Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm người Việt mỗi dịp Tết đến. Nhiều người bệnh tiểu đường lo ngại việc ăn bánh chưng sẽ dễ hấp thụ nhiều tinh bột, bệnh chuyển nặng.
Bánh chưng được làm theo nhân truyền thống có thịt heo nửa nạc nửa mỡ, đậu xanh… - Ảnh minh họa: ĐỨC LẬP
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chế độ ăn rất quan trọng với người mắc bệnh tiểu đường. Ngày Tết nhiều món ăn chứa nhiều tinh bột, chất đạm hay các món chiên xào… mà người bệnh tiểu đường cần lưu ý.
Vậy người bệnh tiểu đường có cần kiêng bánh chưng trong ngày Tết? Về vấn đề này, TS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo người bệnh tiểu đường chỉ ăn mỗi bữa khoảng 1/4 cái bánh chưng tương đương với 1 chén cơm trắng. Nếu đã ăn bánh chưng, cần cắt giảm lượng cơm tương ứng.
"Đồng thời nên ăn thêm rau, thịt trước khi ăn bánh chưng. Các chất xơ và chất đạm sẽ làm chậm quá trình hấp thụ tinh bột trong bánh chưng, ngừa tăng đường huyết.
Bên cạnh đó, nên đo đường huyết trước và sau khi ăn để xem đường huyết tăng nhiều hay ít. Nếu tăng nhiều, cần giảm bớt lượng bánh chưng trong lần ăn kế tiếp", bác sĩ Hưng khuyến cáo.
Bên cạnh đó, bác sĩ Hưng cũng lưu ý, trong dịp Tết nhiều người thay đổi thói quen sinh hoạt dẫn đến việc bỏ bữa, dồn bữa… đây cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến đường huyết.
"Ví dụ như đói quá gây hạ đường huyết. Rồi sau đó, khi ăn quá no thì đường huyết lại tăng vọt. Hai trạng thái này đều gây nguy hiểm cho sức khỏe. Vì thế, người bệnh đái tháo đường cần duy trì lịch sinh hoạt, ăn uống như ngày thường, không bỏ bữa, dồn bữa", bác sĩ Hưng cho hay.
Ngoài ra, người bệnh cũng nên hạn chế món chiên xào, ăn quá nhiều chất đạm
Các món xào, chiên, rán, nướng dùng nhiều dầu mỡ thường rất hấp dẫn và ngon miệng. Một số món xào hay sử dụng phủ tạng dễ làm lượng cholesterol máu tăng cao.
Mâm cỗ ngày Tết có rất nhiều món chứa mỡ động vật như canh măng nấu chân giò, thịt đông, giò thủ (giò xào) dễ làm tăng nguy cơ rối loạn mỡ máu, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, cũng có thể dẫn đến đột quỵ như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não...
Do vậy, người bệnh đái tháo đường vẫn cần duy trì số lượng và cách lựa chọn chất đạm như đã được tư vấn: cân đối giữa chất đạm nguồn gốc động vật và thực vật, ưu tiên sử dụng chất đạm theo thứ tự: thủy hải sản, gia cầm, gia súc...
"Người bệnh tiểu đường cần chú ý hạn chế đồ ngọt từ nước ngọt, các loại hoa quả sấy khô, mứt kẹo,…
Chú ý uống đủ nước, tăng cường nhóm thực phẩm nhiều chất xơ, rau củ. Việc uống đủ nước giúp vận chuyển chất dinh dưỡng, loại bỏ chất thải và giúp chuyển hóa chất béo.
Rau xanh, trái cây là nhóm thực phẩm cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ - một nhóm chất quan trọng đối với sức khỏe. Nên ăn rau trước, vì chất xơ và nước sẽ giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Đặc biệt, cần hạn chế bia rượu và duy trì thời gian để tập thể dục", bác sĩ Hưng khuyến cáo.
Theo Dương Liễu/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/nguoi-benh-tieu-duong-co-can-kieng-banh-chung-trong-ngay-tet-2024020910220919.htm