Cuộc sống thường không thể tránh khỏi tác nhân gây căng thẳng. Căng thẳng không phải lúc nào cũng xấu. Nếu căng thẳng ở mức vừa phải thì có thể mang lại những tác động tích cực, giúp một người có thể vượt qua được những thử thách đang đối diện.
Căng thẳng không được xem là điều lành mạnh. Có nhiều cách để kiểm soát căng thẳng. Tuy nhiên, việc trải nghiệm căng thẳng không phải lúc nào cũng tệ. Ở khía cạnh nào đó, căng thẳng kích hoạt phản ứng sinh tồn là chiến đấu hay bỏ chạy. Phản ứng này là để bảo vệ chính chúng ta chứ không phải để gây hại, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Căng thẳng mức độ nhẹ có thể giúp cơ thể đạt trạng thái hoạt động tối ưu để ứng phó với vấn đề ẢNH: PEXELS
Căng thẳng tích cực được gọi là eustress. Trạng thái này giúp tạo ra kích thích cần thiết để bộ não, nhịp tim, nhịp thở và phản ứng cơ bắp có thể phản ứng ở mức tối ưu. Đôi khi, eustress lại mang cảm giác thú vị khi cố gắng để đạt được mục tiêu hay trải nghiệm mới lạ nào đó.
Căng thẳng mức độ thấp như căng thẳng tích cực sẽ thúc đẩy cơ thể tiết neurotrophin, hóa chất có chức năng điều chỉnh sự hoạt động và phát triển của nơron thần kinh. Neurotrophin có chức năng tăng cường kết nối giữa các tế bào thần kinh trong não, tăng khả năng tập trung và hiệu suất của não.
Các chuyên gia cho biết mọi người cần đánh giá hiệu suất công việc và mức độ căng thẳng trong ngày làm việc. Căng thẳng mức độ nhẹ sẽ giúp công việc đạt hiệu suất tốt hơn, nhưng nếu vượt quá mức này sẽ làm giảm hiệu suất làm việc.
Phản ứng với căng thẳng có thể kích thích cơ thể tiết interleukin, một loại protein có chức năng điều chỉnh phản ứng miễn dịch của cơ thể. Nhờ vậy, hệ miễn dịch vào thời điểm đó sẽ được tăng cường. Ngoài ra, căng thẳng mức độ thấp còn giúp cải thiện khả năng ứng phó với căng thẳng sau này.
Tuy nhiên, nếu căng thẳng tiếp tục tăng cao hay kéo dài thì sẽ gây hại. Trạng thái này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng về thể chất như đau nhức cơ thể, co cơ, khó tiêu, nôn mửa, ợ nóng, khó tập trung, hay quên và một số triệu chứng khác.
Nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng và kéo dài thì sẽ gây một loạt vấn đề sức khỏe như huyết áp cao, rối loạn lo âu hay trầm cảm. Do đó, mọi người cần nhận biết mức độ căng thẳng của bản thân để xác định khi nào căng thẳng đang mang lại lợi ích tích cực, khi nào là dấu hiệu cảnh báo cần kiểm soát hay tìm trợ giúp, theo Healthline.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/cang-thang-khi-nao-la-tot-185240820175622809.htm