiến các cơ bị đau khi phải cố gắng để cân bằng cơ thể.
Và giày cao gót cũng góp phần gây đau thắt lưng.
Vậy khi xuất hiện các vết bầm tím, đau nhức sau khi đi giày cao gót, bạn nên làm gì?
BS Blitz sẽ hướng dẫn bạn cách chăm sóc chân nhưng ông cũng cảnh báo nếu không có kết quả cần đi khám bác sĩ chuyên khoa và đôi khi phẫu thuật sẽ giúp giải quyết vấn đề một cách bền vững.
Điều đầu tiên BS Blitz khuyên là nên thư giãn chân. Một trong những cách dễ dàng là dùng 1 quả bóng tennis để mát xa lòng bàn chân.
Một cách khác là ngâm chân vào nước muối để giảm đau.
Nên chà chai chân ngay khi nó xuất hiện sẽ giúp giảm các đau nhức sau này khi chai chân phát triển to ra và dày lên.
Theo Dân trí