190
/
169181
Sinh ra giới tính mơ hồ, kết hôn xong vẫn đi xác định giới tính
sinh-ra-gioi-tinh-mo-ho-ket-hon-xong-van-di-xac-dinh-gioi-tinh
news

Sinh ra giới tính mơ hồ, kết hôn xong vẫn đi xác định giới tính

Thứ 5, 05/09/2024 | 10:30:00
1,975 lượt xem

Khi ra đời, một số trẻ có giới tính mơ hồ, sau đó được ghi giới tính nhầm trong giấy khai sinh. Thế là không ít người sống đến gần nửa cuộc đời phải đi xác nhận lại giới tính.

Lấy vợ xong vẫn cần xác định giới tính - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Có người lấy vợ xong, vẫn cần xác định giới tính. Có người vừa có buồng trứng vừa có tinh hoàn.

Giới tính mơ hồ khi sinh ra

37 tuổi, hình thức bên ngoài bệnh nhân Q.N., ngụ ở Sóc Trăng, giống như một người đàn ông từ cách ăn mặc, đi đứng, giọng nói đến tính cách. Thế nhưng, từ nhỏ anh lại được xác nhận giới tính nữ, đặt tên con gái.

Khi ra đời, giới tính của bệnh nhân N. hơi mơ hồ. Bệnh viện nơi bệnh nhân chào đời làm giấy chứng sinh cho bệnh nhân với giới tính là nữ.

Tuy nhiên, khi lớn lên chừng 2-3 tuổi, bộ phận sinh dục của bệnh nhân lại phát triển theo hướng là nam.

Sau này các bác sĩ xác định bệnh nhân có nội tiết tố là nam. Do đó, toàn bộ bộ phận sinh dục ngoài của bệnh nhân dần biến đổi từ nữ sang nam. Âm vật to lên dần biến đổi thành dương vật.

Giọng nói, tính tình, cách suy nghĩ, ngoại hình của bệnh nhân như nam. Bệnh nhân cũng có định hướng tình dục của nam, thích và yêu các cô gái. Đến năm 31 tuổi, bệnh nhân có vợ nhưng không thể làm giấy kết hôn.

Từ nhiều trở ngại như không được chích vắc xin COVID (do CMND là nữ, nhân dạng là nam), không làm được giấy kết hôn và nhiều khó khăn khác, bệnh nhân mong muốn đi tìm lại giới tính thật cho chính mình.

Bệnh nhân tìm đến Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM với mong muốn được xác nhận lại giới tính. Bệnh nhân đã được làm nhiều xét nghiệm.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị bệnh lý tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, bệnh nhân có nhiễm sắc thể là nữ.

Theo các bác sĩ, do bệnh nhân có bệnh nhưng không được phát hiện, điều trị sớm nên đã thích nghi dần chuyển đổi thành một người nam. Chứ đúng ra, nếu được phát hiện, điều trị từ sớm có thể sẽ đưa bệnh nhân về một người nữ.

Hội đồng xác định giới tính Bệnh viện Nhi đồng 2 đã họp, đồng thời tham khảo ý kiến của các hội đồng khác như Hội đồng xác định giới tính khác Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Nhi trung ương, các chuyên gia từ Bệnh viện Bạch Mai cuối cùng đã thống nhất xác định cho bệnh nhân giới tính là nam.

Đây cũng là mong muốn của bệnh nhân và gia đình.

"Vừa là nữ vừa là nam"

Một bệnh nhân khác 37 tuổi, ngụ ở Tiền Giang, cũng tìm đến Bệnh viện Nhi đồng 2 với mong muốn được xác định lại giới tính.

Theo lời bệnh nhân kể, khi sinh ra bộ phận sinh dục của bệnh nhân có một phần giống nữ. Giấy chứng sinh, giấy khai sinh đều có giới tính là nữ.

Nhưng quá trình lớn lên, hình thể ngoài của bệnh nhân lại giống nam. Trước khi đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để xác nhận giới tính, bệnh nhân đã đến một bệnh viện, lấy tên họ khác, đăng ký mổ dịch vụ để được phẫu thuật chuyển đổi thành bộ phận sinh dục của nam.

Các bác sĩ tại bệnh viện này đã phẫu thuật tạo hình đóng lại lỗ tiểu thấp cho bệnh nhân. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh nhân được xác định giới tính: vừa là nữ vừa là nam. Bộ nhiễm sắc thể là nữ, tuyến sinh dục lại có cả mô tinh hoàn.

Các bác sĩ cho biết trường hợp này là lưỡng giới thật, tức là trên cơ thể bệnh nhân cùng tồn tại cơ quan sinh dục nam và nữ.

Gene của bệnh nhân vừa là nam vừa là nữ. Bệnh nhân có tinh hoàn và cũng có tử cung. Tuy nhiên, bệnh nhân mong muốn thành nam nên hội đồng đã xác nhận bệnh nhân là nam.

Theo bác sĩ CKII Phan Tấn Đức - trưởng khoa thận niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2, có nhiều nguyên nhân làm cho trẻ bị nhầm lẫn giới tính như nam lưỡng giới giả nữ, nữ lưỡng giới giả nam, lưỡng giới thật, trẻ vừa có buồng trứng vừa có tinh hoàn…

Trong thực tế vẫn còn những trẻ sống với giới tính nhầm lẫn qua nhiều năm. Chỉ khi bắt đầu có biểu hiện tâm lý khác với giới tính, hình thể bên ngoài mới được phát hiện và can thiệp.

Có một số người mới được xác định lại giới tính khi đã qua tuổi trưởng thành, gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, công việc và gia đình.

Với những trẻ bị mơ hồ về giới tính, được xác định nhầm giới tính, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được xác định lại giới tính càng sớm càng tốt.

Trẻ bị dị dạng đường sinh dục có thể được can thiệp trong giai đoạn 4-6 tuổi. Một số trường hợp đặc biệt như song tính, lưỡng tính… cha mẹ cần chờ đợi bé lớn hơn (khoảng 12-15 tuổi), khi bé nhận thức được giới tính thật sự của mình, cha mẹ sẽ cùng trẻ chọn lựa.

"Suốt thời gian dài bị nhầm lẫn giới tính sẽ làm trẻ khó khăn khi tiếp xúc với bạn bè trong quá trình đi học. Thậm chí, trẻ thu rúc, khó hòa nhập, khó thành công trong cuộc sống. Chưa kể, đa số người đến yêu cầu xác định lại giới tính còn chưa có giấy tờ tùy thân, không có bảo hiểm y tế, cũng như chưa lập gia đình, sinh con" - ông Phạm Ngọc Thạch, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết.

Khi nào một người được quyền xác định lại giới tính?

Tính từ năm 2013 đến tháng 6-2024, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM đã tiếp nhận 144 hồ sơ yêu cầu xác định lại giới tính.

Đa số trẻ tới xác định lại giới tính có hình dạng bên ngoài là nam, tập trung nhiều từ 6-10 tuổi. Trong đó, có 105 trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận xác định lại giới tính, 9 trường hợp đang chờ Hội đồng xác định lại giới tính, còn lại là hồ sơ không đủ điều kiện xác định.

Bệnh viện Nhi đồng 2 là nơi được phép can thiệp y tế xác định lại giới tính dựa trên những quy định của Nhà nước.

Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong các trường hợp như:

- Giới tính bị khuyết tật bẩm sinh: bất thường ở bộ phận sinh dục của một người ngay từ khi mới sinh ra, biểu hiện ở một trong các dạng như nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật.

- Chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính: chưa thể phân biệt được một người là nam hay nữ xét về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể giới tính.

Khi một người được xác định lại giới tính sẽ có quyền đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Theo Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/sinh-ra-gioi-tinh-mo-ho-ket-hon-xong-van-di-xac-dinh-gioi-tinh-20240904222511119.htm 

  • Từ khóa

Bác sĩ nói gì về ăn cay và các cơn đau tim?

Cuộc tranh luận từ lâu về tác động của ăn cay đối với sức khỏe tim mạch vẫn tiếp diễn. Trong khi một số người tin rằng cách ăn này tốt cho tim, những...
16:56 - 21/11/2024
344 lượt xem

WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai do Nhật Bản bào chế

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm qua đã phê duyệt vaccine LC16m8 phòng bệnh đậu mùa khỉ của công ty dược phẩm KM Biologics (Nhật Bản) bào chế để sử dụng...
14:26 - 21/11/2024
379 lượt xem

'Hay nóng phừng mặt, tim đập nhanh vào buổi chiều', bác sĩ chỉ ra bệnh, cách phòng

Nhiều người ở độ tuổi trung niên thường có biểu hiện nóng phừng mặt, tim đập nhanh vào buổi chiều tối. Nếu không nhận biết và điều trị đúng bệnh, có thể...
13:13 - 21/11/2024
430 lượt xem

Đau đầu ở đâu nói lên điều gì?

Đau đầu là một tình trạng rất phổ biến mà hầu hết mọi người gặp phải nhiều lần trong đời. Các vị trí đau đầu khác nhau phản ánh tình trạng sức khỏe khác...
10:44 - 21/11/2024
513 lượt xem

Phát hiện 'thủ phạm' khiến mọi người khó giảm cân

Các nhà khoa học phát hiện mô mỡ có khả năng 'ghi nhớ' tình trạng béo phì trong quá khứ của một người và sẽ chống lại các nỗ lực giảm cân của người...
07:13 - 21/11/2024
576 lượt xem