190
/
169111
Thực hư lọc máu giúp loại bỏ mỡ máu, ngừa đột quỵ, đái tháo đường?
thuc-hu-loc-mau-giup-loai-bo-mo-mau-ngua-dot-quy-dai-thao-duong
news

Thực hư lọc máu giúp loại bỏ mỡ máu, ngừa đột quỵ, đái tháo đường?

Thứ 4, 04/09/2024 | 08:52:00
2,120 lượt xem

Gần đây nhiều người rủ nhau đi lọc máu để loại bỏ mỡ máu và nhiều bệnh khác. Nhiều cơ sở “nổ” rằng chỉ cần lọc máu không những xóa bỏ mỡ máu mà còn loại bỏ máu xấu sẽ ngăn ngừa đột quỵ, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ. Thực hư ra sao?

Thực hư lọc máu ngừa bách bệnh? - Ảnh 1.

Bệnh nhân lọc máu, chạy thận tại một bệnh viện - Ảnh minh họa: NAM TRẦN

Các chuyên gia y tế khẳng định lọc máu không được chỉ định để phòng ngừa các bệnh.

Chỉ cần lọc máu "cân" tất cả bệnh?

Theo trend (xu hướng) mạng xã hội, chỉ cần search cụm từ "lọc mỡ máu, ngừa đột quỵ", sẽ cho ra hàng trăm kết quả với những lời quảng cáo có cánh về tác dụng thần kỳ của phương pháp này.

Các nơi rần rần nói về phương pháp lọc mỡ máu, một tài khoản rao rằng có hệ thống hiện đại thông qua hai bộ lọc có thể giúp người bệnh loại bỏ mỡ máu xấu trực tiếp…

Nào là 2-3 tiếng lọc máu sẽ loại bỏ được cholesterol, mỡ máu xấu tích tụ bên trong cơ thể ra ngoài. Rồi đào thải vi rút, kim loại, protein độc hại ra khỏi máu. Ngăn chặn các bệnh lý về tim mạch, đột quỵ, các mảng bám xơ vữa gây xơ vữa động mạch.

Liên hệ đến hotline của phòng khám này, nhân viên tư vấn giới thiệu luôn: không cần có bệnh vẫn có thể áp dụng phương pháp này. Trước khi thực hiện lọc máu, khách hàng sẽ được kiểm tra các chỉ số để lựa chọn gói lọc máu phù hợp. Lọc máu để phòng ngừa bệnh.

"Bên em đang có chương trình khuyến mại tặng giảm giá mỗi lần lọc máu chỉ từ 15 triệu - 20 triệu đồng. Số lần lọc máu tùy thuộc vào từng người, chị có thể tham khảo", người này tư vấn.

Tương tự, một địa chỉ tại quận 3 (TP.HCM) quảng cáo về tác dụng thần kỳ khi lọc máu, đơn vị này quảng cáo lọc máu dự phòng là phương pháp tách các chất gây bệnh thông qua thiết bị lọc máu tự động.

Chất thải, tạp chất trong máu sẽ được loại bỏ bằng màng lọc và máu sau khi lọc sẽ được đưa trở lại cơ thể.

Cơ sở này nổ rằng để phòng ngừa bệnh khi lọc máu sẽ loại bỏ tất cả các tạp chất trong máu như: cholesterol xấu, chất gây viêm, kim loại nặng, vi khuẩn, vi rút gây bệnh, phòng ngừa tim mạch, đái tháo đường, bệnh gout, suy thận, đột quỵ, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim…

Khi làm người bệnh sẽ được lấy máu từ tĩnh mạch sau đó máu được vận chuyển qua fillter lọc lần 1 để tách huyết tương, sau đó máu được tách ở một ống riêng, phần huyết tương tách tiếp tục di chuyển đến fillter lọc lần 2 để loại bỏ tạp chất.

Khi huyết tương sạch sẽ được kết hợp lại với máu đưa vào cơ thể. Thời gian lọc từ 3-4 giờ đồng hồ.

Quảng cáo "nổ", rất nguy hiểm

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Mạch máu Việt Nam, bày tỏ bất ngờ vì những lời quảng cáo về phương pháp lọc máu lại có thể ngừa đột quỵ, xơ vữa động mạch, gan nhiễm mỡ.

Bác sĩ Mạnh cho hay về mặt chuyên môn, không có nghiên cứu nào cho thấy việc lọc máu có thể phòng ngừa bệnh. Phương pháp lọc mỡ máu là phương pháp lọc huyết tương hai quả lọc, dành cho người bệnh nặng như tăng lipid máu cao có nguy cơ tắc mạch máu bất kỳ lúc nào, bệnh đa u tủy xương… chứ không phải phương pháp phòng ngừa bệnh.

"Bản thân trong máu có rất nhiều thành phần, bạch cầu, tiểu cầu, một phần lipid, các chất miễn dịch khác. Nếu lọc toàn bộ các chất trong máu có thể vô tình lọc cả những chất tốt.

Kể cả mỡ máu cũng gồm hai loại là mỡ tốt và mỡ xấu, nếu lọc hết mỡ máu có thể loại bỏ cả mỡ tốt. Trong khi đó, các loại mỡ tốt còn có chức năng làm tăng collagen cho thành mạch, tốt cho não.

Bên cạnh đó, lọc máu còn chống chỉ định với người tăng huyết áp, máu khó đông", bác sĩ Mạnh cho hay.

Bác sĩ Vũ Đình Ân, phó chủ nhiệm khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM), cũng cho biết lọc mỡ máu là một kỹ thuật chuyên sâu, cần các điều kiện cao mới có thể thực hiện được.

Máy móc phải là những thiết bị hiện đại, chuyên dụng dùng cho lọc máu ngoài cơ thể, đồng thời người thực hiện phải là người có chuyên ngành lọc máu ngoài cơ thể.

Theo quy định của Bộ Y tế, người có chỉ định lọc máu khi chỉ số mỡ máu cao trên 11 mmol/L kèm viêm tụy. Chi phí thực hiện rất cao, đặc biệt kỹ thuật này cần phải đạt các tiêu chuẩn khắt khe bởi đây là kỹ thuật chuyên sâu.

Để thực hiện được lọc máu phải là những bác sĩ chuyên sâu về hồi sức cấp cứu. Bởi thực tế, trong quá trình lọc máu vẫn có thể xảy ra tai biến. Vì vậy, khi xảy ra sự cố bác sĩ hồi sức sẽ có thể xử lý ngay tại chỗ

Bác sĩ Ân khuyến cáo không nên lạm dụng phương pháp này, vì khi thực hiện bất cứ thủ thuật xâm nhập vào cơ thể có thể xảy ra biến chứng. Thực tế, có những thủ thuật an toàn đến 99%, nhưng vẫn có 1% tai biến. Nếu không may rơi vào 1% sẽ rất nguy hiểm.

Nguy cơ trụy tim đột ngột

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), cho hay cũng từng được bệnh nhân chia sẻ về việc đã đi lọc máu để loại bỏ máu xấu, ngăn ngừa các bệnh.

"Phương pháp này được các bác sĩ chỉ định rất thận trọng bởi có thể dẫn đến các biến chứng kèm theo. Thường chỉ định đối với người bệnh có chỉ số mỡ máu rất cao, điều trị bằng thuốc không cải thiện, buộc phải lọc máu để đưa chỉ số máu về ngưỡng bình thường. Hoặc người bệnh có chỉ số máu cao kèm theo viêm tụy.

Nếu lạm dụng lọc máu để phòng ngừa đột quỵ, rất nhiều rủi ro có thể xảy ra và nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Đó là nguy cơ bị trụy tim mạch đột ngột, nhiễm trùng máu, sốc phản vệ, rối loạn đông máu... nếu không phải cơ sở y tế chuyên sâu thì khó có thể có đủ phương tiện và nhân lực để cấp cứu, cuối cùng người chịu thiệt vẫn là bệnh nhân.

Chúng ta không nên nghe theo những lời quảng cáo không có cơ sở", bác sĩ Hoàng khuyến cáo.


Ngừa xơ vữa động mạch, gan nhiễm mỡ, đột quỵ thế nào?

Để chủ động phòng ngừa các bệnh xơ vữa động mạch, gan nhiễm mỡ, đột quỵ…, bác sĩ Mạnh khuyến cáo cách tốt nhất vẫn là thay đổi lối sống, dinh dưỡng.

"Hạn chế ăn các đồ ăn dầu mỡ, đồ ăn nhanh, ăn nhiều rau xanh…, tăng cường tập thể dục ít nhất 45 phút mỗi ngày.

Mỗi lần vận động sẽ giúp cơ thể, các mạch máu tăng co bóp, đào thải các chất độc ra ngoài. Chính cơ thể đã là một "nhà máy lọc" rất tốt, không cần phải phòng ngừa bằng cách lọc máu", bác sĩ Mạnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đối với những người có bệnh lý nền cần kiểm soát bệnh, khám sức khỏe định kỳ để theo dõi sức khỏe, phát hiện nguy cơ và có phương pháp điều trị sớm.

Theo Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/thuc-hu-loc-mau-giup-loai-bo-mo-mau-ngua-dot-quy-dai-thao-duong-20240903221934512.htm

  • Từ khóa

Bác sĩ nói gì về ăn cay và các cơn đau tim?

Cuộc tranh luận từ lâu về tác động của ăn cay đối với sức khỏe tim mạch vẫn tiếp diễn. Trong khi một số người tin rằng cách ăn này tốt cho tim, những...
16:56 - 21/11/2024
265 lượt xem

WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai do Nhật Bản bào chế

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm qua đã phê duyệt vaccine LC16m8 phòng bệnh đậu mùa khỉ của công ty dược phẩm KM Biologics (Nhật Bản) bào chế để sử dụng...
14:26 - 21/11/2024
310 lượt xem

'Hay nóng phừng mặt, tim đập nhanh vào buổi chiều', bác sĩ chỉ ra bệnh, cách phòng

Nhiều người ở độ tuổi trung niên thường có biểu hiện nóng phừng mặt, tim đập nhanh vào buổi chiều tối. Nếu không nhận biết và điều trị đúng bệnh, có thể...
13:13 - 21/11/2024
352 lượt xem

Đau đầu ở đâu nói lên điều gì?

Đau đầu là một tình trạng rất phổ biến mà hầu hết mọi người gặp phải nhiều lần trong đời. Các vị trí đau đầu khác nhau phản ánh tình trạng sức khỏe khác...
10:44 - 21/11/2024
438 lượt xem

Phát hiện 'thủ phạm' khiến mọi người khó giảm cân

Các nhà khoa học phát hiện mô mỡ có khả năng 'ghi nhớ' tình trạng béo phì trong quá khứ của một người và sẽ chống lại các nỗ lực giảm cân của người...
07:13 - 21/11/2024
491 lượt xem