Trong mùa mưa, để ngăn ngừa tái phát bệnh mũi xoang, cần giữ ấm cơ thể, tránh các tác nhân gây dị ứng, tăng cường sức khỏe thông qua ăn uống, bổ sung thảo dược....
Giữ ấm cơ thể và tránh nhiễm lạnh
Ngày 20.8, thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa 2 Kiều Xuân Thy, Phó trưởng Cơ sở 3, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết theo y học cổ truyền, tà khí như phong hàn dễ xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi, miệng, làm tổn thương chính khí và gây bệnh. Đặc biệt là vào mùa mưa, khi thời tiết ẩm ướt và nhiệt độ giảm, nguy cơ nhiễm lạnh tăng cao, dẫn đến viêm mũi xoang.
Luôn giữ ấm vùng đầu, cổ và chân, đặc biệt khi ra ngoài trời mưa. Mặc đủ ấm, đội mũ, quàng khăn và mang giày kín. Nếu cơ thể bị ướt, cần thay quần áo ngay và giữ ấm bằng cách tắm nước ấm hoặc uống trà nóng như trà gừng.
Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng
Mùa mưa là thời điểm lý tưởng cho nấm mốc, vi khuẩn và bụi bẩn phát triển, đặc biệt trong những không gian ẩm thấp. Những tác nhân này là nguyên nhân phổ biến gây kích thích niêm mạc mũi xoang và tái phát bệnh.
Đảm bảo nhà cửa luôn khô ráo, sạch sẽ, thông thoáng. Sử dụng máy hút ẩm nếu cần. Tránh tiếp xúc với lông thú cưng, phấn hoa, hóa chất mạnh, và duy trì môi trường sống sạch sẽ. Khi ra ngoài, có thể đeo khẩu trang để tránh hít phải bụi bẩn và các chất kích ứng.
Mùa mưa là thời điểm lý tưởng cho nấm mốc, vi khuẩn và bụi bẩn phát triển ẢNH: PEXELS
Tăng cường sức đề kháng thông qua chế độ ăn uống và thảo dược
Nâng cao chính khí là yếu tố then chốt để ngăn ngừa bệnh tật. Dinh dưỡng cân bằng và sử dụng dược liệu có tác dụng bổ khí và kiện tỳ giúp cơ thể mạnh mẽ chống lại các yếu tố gây bệnh.
Ăn uống đủ chất với các thực phẩm ấm như gừng, tỏi, hành tây, và các loại rau củ giàu vitamin C để tăng cường hệ miễn dịch. Có thể dùng các bài thuốc y học cổ truyền sau khi tham khảo ý kiến từ chuyên gia y học cổ truyền.
Vệ sinh mũi họng đều đặn
Việc vệ sinh mũi họng giúp loại bỏ các vi khuẩn, virus và chất kích thích có thể gây viêm nhiễm. Đặc biệt là trong mùa mưa, khi môi trường dễ bị ô nhiễm, cần thực hiện vệ sinh mũi họng hằng ngày để bảo vệ niêm mạc mũi xoang.
Sử dụng dung dịch nước muối sinh lý để rửa mũi ít nhất hai lần mỗi ngày, đặc biệt sau khi ra ngoài. Việc này giúp làm sạch khoang mũi, loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn tích tụ. Có thể sử dụng máy xông hơi nước muối để hỗ trợ việc làm sạch sâu hơn.
Tránh thay đổi môi trường đột ngột và đảm bảo độ ẩm không khí thích hợp
Sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ và độ ẩm có thể làm tổn thương niêm mạc mũi xoang, gây khó chịu và dễ dẫn đến viêm nhiễm. Độ ẩm quá cao hoặc quá thấp đều có thể gây hại cho niêm mạc mũi.
Tránh tiếp xúc với điều hòa nhiệt độ quá lạnh ngay khi vừa từ ngoài trời mưa trở về. Duy trì độ ẩm trong nhà ở mức 40-60% là lý tưởng, có thể sử dụng máy tạo ẩm hoặc hút ẩm tùy thuộc vào điều kiện môi trường.
Sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ và độ ẩm có thể làm tổn thương niêm mạc mũi xoang, gây khó chịu và dễ dẫn đến viêm nhiễm ẢNH: PEXELS
Điều trị triệt để các bệnh lý liên quan và khám sức khỏe định kỳ
Viêm mũi xoang thường liên quan đến các bệnh lý khác như viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản. Nếu các bệnh này không được điều trị triệt để, chúng có thể trở thành nguồn lây lan và gây tái phát viêm mũi xoang.
Điều trị dứt điểm các bệnh lý về hô hấp nếu có. Nên khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là khi có dấu hiệu bất thường về hô hấp. Tham khảo ý kiến bác sĩ và chuyên gia y học cổ truyền để có phương pháp điều trị toàn diện, kết hợp giữa Đông y và Tây y khi cần thiết.
"Những lưu ý trên không chỉ giúp phòng tránh tái phát bệnh mũi xoang vào mùa mưa mà còn nâng cao sức khỏe tổng thể, bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh tật khác", bác sĩ Thy chia sẻ.
Theo Lê Cầm/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/bac-si-chia-se-cach-ngua-tai-phat-benh-mui-xoang-vao-mua-mua-185240820082854948.htm