Một xét nghiệm máu mới được phát triển bởi Đại học Uppsala (Thụy Điển) hứa hẹn cứu nhiều người khỏi cơn nhồi máu cơ tim chết người.
Theo SciTech Daily, các nhà khoa học đã phân tích mẫu máu của hơn 169.000 người, từ đó xác định hơn 90 phân tử có liên quan đến nguy cơ hình thành một cơn nhồi máu cơ tim.
Sự tiến bộ này mang đến cơ hội vàng cho các cá nhân tự đánh giá nguy cơ bị nhồi máu cơ tim của mình, từ đó tăng cường các nỗ lực chăm sóc sức khỏe để "thay đổi số phận".
Nhồi máu cơ tim là nguyên nhân gây tử vong phổ biến - Ảnh: SCITECH DAILY
Theo GS Johan Sundström từ Đại học Uppsala, tác giả chính của nghiên cứu, một số nghiên cứu dạng quan sát trước đó cho thấy thời điểm trước khi xảy ra cơn nhồi máu cơ tim rất biến động.
Ví dụ, nguy cơ tăng gấp đôi trong vòng 1 tháng sau khi ly hôn và gấp 5 lần trong vòng 1 tuần sau khi một người bị chẩn đoán là mắc bệnh ung thư.
Vì vậy, GS Sundström và các cộng sự đưa ra giả thuyết rằng một số quá trình sinh học quan trọng đã hoạt động trong những tháng trước khi xảy ra cơn đau tim.
Các quá trình sinh học này được đại diện bởi 90 phân tử nói trên. Một xét nghiệm máu đã được phát triển dựa trên điều đó.
Các thử nghiệm cho thấy phương pháp mới này có thể giúp dự đoán được cơn nhồi máu cơ tim trong vòng 6 tháng trước khi nó thực sự bắt đầu.
"Chúng tôi biết rằng mọi người cảm thấy tương đối ít động lực để thực hiện các phương pháp phòng ngừa. Nhưng nếu bạn sớm phát hiện ra mình có nguy cơ nhồi máu cơ tim cao, có lẽ bạn sẽ có động lực lớn hơn để ngăn chặn điều đó" - GS Sundström nói.
Các biện pháp ngăn chặn có thể vô cùng đơn giản nếu như một người biết được vị "tử thần" đang treo lơ lửng vài tháng trước: Bỏ hút thuốc, giảm bớt rượu, tập thể dục nhiều hơn hay thay đổi chế độ ăn.
Các dạng xét nghiệm nguy cơ cũng giúp người bệnh biết rõ tình hình để kiểm soát tốt hơn bệnh tim mạch của mình, cũng như tiến hành các bước tầm soát chuyên sâu hơn, điều trị can thiệp để tránh hậu quả nghiêm trọng.
Nhồi máu cơ tim tim hiện là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất thế giới và đang gia tăng trên toàn cầu. Nhiều người có nguy cơ cao không được xác định hoặc điều trị dự phòng.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/phuong-phap-moi-biet-truoc-con-nhoi-mau-co-tim-tan-6-thang-196240310093736306.htm