Việc ăn quá no vào buổi tối có thể gây hại dạ dày, ảnh hưởng giấc ngủ, tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường, bệnh lý tim mạch...
Bác sĩ dinh dưỡng Lê Thảo Nguyên (Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn) chia sẻ, hiện nay vì tính chất công việc nhiều người thường bỏ bữa sáng hoặc ăn qua loa bữa trưa, sau đó sẽ ăn bù thịnh soạn bữa tối. Hầu hết khoảng thời gian cho bữa ăn này thường từ 18 giờ đến 20 giờ, có những trường hợp vì tính chất công việc bữa tối có thể sẽ muộn hơn. Tuy nhiên thói quen ăn quá no vào bữa tối và ăn trễ sẽ rất gây hại cho sức khỏe.
"Việc ăn quá no sẽ khiến cho dạ dày bị căng phồng, nhu động ruột chậm lại, dịch tiêu hóa tiết ra không đủ và từ đó dẫn đến việc thức ăn không thể tiêu hóa hết. Ăn quá no vào buổi tối là một thói quen không tốt có thể dẫn đến béo phì, bệnh lý tiểu đường, các vấn đề tim mạch, làm dạ dày và đường ruột hoạt động liên tục", bác sĩ Nguyên cho hay.
Dưới đây là những tác hại do ăn quá no vào buổi tối:
Ăn quá no vào buổi tối sẽ làm tăng nguy cơ béo phì
Ảnh hưởng đến dạ dày
Ăn quá no làm dạ dày phải hoạt động liên tục để tiêu hóa thức ăn dẫn đến tình trạng viêm dạ dày, đau thượng vị, chướng bụng, khó tiêu…
Việc ăn quá gần giờ ngủ dễ dẫn đến tình trạng dạ dày vẫn còn nhiều thức ăn, gây nên tình trạng ợ hơi, ợ chua, trào ngược dạ dày, lâu dần có thể dẫn đến viêm loét thực quản.
Ảnh hưởng giấc ngủ
Ăn quá no trước khi ngủ sẽ khiến cơ thể tập trung vào việc tiêu hóa thức ăn thay vì nghỉ ngơi, dẫn đến tình trạng khó ngủ, ngủ không ngon giấc.
Ăn nhiều đồ ngọt, tinh bột vào buổi tối sẽ khiến bạn tăng đường huyết nhanh, gây kích thích, hưng phấn khiến bạn khó chìm vào giấc ngủ.
Ngủ không đủ giấc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất, khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi, thiếu tỉnh táo vào ngày hôm sau.
Tăng nguy cơ béo phì
Buổi tối, mức độ chuyển hóa cơ bản của cơ thể giảm dần nên năng lượng sẽ được tích tụ thành mỡ, lâu ngày dẫn đến tăng cân, béo phì.
Sau bữa ăn tối, chúng ta thường không vận động nhiều mà đi ngủ dẫn đến mất cân đối năng lượng nhập vào và năng lượng tiêu hao, gây tăng cân, mập bụng.
Gây bệnh lý tiểu đường
Buổi tối mọi hoạt động đều giảm, lượng insulin tiết ra ít, vì vậy ăn quá nhiều làm tuyến tụy phải tiết ra insulin và dẫn đến nguy cơ bị bệnh tiểu đường sau này.
Bản thân insulin có vai trò kiểm soát lượng đường huyết nên insulin không đủ thì lượng đường huyết tăng cao và dẫn đến mắc bệnh tiểu đường.
Gây hại cho hệ tim mạch
Các món ăn khuya đa phần là thực phẩm đóng hộp, thức ăn nhanh, đồ chiên rán… nên có thể chứa rất nhiều tinh bột và chất béo chuyển hóa, làm cho tỷ lệ cholesterol trong máu tăng cao, gây ra xơ vữa động mạch và các bệnh tim mạch nguy hiểm khác.
Béo phì là yếu tố nguy cơ cho nhiều bệnh lý nguy hiểm như tim mạch, tiểu đường, mỡ máu cao, cao huyết áp…
Một bữa ăn tối đúng cách bao gồm 50% lượng rau và 50% còn lại là protein và tinh bột MINH HOẠ: LÊ CẦM
Suy nhược thần kinh
Khi cơ thể tập trung vào việc tiêu hóa thức ăn, lượng máu sẽ được dồn về hệ tiêu hóa, dẫn đến tình trạng thiếu máu lên não, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, thiếu tỉnh táo, suy giảm trí nhớ.
Việc thiếu ngủ do ăn quá no cũng góp phần khiến bạn suy nhược thần kinh, ảnh hưởng đến khả năng tập trung, học tập và làm việc.
Ăn tối như thế nào để tốt cho sức khỏe
Bác sĩ Thảo Nguyên khuyến cáo thời điểm phù hợp nhất để ăn tối là trước khi ngủ khoảng từ 3-4 tiếng đồng hồ. Sau ăn nên ngồi nghỉ hoặc nằm đầu cao trên 45 độ. Và bữa ăn cuối cùng trong ngày nên kết thúc trước 19 giờ. Bữa tối lý tưởng nên ít calo, bớt đi lượng chất đạm, đường bột, tăng cường rau xanh và ngũ cốc.
"Một bữa ăn tối đúng cách bao gồm 50% lượng rau và 50% còn lại là protein và tinh bột. Nên phân bố tỷ lệ năng lượng của bữa ăn trong ngày như sau: Sáng - trưa - chiều - các bữa phụ với tỷ lệ 30% - 40% - 20% - 10%. Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, đồ ngọt trước khi ngủ. Ngoài ra, tập thể dục nhẹ nhàng trước khi ngủ có thể giúp giảm calo dư thừa và cải thiện hệ tiêu hóa", bác sĩ Nguyên cho hay.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/an-qua-no-vao-buoi-toi-anh-huong-den-suc-khoe-nhu-the-nao-185240715090519682.htm