Cách tốt nhất để tăng cường tiêm chủng là nâng cao nhận thức về lợi ích của vắc xin và làm cho việc tiếp cận tiêm chủng trở nên dễ dàng nhất có thể.
2 mũi tiêm sớm nhất cho trẻ sơ sinh
Theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư 10/2024/TT-BYT, từ ngày 1.8.2024 có 11 bệnh truyền nhiễm, đối tượng bắt buộc phải sử dụng vắc xin và lịch tiêm chủng trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR); và 10 bệnh thuộc danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch.
WHO và các tổ chức quốc tế hỗ trợ VN triển khai tiêm chủng LIÊN CHÂU
Danh sách 11 bệnh trong TCMR bao gồm: viêm gan vi rút B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, bệnh do Haemophilus influenzae type b (nguyên nhân gây bệnh chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi, gồm: viêm phổi, viêm màng não…), sởi, viêm não Nhật Bản B, rubella, tiêu chảy do vi rút Rota.
Trong đó, 2 mũi tiêm sớm nhất cho trẻ nhỏ là viêm gan B và lao. Cụ thể: Viêm gan B liều sơ sinh tiêm trong vòng 24 giờ sau khi sinh; sau đó tiêm lần 1 khi trẻ đủ 2 tháng tuổi, tiêm lần 2 (ít nhất 1 tháng sau lần 1) và tiêm lần 3 (ít nhất 1 tháng sau lần 2). Vắc xin lao tiêm một lần cho trẻ trong vòng 1 tháng sau khi sinh.
Về danh mục 10 bệnh truyền nhiễm, đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch, thì lần đầu tiên quy định bắt buộc với vắc xin Covid-19, dại, cúm. 7 bệnh khác thuộc danh mục này là: bạch hầu, bại liệt, ho gà, rubella, sởi, tả và viêm não Nhật Bản B.
Theo Bộ Y tế, với 10 vắc xin trên, việc xác định đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch do Sở Y tế trình UBND tỉnh, thành quyết định, hoặc theo chỉ đạo của Bộ Y tế trên cơ sở tình hình dịch bệnh, điều kiện cung ứng vắc xin, sinh phẩm y tế, nguồn lực của địa phương.
Bảo vệ hàng triệu trẻ em suốt 40 năm qua
Về quy định tiêm chủng bắt buộc do Bộ Y tế quy định, tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN, đánh giá chương trình TCMR cho trẻ em tại VN là một thành công lớn, giúp bảo vệ hàng triệu trẻ em trong suốt 40 năm qua.
Số trẻ em tử vong do các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin ở VN đã giảm đáng kể từ năm 1981, khi VN bắt đầu triển khai chương trình quốc gia TCMR với mục tiêu đảm bảo rằng mọi trẻ em, ở khắp nơi trên đất nước VN, đều nhận được sự bảo vệ từ các mũi tiêm chủng thường xuyên.
Kể từ khi chương trình bắt đầu, VN đã thanh toán bệnh đậu mùa và bệnh bại liệt, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh, giảm đáng kể các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin khác như sởi, bạch hầu, ho gà và viêm não Nhật Bản, bằng cách tiêm chủng cho hàng triệu trẻ em.
"WHO hoan nghênh Bộ Y tế vì đã đảm bảo ngày càng nhiều trẻ em và người lớn có thể tiếp cận vắc xin miễn phí để vừa phòng ngừa bệnh tật vừa ứng phó nếu có dịch bùng phát", tiến sĩ Angela Pratt nói.
Trưởng đại diện WHO cũng đánh giá thành công của VN trong việc ứng phó với giai đoạn khẩn cấp của đại dịch Covid-19 phần lớn là nhờ vào tỷ lệ bao phủ cao của việc tiêm chủng các liều cơ bản phòng Covid-19 trên toàn quốc. Khi vi rút corona vẫn còn đang lưu hành, điều quan trọng là chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy tiêm vắc xin và tiêm liều nhắc lại cho những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng (chẳng hạn người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy yếu, phụ nữ mang thai và nhân viên y tế).
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy cách tốt nhất để tăng cường tiêm chủng là nâng cao nhận thức về lợi ích của vắc xin và làm cho việc tiếp cận tiêm chủng trở nên dễ dàng nhất có thể, WHO nhấn mạnh.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/11-benh-truyen-nhiem-bat-buoc-tiem-vac-xin-tu-18-185240801192041271.htm