Ráy tai là chất tiết do tai tạo ra để bảo vệ và bôi trơn ống tai. Chúng giúp tai luôn khô ráo, đồng thời ngăn ngừa vi khuẩn và tránh viêm nhiễm. Không những vậy, ráy tai còn giúp xác định một số tình trạng sức khỏe.
Thành phần cấu thành ráy tai là chất tiết cerumen, tế bào da chết, bụi bẩn và các tuyến mồ hôi trong ống tai. Một số người có ráy tai khô, bong tróc trong khi người khác có ráy tai ướt và dính. Ráy tai thường có màu trắng, vàng nhạt, nâu sẫm hoặc đen, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Sự bất thường của ráy tai là dấu hiệu cảnh báo tình trạng căng thẳng hay viêm nhiễm trong cơ thể SHUTTERSTOCK
Ráy tai cũng có thể là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe:
Căng thẳng
Căng thẳng ảnh hưởng đến cơ thể theo nhiều cách mà chúng ta ít nghĩ tới, trong đó có quá trình tạo ra ráy tai. Nghiên cứu trên chuyên san Heliyon cho thấy nồng độ hoóc môn căng thẳng cortisol tăng có thể khiến ráy tay xuất hiện nhiều hơn.
Cortisol sẽ nhiều hơn khi chúng ta bị căng thẳng, lo âu hay sợ hãi. Do đó, ráy tai đôi khi có thể giúp chúng ta biết nhiều hơn trạng thái tinh thần của mình.
Ung thư
Nghiên cứu công bố trên chuyên san Scientific Reports cho thấy một số dấu ấn sinh học trong ráy rai có thể được dùng để chẩn đoán ung thư với độ chính xác vượt trội. Tỷ lệ chẩn đoán chính xác lên đến 95%.
Phương pháp này có lợi thế là không xâm lấn, chi phí phù hợp và thực hiện mà không gây khó chịu cho bệnh nhân. Nó hoạt động bằng cách phát hiện các dấu ấn sinh học trong ráy tai do tế bào ung thư hoặc phản ứng của cơ thể với ung thư tạo ra.
Đường huyết
Theo dõi mức đường huyết SHUTTERSTOCK
Cách đo nồng độ đường glucose truyền thống cần phải lấy máu. Nhưng trong một nghiên cứu trên chuyên san Diagnostics, các nhà khoa học đã phát triển một phương pháp mới kiểm tra đường huyết bằng cách phân tích ráy tai.
Điều này là do mức độ đường glucose trong ráy tai rất tương đồng với trong máu. Chính điều này đã giúp phân tích ráy tai trở thành phương pháp đáng tin cậy để xác định nồng độ glucose mà không cần lấy máu.
Viêm nhiễm trong cơ thể
Nhiều bằng chứng nghiên cứu cho thấy kiểm tra đặc điểm và cấu trúc ráy tai có thể giúp chỉ ra tình trạng nhiễm trùng trong cơ thể. Không những vậy, thói quen ăn uống với các món nhiều gluten, sữa, caffeine hoặc đường sẽ dẫn đến sự tích tụ ráy tai nhiều hơn.
Kiểm tra ráy tai thường xuyên có khả năng giúp phát hiện các dấu hiệu bất thường sớm của cơ thể, chẳng hạn như ráy tai có mùi hôi hay cảm giác khó chịu trong tai, theo Healthline.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/4-van-de-suc-khoe-boc-lo-qua-ray-tai-185231025211019506.htm