Theo CDC, mỗi năm có hơn 41.000 người Mỹ chết do tự tử, để lại hàng ngàn bạn bè và người thân trong gia đình phải gánh chịu nỗi đau mất mát. Tự tử là nguyên nhân đứng thứ 10 gây tử vong ở người trưởng thành tại Mỹ và là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trong số những người từ 10-24 tuổi.
Ý tưởng và hành vi tự sát vừa hại vừa nguy hiểm và do đó được xem là một cấp cứu tâm thần. Bất kỳ ai có ý tưởng này đều cần tìm sự hỗ trợ ngay lập tức từ các chuyên gia y tế hoặc chăm sóc sức khoẻ tâm thần. Việc có ý tưởng tự tử không có nghĩa là người đó yếu đuối hoặc có khuyết điểm.
Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo
• Những lời đe dọa hoặc bình luận về việc về tự giết mình, còn được gọi là ý tưởng tự sát, có thể bắt đầu với những suy nghĩ dường như vô hại như "Ước gì mình không ở đây" nhưng có thể trở nên rõ ràng hơn và nguy hiểm hơn
• Tăng sử dụng rượu và ma túy
• Hành vi gây hấn
• Xa lánh bạn bè, gia đình và cộng đồng
• Tâm trạng biến động mạnh mẽ
• Nói, viết hoặc nghĩ về cái chết
• Hành vi bốc đồng hoặc liều lĩnh
Dấu hiệu nguy hiểm sắp xảy ra?
Bất kỳ người nào biểu hiện những hành vi sau đều cần được quan tâm ngay lập tức:
• Sắp xếp mọi việc và phân phát tài sản của mình
• Nói lời chia tay với bạn bè và gia đình
• Tâm trạng chuyển từ thất vọng sang bình tĩnh
• Lập kế hoạch, có thể bằng cách tìm mua, ăn trộm hoặc mượn các công cụ cần thiết để hoàn thành việc tự tử, như súng hoặc thuốc.
Nếu không chắc chắn, bác sĩ tâm thần có thể giúp đánh giá nguy cơ.
Các yếu tố nguy cơ tự tử
Nghiên cứu cho thấy khoảng 90% số người chết do tự tử có bệnh tâm thần. Một số yếu tố khác có thể dẫn đến nguy cơ tự sát, bao gồm:
• Tiền sử gia đình có người tự tử.
• Lạm dụng chất gây nghiện. Ma túy và rượu có thể dẫn đến những bất ổn về tinh thần làm trầm trọng thêm ý tưởng tự tử.
• Say rượu. Hơn một phần ba số người chết vì tự tử được tìm thấy là tự tử khi đang trong cơn say.
• Dễ tiếp cận với công cụ tự tử.
• Mắc bệnh nghiêm trọng hoặc mạn tính.
• Giới tính. Mặc dù nhiều phụ nữ tự tử hơn nam giới, nhưng nam giới có nguy cơ chết khi tự tử nhiều gấp 4 lần.
• Tiền sử bị chấn thương hoặc lạm dụng.
• Stress kéo dài.
• Bị cô lập.
• Tuổi. Người dưới 24 tuổi hoặc trên 65 tuổi có nguy cơ tự tử cao hơn.
• Bi kịch hoặc mất mát mới xảy ra.
• Kích động và thiếu ngủ.
Có thể ngăn ngừa ý tưởng tự tử không?
Các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ tâm thần được đào tạo để giúp một người hiểu được cảm xúc của họ và có thể cải thiện sức khoẻ tinh thần và khả năng phục hồi. Tùy theo việc đào tạo họ có thể cung cấp những cách hữu hiệu để giúp đỡ.
Liệu pháp tâm lý như liệu pháp hành vi nhận thức và liệu pháp hành vi biện chứng, có thể giúp một người có ý tưởng tự tử nhận ra những kiểu tư duy và hành vi không lành mạnh, xác định những cảm xúc “lệch lạc” và học hỏi các kỹ năng đối phó.
Thuốc có thể được sử dụng nếu cần thiết để điều trị trầm cảm và lo âu và có thể làm giảm nguy cơ người bệnh tự gây tổn thương cho chính họ. Tùy thuộc vào chẩn đoán sức khoẻ tâm thần của người bệnh, các loại thuốc khác có thể được sử dụng để làm giảm triệu chứng.
Theo Cẩm Tú/Dân trí