Cà phê có chứa các chất chống oxy hóa và có liên quan đến việc giảm nguy cơ tiểu đường type 2, bệnh Parkinson, sỏi mật, ung thư gan, xơ gan và có thể là cả bệnh Alzheimer.
Trong những thập kỷ gần đây, các nhà khoa học đã nghiên cứu tác dụng của cà phê đối với nhiều khía cạnh khác nhau của sức khỏe.
Cà phê có chứa các chất chống oxy hóa và có liên quan đến việc giảm nguy cơ tiểu đường type 2, bệnh Parkinson, sỏi mật, ung thư gan, xơ gan và có thể là cả bệnh Alzheimer.
Cà phê còn có liên quan đến việc kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, bên cạnh đó caffeine cũng có những nhược điểm như: làm tăng cảm giác lo âu, gián đoạn giấc ngủ và có thể gây đau bụng.
Cà phê mang lại nhiều giá trị cho sức khỏe (Ảnh: Getty).
Để thu được nhiều lợi ích dinh dưỡng nhất, bạn nên uống cà phê càng ít thêm đường sữa vào càng tốt. Một ly cà phê không đường, rang xay ở mức độ trung bình sẽ là ly cà phê tốt nhất. Cần lưu ý, không nên uống quá 50-100mg caffeine (2-3 ly cà phê/ngày).
Một số nhóm đối tượng như người mắc các bệnh lý mãn tính (tim mạch, đang bị rối loạn nhịp tim…) trước khi dùng phải hỏi ý kiến bác sĩ. Lý do cà phê có thể làm tăng nhịp tim, nhịp thở, có thể gây kích thích ở đường tiêu hóa, buồn nôn, đau dạ dày… hoặc làm tăng nhu động ruột.
Ngoài ra, phụ nữ có thai cũng nên thận trọng khi uống cà phê. Cần lưu ý rằng cà phê đã khử caffeine vẫn chứa caffeine. Một tách cà phê bình thường có thể chứa 75-165mg caffeine, trong khi cà phê khử caffeine chứa trung bình 2-7mg.
Đáng chú ý, các nghiên cứu đã chứng minh, bổ sung một số loại gia vị quen thuộc vào cà phê có thể giúp tăng cường giá trị sức khỏe của loại đồ uống này.
Quế - Bảo vệ tim và não
Quế được chứng minh là rất giàu chất chống oxy hóa, đặc biệt là eugenol. Theo nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), eugenol không chỉ giúp bảo vệ các tế bào tim và não khỏi stress oxy hóa, mà còn có khả năng củng cố hệ miễn dịch.
Thêm vào đó, hương thơm của quế được chứng minh có liên quan đến khả năng giảm căng thẳng và mệt mỏi, mang lại cảm giác thoải mái cho người tiêu dùng.
Gừng - Hỗ trợ tiêu hóa và giảm cholesterol
Gừng chứa gingerol, một chất chống oxy hóa và chống viêm mạnh mẽ. Nghiên cứu từ Journal of Medicinal Food chỉ ra rằng, việc thêm gừng vào cà phê không chỉ làm tăng vị cay mà còn giúp chống viêm, giảm đau cơ, hỗ trợ tiêu hóa và giảm cholesterol.
Qua thí nghiệm trên chuột, nghiên cứu đã chứng minh rằng, gingerol có thể giảm mức cholesterol trong máu và cải thiện chức năng tiêu hóa.
Nghệ - Chống viêm mạnh mẽ và cải thiện tâm trạng
Việc thêm nghệ vào cà phê có thể là một cách hiệu quả để giữ gìn tâm trạng tích cực và chăm sóc sức khỏe tâm lý (Ảnh: Getty).
Nghệ chứa curcumin, là một hoạt chất có tác dụng chống viêm mạnh mẽ. Nghiên cứu từ Journal of Clinical Psychopharmacology chỉ ra rằng, curcumin có thể giúp điều trị trầm cảm và cải thiện tâm trạng.
Khi kết hợp với hạt tiêu, curcumin từ nghệ còn giúp cơ thể hấp thụ tốt hơn. Việc thêm nghệ vào cà phê có thể là một cách hiệu quả để giữ gìn tâm trạng tích cực và chăm sóc sức khỏe tâm lý.
Ca cao - Giảm huyết áp và cải thiện chức năng não
Ca cao chứa flavonoid, một loại chất chống oxy hóa, theo một nghiên cứu từ Journal of Cardiovascular Pharmacology.
Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng ca cao có thể giảm huyết áp và cải thiện chức năng não. Nghiên cứu của Harvard Medical School cho thấy, ca cao thô hữu cơ chứa một lượng axit amin, đặc biệt là tyrosine, giúp cải thiện chức năng của não.
Việc sử dụng ca cao trong cà phê không chỉ mang lại hương vị thơm ngon mà còn giúp hỗ trợ sức khỏe tim mạch và não bộ.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/ca-phe-them-loai-gia-vi-nay-giup-bo-nao-bao-ve-tim-20231121081646759.htm