Việt Nam mới thực hiện sàng lọc sơ sinh rộng rãi hai bệnh là suy giáp trạng bẩm sinh và thiếu men G6PD, thấp hơn nhiều so với một số quốc gia trên thế giới. Đến nay, cũng mới có 40% trẻ em được sàng lọc sau sinh.
Lấy máu gót chân trẻ sơ sinh để sàng lọc. (Ảnh minh họa)
Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh giai đoạn 2017-2020 hiện đang được xây dựng với mục tiêu sàng lọc cho các sản phụ và trẻ sơ sinh tại các tỉnh/thành trên cả nước. Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh mang tính nhân văn bởi qua Đề án giúp phát hiện được nhiều trường hợp dị tật như hội chứng down, thiếu men G6PD, suy giáp trạng bẩm sinh… góp phần giảm thiểu trẻ bị dị tật bẩm sinh, nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc mới đạt 20% và tỷ lệ trẻ em sơ sinh được sàng lọc đạt 40%.
Theo Thạc sĩ Đỗ Thị Quỳnh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và Chất lượng dân số, hiện nay, chương trình sàng lọc tại Việt Nam mới chỉ triển khai rộng rãi hai bệnh là suy giáp trạng bẩm sinh và thiếu men G6PD. Tại Bệnh viện Nhi T.Ư sàng lọc thêm bệnh tim, khiếm thính, rối loạn chuyển hóa. Một số đơn vị triển khai thực hiện một số bệnh khác như sàng lọc bệnh tim bẩm sinh, bệnh khiếm thính bẩm sinh, PKU, Galactose máu...
“Hiện nay, một số quốc gia trên thế giới đã triển khai sàng lọc từ 30-50 bệnh. Việt Nam mới chỉ có sàng lọc rộng rãi hai bệnh, còn rất hạn chế trong việc mở rộng các bệnh được tiến hành sàng lọc trước sinh và sơ sinh” - bà Hương nói.
Tuy nhiên, cũng theo bà Hương, công việc sàng lọc tại Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn như năng lực đội ngũ bác sĩ, nhất là bác sĩ ở các tuyến dưới chưa cao. Một số nơi cán bộ kỹ thuật đã được tập huấn nhưng chưa tham gia thực hiện công tác sàng lọc. Một số địa phương không có đủ số trẻ để thực hiện sàng lọc sơ sinh miễn phí. Việc không có giấy thấm máu chậm nên cũng khó khăn cho các đơn vị trong việc thực hiện chỉ tiêu đề ra.
Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu y tế dân số giai đoạn 2016-2020, mục tiêu đến năm 2020, sẽ nâng tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh lên 50%; tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh lên 80%. Thêm ít nhất một mặt bệnh (nguy hiểm, có tỷ lệ mắc cao) được đưa vào danh mục bệnh được sàng lọc trong chương trình.
Ông Đặng Văn Nghị, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính cho biết, trong mấy năm gần đây, mức sinh đã tăng lên đáng kể trên phạm vi cả nước. Hiện nay, mức sinh tăng lên, song vẫn dao động xung quanh mức sinh thay thế. Mức sinh tại các tỉnh trung du miền núi phía bắc, Bắc Trung bộ và duyên hải miền trung, Tây Nguyên vẫn còn khá cao so với mặt bằng chung của cả nước. Hai khu vực miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long đã thấp hơn mức sinh thay thế. Đặc biệt là khu vực miền Đông Nam Bộ, mức sinh đã thấp nhiều so với mức sinh thay thế.
Theo số liệu báo cáo của 63 tỉnh/thành, tổng số trẻ em sinh ra 6 tháng đầu năm 2017 tăng so với cùng kỳ năm 2016 là 7.167 trẻ, tăng 1,5%. Trong đó, số trẻ nam tăng 3.809 trẻ, tăng 2,1%. Tỷ lệ giới tính khi sinh tại thời điểm tháng 6-2017 là 113,4 trẻ trai/100 trẻ gái.
Vì thế, mục tiêu mà Việt Nam đặt ra đến năm 2020 là sẽ khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh. Theo đó, tỷ số giới tính khi sinh không quá 115 trẻ trai/100 trẻ gái. Quy mô dân số không vượt quá 98 triệu người; tỷ lệ phát triển dân số khoảng 1%/năm và tổng tỷ suất sinh (số con trung bình/một phụ nữ 15-49) là 2,1 con.
Theo Nhân dân