Đã có rất nhiều tai nạn do sử dụng bếp cồn trong các đám tiệc, quán ăn... khiến nhiều người bỏng nặng trên 50%.
Bếp cồn là phương tiện dễ lựa chọn và được đánh giá là tiện lợi nhất thời điểm hiện tại cho các bữa tiệc lớn, bữa ăn gia đình hay các chuyến du lịch mini, picnic. Thế nhưng ngoài vẻ tiện lợi có được, việc sử dụng bếp cồn lại tiềm ẩn khá nhiều nguy hiểm cho người dùng.
Nướng mực, nướng luôn cả người
Vẫn chưa hết bàng hoàng với cơ thể băng trắng toàn bộ vì vết bỏng, bệnh nhân HTM (31 tuổi), nằm tại BV quận Thủ Đức ngậm ngùi kể lại: “Tôi đi ăn cưới đứa bạn thân gần nhà. Phụ bạn đến lúc tàn tiệc, mọi người về thì mấy anh em thân thiết ngồi lại lai rai với nhau. Lúc đó ăn xong món lẩu cuối cùng, mẹ bạn tôi có đem ra mấy con mực. Sẵn có bếp cồn đó thì tôi đốt nướng luôn cho tiện, hồi giờ vẫn làm thế nên có lo lắng gì đâu” - anh M. kể.
Theo anh M., vì lúc đó bếp gần hết cồn, anh vẫn đang nướng mực nên bạn anh có đổ thêm cồn vào bếp. “Thằng bạn vừa đổ vào là lửa phụt lên, lan theo con mực cháy cả người tôi, tôi sợ quá ngất đi rồi được đưa vào đây với cơ thể bỏng nặng hơn 50%, diện tích bỏng chiếm 15% ở mặt, bụng và tay. Bác sĩ nói tay bị nặng nhất vì có vết bỏng sâu, phải điều trị lâu dài. Từ hôm vô bệnh viện tới nay gần hai tuần rồi vẫn chưa đỡ hơn chút nào” - anh M. nói tiếp.
Không riêng gì anh M., tình trạng bỏng cồn ghi nhận tại các bệnh viện chuyên khoa bỏng đã quen thuộc với các bác sĩ, dù nhiều lần cảnh báo nhưng không có tác dụng.
Lục lại hồ sơ bỏng cồn, BS Đinh Thanh Thức, BV Nguyễn Tri Phương, cho biết khoảng năm năm trở lại đây, tình trạng người dân sử dụng cồn để nướng thức ăn đã đến mức báo động. Nguy hiểm hơn là hành động này đã gây hậu quả mỗi lúc một nghiêm trọng hơn trước.
Trong số các bệnh nhân bị bỏng cồn nhập viện thì có đến 80% bệnh nhân gặp nạn vì dùng bếp cồn để nướng mực, cá chỉ vàng…
Một số nạn nhân vụ bỏng cồn ở đám cưới đang được điều trị tại BV đa khoa Trung ương TP Cần Thơ. Ảnh: CT
Theo BS Thức, bệnh nhân hy hữu nhất mà gần đây bệnh viện tiếp nhận là bé gái chưa đầy 10 tuổi. Gia đình bé thường xuyên nướng mực bằng bếp cồn cho các con ăn. Hôm đó bố mẹ đi vắng, cô bé ở nhà với bà nội. Hai bà cháu dùng bếp cồn để nướng cá thì không may bị lửa cháy loang ra người, cháy cả khu vực bếp.
“Bệnh nhân này nhập BV Nguyễn Tri Phương trong tình trạng hôn mê nghi do hít quá nhiều methanol độc. Ngoài ra, tay, mặt và cổ bỏng rất nặng, toàn thân không có chỗ nào là không tổn thương. Sau khi được sơ cứu ban đầu, bé gái được chuyển qua khoa Phỏng BV Nhi đồng 1 tiếp tục điều trị” - BS Thức cho biết.
Có thể ngộ độc khí
Theo các bác sĩ chuyên khoa bỏng, thói quen sử dụng cồn để nướng thức ăn hay thói quen nấu nướng, châm cồn tùy tiện vào bếp của người dân hiện nay là nguyên nhân bắt nguồn dẫn đến nhiều tai nạn hy hữu. Điều đặc biệt là bệnh nhân bỏng cồn vào bệnh viện không ngoại trừ lứa tuổi nào, điều này chứng tỏ người dân chúng ta còn quá chủ quan và xem nhẹ mức độ nguy hiểm của cồn.
Theo BS Đinh Thanh Thức, do đặc thù của lửa cồn có màu trắng nên khi sử dụng hầu như mọi người không để ý kỹ sẽ tưởng nhầm lửa đã tắt, đã hết cồn nên cứ hồn nhiên thêm cồn vào. Cồn khô vứt vào đã nguy hiểm, cồn nước còn tai họa hơn, đổ vào không cẩn thận sẽ có nguy cơ bỏng cho người khác rất lớn.
“Không ít nạn nhân bị bỏng toàn thân vì sơ ý với bếp cồn. Thế nhưng ngoài bỏng, cồn còn có thể gây ra các tai nạn khác từ hơi độc của methanol. Khi hơi này bị hấp thụ qua đường hô hấp sẽ gây cho người hít bị nhức đầu, cay mắt. Trường hợp nặng có thể ảnh hưởng thị lực, thần kinh…” - BS Thức nói.
Để tránh các trường hợp bỏng do bếp cồn, các bác sĩ khuyến cáo khi sử dụng bếp cồn người dân cần chú ý để bếp tắt hẳn rồi mới thêm cồn mới, nhất là với cồn nước. Khi mồi lửa lại nên sử dụng vật gián tiếp như giấy, que diêm… chứ không nên dùng bật lửa quẹt trực tiếp vì dễ gây bỏng. Ngoài ra, khi mua bếp cồn cũng cần mua loại bếp có chất lượng tốt, chắc chắn.
Khách ăn cưới bị bỏng nặng vì bếp cồn
Trưa 28/8, ông TVU (52 tuổi) ăn đám cưới tại xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Gần cuối buổi tiệc, bếp nấu lẩu trên bàn ông U. tàn lửa nên mọi người yêu cầu châm thêm cồn.
Nhân viên phục vụ mang can cồn nước tới bàn, rót ra chén rồi đổ vào bếp nấu lẩu vẫn còn cháy leo lét. Lửa bùng lên dữ dội, anh này hoảng hốt quăng can cồn làm lửa cháy lan khắp ba bàn xung quanh, gây bỏng cho khách.
Khi lửa được dập tắt, ông U. và 10 nạn nhân được đưa đến BV đa khoa Trung ương Cần Thơ. Ông U. bị bỏng nặng trên 50% kèm chấn thương bụng nên được chuyển lên TP.HCM điều trị.
Trong số những người bị bỏng cồn có hai nạn nhân bị nhẹ đã xuất viện, có đến bảy người bị bỏng 17%-42% đang tiếp tục điều trị. Di chứng của bỏng cồn để lại rất nặng nề.
Khi bị bỏng cồn cần làm gì?
Theo BS Đinh Thanh Thức, BV Nguyễn Tri Phương, khi bị bỏng cồn mọi người nên nhanh chóng thoát khỏi các tác nhân gây bỏng như quần áo, giày dép. Ngâm mình vào nước lạnh nhanh nhất có thể. Dùng băng gạc băng chỗ bỏng và nhanh chóng chuyển đến cơ sở điều trị chuyên khoa gần nhất để sơ cứu, tránh dị tật về sau.
Để tránh nhiễm khuẩn tuyệt đối không thoa bất cứ thứ gì lên vùng bỏng vì sẽ làm tăng tình trạng sốc, khả năng nhiễm khuẩn vết thương của bệnh nhân. Không làm vỡ các đám da phỏng nước.
Theo Hải Âu/Pháp luật TPHCM