Từ ngày 1-1-2025, một số quy định mới của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung bắt đầu có hiệu lực. Trong đó một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo… sẽ không cần giấy chuyển viện.
Một số quy định về bảo hiểm y tế có hiệu lực từ 1-1-2025 có lợi cho người bệnh - Ảnh: NAM TRẦN
Người bệnh hiếm, hiểm nghèo… không cần giấy chuyển viện
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) vừa được Quốc hội thông qua có 8 điểm mới, trong đó quy định mức BHYT khi thực hiện thông cấp khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo hướng không phân biệt địa giới hành chính, giữ ổn định tỉ lệ mức hưởng BHYT theo quy định của luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp.
Người tham gia BHYT được hưởng 100% mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cấp ban đầu trong toàn quốc. 100% mức hưởng khi đi khám bệnh, chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cấp cơ bản trong toàn quốc.
100% mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cấp cơ bản, cấp chuyên sâu mà trước ngày 1-1-2025 đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là tuyến huyện.
Đặc biệt trong một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... người bệnh được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.
Người bệnh đã được chẩn đoán xác định mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao nằm trong danh mục của Bộ Y tế ban hành có thể đến thẳng trực tiếp cấp chuyên sâu, không cần xin giấy chuyển viện như hiện nay.
Tuy nhiên hiện nay danh mục cụ thể các bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển viện Bộ Y tế đang xây dựng. Bên cạnh đó Bộ Y tế đang thực hiện tích hợp giấy chuyển tuyến trên điện tử để giảm thủ tục hành chính cho người bệnh.
Người bệnh mua thuốc ngoài sẽ được hoàn trả tiền
Một trong những quy định bắt đầu có hiệu lực từ 1-1-2025 đáng chú ý là chi trả trực tiếp chi phí thuốc, vật tư cho người bệnh trong trường hợp cơ sở y tế thiếu thuốc, vật tư.
Trường hợp bác sĩ kê đơn thuốc, vật tư nằm trong danh mục bảo hiểm nhưng thời điểm đó bệnh viện không có thuốc, bệnh nhân phải mua thuốc ngoài thì bảo hiểm xã hội sẽ hoàn tiền lại cho bệnh nhân.
Tuy nhiên để được chi trả trực tiếp phải đáp ứng các quy định như tại thời điểm kê thuốc, chỉ định sử dụng thiết bị y tế mà không có thuốc, thiết bị y tế đấu thầu, mua sắm không lựa chọn được nhà thầu; cơ sở y tế không có thuốc thay thế; không chuyển người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh khác khi tình trạng sức khỏe của người bệnh không đủ điều kiện để chuyển tuyến…
Theo đó cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ thanh toán trực tiếp cho người bệnh theo số lượng và đơn giá được ghi trên hóa đơn do người bệnh mua tại cơ sở kinh doanh dược.
Để được chi trả, người dân cần chuẩn bị hồ sơ, thủ tục thanh toán trực tiếp gồm các giấy tờ là bản chụp (kèm theo bản gốc để đối chiếu) gồm: thẻ BHYT, giấy chứng minh nhân thân; giấy ra viện, phiếu khám bệnh hoặc sổ khám bệnh; hóa đơn và các chứng từ có liên quan.
Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, thanh toán trực tiếp cho người bệnh bằng với chi phí đã mua trong vòng 40 ngày. Trường hợp không thanh toán phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Không phân chia danh mục thuốc theo hạng bệnh viện
Từ ngày 1-1-2025, Bộ Y tế cũng bãi bỏ các cột phân hạng bệnh viện sử dụng thuốc; ghi chú về quy định tỉ lệ thanh toán, điều kiện thanh toán của thuốc… Điều này có nghĩa là sẽ không phân chia danh mục thuốc được BHYT chi trả theo hạng bệnh viện.
Khi đó các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được sử dụng toàn bộ các thuốc trong danh mục, phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, không phân biệt hạng bệnh viện hay cấp chuyên môn kỹ thuật.
Các nội dung còn lại của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ 1-7-2025.
Theo Dương Liễu/ Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/kham-chua-benh-bhyt-tu-1-1-2025-nhieu-quy-dinh-moi-co-loi-cho-nguoi-benh-20241231112847793.htm