190
/
171481
Bảo hiểm trả tiền thuốc trực tiếp: Đẩy khó cho người bệnh?
bao-hiem-tra-tien-thuoc-truc-tiep-day-kho-cho-nguoi-benh
news

Bảo hiểm trả tiền thuốc trực tiếp: Đẩy khó cho người bệnh?

Thứ 6, 25/10/2024 | 10:00:00
2,052 lượt xem

Bộ Y tế vừa có thông tư quy định về chi trả trực tiếp bảo hiểm y tế (BHYT) nếu người dân tự mua thuốc, vật tư khi khám chữa bệnh bắt đầu từ năm 2025.

Bảo hiểm trả tiền thuốc trực tiếp: Đẩy khó cho người bệnh? - Ảnh 1.

Người dân mua thuốc tại nhà thuốc bệnh viện - Ảnh: NAM TRẦN

Để được thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT), người mua cần xuất trình với cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) đơn thuốc, vật tư y tế được bác sĩ chỉ định và hợp lệ làm căn cứ.

Những tưởng là lợi cho người bệnh, nhưng thực tế nhiều điều kiện chi trả, quy định hồ sơ khiến người dân băn khoăn liệu có thể thực hiện?

Có BHYT nhưng vẫn bỏ tiền túi ra mua

Do thiếu thuốc, vật tư tại cơ sở y tế và Bộ Y tế đã nhiều lần khẳng định "bệnh viện phải có trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư phục vụ khám chữa bệnh cho người dân", nhưng đến nay chưa có bệnh viện nào nhận trách nhiệm về vấn đề này. Người dân có BHYT nhưng quyền lợi khi khám chữa bệnh thì chưa đảm bảo.

Cách đây không lâu, bà Hoàn (60 tuổi, tỉnh Phú Thọ) phát hiện mắc u trung thất và được chỉ định mổ tại một bệnh viện ở Hà Nội.

Trước khi vào ca mổ, gia đình bà Hoàn được bác sĩ chia sẻ những khó khăn mà bệnh viện đang gặp phải trong mua sắm thuốc, vật tư và hướng dẫn gia đình mua ngoài một số loại thuốc, vật tư sử dụng trong ca mổ.

"Là người bệnh mong được điều trị sớm, khi bác sĩ đề nghị mua thì gia đình phải mua theo chứ đâu dám thắc mắc. Nếu không mua sẽ không được mổ, người bệnh không có sự lựa chọn. Chi phí mua thuốc, vật tư ngoài cho cuộc mổ cũng tốn 6-7 triệu đồng", bà Hoàn bộc bạch.

Còn ông N.V.G. (65 tuổi, tỉnh Tây Ninh) gặp biến chứng đái tháo đường đến tim, hằng tháng ông phải đón xe lên TP.HCM để tái khám và mua thuốc. Gần đây, khi thăm khám bác sĩ chẩn đoán có dấu hiệu bị suy thận, phải uống thuốc theo toa và phải mua ngoài.

Suốt nhiều tháng qua, mỗi tháng ông G. phải trả thêm 1-2 triệu đồng tiền thuốc. "Do lớn tuổi, phải chi trả thêm tiền viện phí mỗi tháng sẽ rất áp lực lên đời sống kinh tế gia đình", ông G. nói. Tiền thuốc, vật tư đáng ra người dân được hưởng từ việc tham gia BHYT thì lại phải tự bỏ tiền túi, lại mất thêm công sức đi mua.

Bảo hiểm trả nhưng làm sao ít phiền hà?

Mới đây Bộ Y tế ban hành thông tư 22 quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh. Thông tư được cho là một trong những giải pháp đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT khi bệnh viện thiếu thuốc.

Thông tư này cũng quy định rõ thuốc, vật tư được chi trả chỉ thuộc danh mục thuốc hiếm và thiết bị y tế loại C hoặc D... Nghĩa là không phải bệnh viện thiếu thuốc gì thì người bệnh được chi trả trực tiếp thuốc đó, không phải thuốc hiếm và vẫn thuộc danh mục BHYT chi trả, người bệnh vẫn phải tự mua.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về quy định này, bà Vũ Nữ Anh, phó vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho hay hiện nay danh mục thuốc hiếm bao gồm 442 hoạt chất, vắc xin/tổng số hơn 1.200 hoạt chất trong danh mục thuốc, sinh phẩm BHYT chi trả.

Bà Anh khẳng định việc người bệnh mua thuốc xong phải tự đến BHXH làm thủ tục nhận tiền không phải là chính sách ưu tiên trong tiếp cận thuốc và vật tư y tế. Đây chỉ là một giải pháp tình thế trong trường hợp thiếu thuốc do khách quan.

"Thông tư này chỉ hướng dẫn tập trung cho thuốc hiếm. Bộ Y tế đã xây dựng chính sách chi trả trực tiếp chặt chẽ và đề cao trách nhiệm mua sắm của bệnh viện là đảm bảo thuốc, vật tư điều trị", bà nói.

Bà Anh giải thích đối với thuốc, hoạt chất thông thường các bệnh viện có thể sử dụng hoạt chất thay thế. Quan trọng nhất là đảm bảo điều trị theo phác đồ, không đẩy người bệnh ra ngoài mua thuốc, vật tư. Riêng với thuốc hiếm, đây là những thuốc ít có khả năng cung ứng trên thị trường, ít có khả năng thay thế.

Trong trường hợp khách quan, bệnh viện không mua sắm được do nguồn cung, do đấu thầu phải chỉ định người bệnh ra ngoài mua thì bệnh nhân sẽ được chi trả trực tiếp. "Chính sách này không tạo điều kiện để cơ sở khám chữa bệnh kê đơn rộng rãi cho người bệnh ra ngoài mua" - bà nói.

Lãnh đạo Vụ BHYT nói khi người bệnh đến cơ sở chữa bệnh, bệnh viện phải đảm bảo thuốc điều trị, người bệnh không phải tự mua sắm là thuận lợi nhất. Bởi thực tế việc người bệnh phải tự đi mua thuốc, tự nộp hồ sơ chi trả sẽ gây phiền hà và khó khăn.

Nhiều bất cập, không khả thi

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện cơ quan BHXH địa phương cho biết thông tư 22 của Bộ Y tế quy định thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế cho người bệnh BHYT vừa ban hành là đảm bảo quyền lợi cho người bệnh có BHYT.

Đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế liên tục xảy ra tại nhiều bệnh viện trên cả nước do vướng khâu đấu thầu.

Nhưng vị này cũng bình luận yêu cầu để được thanh toán chưa hợp lý, còn nhiều bất cập gây phiền hà cho người dân, không khả thi. "Người dân bỏ tiền ra để mua thuốc, vật tư y tế nhưng phải đến cơ quan BHXH để làm thủ tục thanh toán rất mất thời gian và công sức. BHXH phải thẩm định mới chi trả" - vị này nói.

Chưa kể điều kiện nếu bệnh viện có hoạt chất đó mà cho ra mua ngoài thì bệnh nhân không được chi trả. Hoặc có hoạt chất cùng loại nhưng tên khác mà bệnh viện cho mua ngoài thì bệnh nhân cũng không được chi trả. Người bệnh có mua giá đắt hơn thì cũng chỉ được trả theo giá thầu...

"Đâu phải bệnh nhân nào cũng có tiền, đâu phải người dân nào cũng có người thân để yêu cầu ra ngoài mua thuốc, rất nhiều bệnh nhân đơn thân. Chưa kể có thể phát sinh tiêu cực trục lợi quỹ BHYT", vị này cho hay.

Cũng theo vị này, nhân lực BHXH hiện nay còn hạn chế, khi thẩm định tổ chức chi trả cho người dân dẫn đến phình bộ máy vì phải giám định từng hồ sơ. Điển hình như lượng bệnh nhân các tỉnh đổ về TP.HCM, BHXH TP.HCM phải giám định hồ sơ bảo hiểm cho toàn quốc.

Bệnh viện không mua được phải trả tiền cho người bệnh?

Bảo hiểm trả tiền thuốc trực tiếp: Đẩy khó cho người bệnh? - Ảnh 2.

Người dân phải tự mua thuốc, vật tư bên ngoài khi bệnh viện thiếu thuốc, vật tư - Ảnh minh họa: DƯƠNG LIỄU

Bà Vũ Nữ Anh cho hay thời gian qua chính sách liên quan đến đấu thầu, mua sắm thuốc đã có rất nhiều văn bản gỡ vướng để bệnh viện mua sắm đúng quy định, đảm bảo thuốc và vật tư điều trị cho người bệnh.

"Việc thiếu thuốc do nguồn cung, do khách quan là rất hiếm, chỉ với một số rất ít loại thuốc, nguyên nhân thiếu phần lớn do chủ quan, bệnh viện dự trù đủ hoặc tổ chức đấu thầu chưa hợp lý. Thậm chí có những bệnh viện đáng lẽ phải dự thầu từ tháng 6 nhưng tháng 8 mới làm dẫn đến gián đoạn nguồn cung", bà Anh nói.

Đồng tình với quan điểm của Vụ BHYT, một bác sĩ đang công tác tại bệnh viện ở Hà Nội cũng cho rằng bệnh viện phải cố gắng đủ mọi cách để đủ thuốc, vật tư điều trị cho người bệnh.

"Người bệnh, gia đình họ biết mua ở đâu trong khi bệnh viện đấu thầu nửa năm mới được thuốc. Bên cạnh đó, bệnh nhân phải tạm ứng tiền, tìm nguồn có đủ hồ sơ, hóa đơn sau đó phải về cơ quan BHXH chi trả. Nếu trong trường hợp không được chi trả thì rất mất công, mất tiền. Đặc biệt, chất lượng thuốc cũng không đảm bảo", bác sĩ này nói.

Đại diện cơ quan BHXH địa phương cũng cho rằng tốt nhất nên để bệnh viện trực tiếp hoàn trả tiền thuốc và vật tư cho người bệnh BHYT, có thể thông qua chuyển nhượng thuốc giữa các bệnh viện chẳng hạn.

Vấn đề còn lại là BHYT và bệnh viện phải giải quyết thiếu thuốc do đấu thầu. "Đây chỉ là phương án giải quyết tạm thời, gốc rễ của vấn đề là bệnh viện phải đấu thầu, mua đủ thuốc và vật tư y tế theo đúng Luật Khám, chữa bệnh", vị này nói.

Để đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT phải tự mua thuốc và vật tư bên ngoài, bà Anh cho hay Luật BHYT sửa đổi đang đề xuất một giải pháp nữa là thanh toán trực tiếp cho cơ sở khám chữa bệnh.

Với quy định này, người bệnh không phải tự nộp hồ sơ cho BHXH nữa mà chỉ cần gửi hồ sơ mua thuốc và vật tư về bệnh viện, bệnh viện phải chi trả chi phí mà bệnh nhân phải tự mua. Nếu luật được thông qua, Bộ Y tế sẽ tiếp tục sửa đổi thông tư hướng dẫn.

Theo Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/bao-hiem-tra-tien-thuoc-truc-tiep-day-kho-cho-nguoi-benh-20241025075905811.htm 

  • Từ khóa

Bác sĩ nói gì về ăn cay và các cơn đau tim?

Cuộc tranh luận từ lâu về tác động của ăn cay đối với sức khỏe tim mạch vẫn tiếp diễn. Trong khi một số người tin rằng cách ăn này tốt cho tim, những...
16:56 - 21/11/2024
37 lượt xem

WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai do Nhật Bản bào chế

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm qua đã phê duyệt vaccine LC16m8 phòng bệnh đậu mùa khỉ của công ty dược phẩm KM Biologics (Nhật Bản) bào chế để sử dụng...
14:26 - 21/11/2024
101 lượt xem

'Hay nóng phừng mặt, tim đập nhanh vào buổi chiều', bác sĩ chỉ ra bệnh, cách phòng

Nhiều người ở độ tuổi trung niên thường có biểu hiện nóng phừng mặt, tim đập nhanh vào buổi chiều tối. Nếu không nhận biết và điều trị đúng bệnh, có thể...
13:13 - 21/11/2024
132 lượt xem

Đau đầu ở đâu nói lên điều gì?

Đau đầu là một tình trạng rất phổ biến mà hầu hết mọi người gặp phải nhiều lần trong đời. Các vị trí đau đầu khác nhau phản ánh tình trạng sức khỏe khác...
10:44 - 21/11/2024
209 lượt xem

Phát hiện 'thủ phạm' khiến mọi người khó giảm cân

Các nhà khoa học phát hiện mô mỡ có khả năng 'ghi nhớ' tình trạng béo phì trong quá khứ của một người và sẽ chống lại các nỗ lực giảm cân của người...
07:13 - 21/11/2024
266 lượt xem